Trích ý kiến của ĐBQH Nghiêm Vũ Khải – Tỉnh Hà Giang

Thứ Ba 08:38 05-09-2006

Kính thưa Quốc hội,
Trước hết tôi nhận thức đây là một luật rất phức tạp, vì nó phức tạp cho nên nó rất khó. Bởi vì các đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng và bao gồm một phần rất lớn của dân cư. Cái khó thứ hai là do đặc thù về hệ thống chính trị của nước ta.
Thứ ba là nó liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm khác. Đồng thời luật này cũng rất quan trọng. Bởi vì theo xu thế hiện nay chúng ta trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong chính sách thì luôn luôn hướng đến một vấn đề gọi là xã hội hóa, có đại biểu nói là xây dựng một xã hội dân sự. Luật này chúng ta làm được tốt thì không những sẽ huy động được trí tuệ cũng như đóng góp của một phần đông đảo dân cư. Trong điều kiện một luật phức tạp và một luật quan trọng như thế này mà Ban soạn thảo cũng như Ủy ban pháp luật đã tổng kết, đã tiếp thu đưa ra được dự thảo tại Hội nghị hôm nay, tôi cho rằng đấy là một cố gắng rất cao và rất hoan nghênh.
Đi vào cụ thể tôi xin có một số ý kiến như sau:
Tôi hơi khác một số ý kiến các đồng chí đã phát biểu và thậm chí với giải trình. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng luật này. Trước nhất nói về đối tượng áp dụng, tôi cho rằng luật này không nên phân biệt ta chỉ có điều chỉnh các hội có đăng ký pháp nhân. Vì đã gọi luật về hội mà chúng ta lại bỏ một phần không đăng ký ra ngoài. Như vậy có thể phải đổi tên luật là luật về hội đã đăng ký pháp nhân, nên viết như vậy.
Thứ hai, các hội họ chưa đăng ký cũng chưa phải họ yếu và đây tôi nghĩ nếu không cẩn thận đây chính là sơ hở, những ai đăng ký chúng ta điều chỉnh thôi còn những người không đăng ký lại không điều chỉnh. Cho nên tôi nghĩ phải có điều chỉnh chung là tất cả các hội đều được xem điều chỉnh. Vì vậy cần phải bổ sung một số điều hoặc chương về các hội chưa đăng ký pháp nhân. Đồng thời cũng cần phải bổ sung một quy định rằng các hội phải có trách nhiệm đăng ký pháp nhân trong trường hợp đã đầy đủ những yếu tố hoạt động. Còn tránh trường hợp, thực sự các hội rất mạnh chúng ta lưu ý có trường hợp lợi dụng Luật về hội này và những chính sách của chúng ta về hội mà có khi hoạt động ngầm, không đăng ký nhưng thực lực rất mạnh. Đến lúc người ta đăng ký thì ào một cái có thể hàng vạn hoặc hàng triệu người. Cho nên không vì lý do gì chúng ta không quy định là trách nhiệm của các hội phải đăng ký và cái phải đăng ký đó là yêu cầu bắt buộc. Tôi nghĩ luật phải điều chỉnh các loại hội và yêu cầu các hội đến một mức độ nhất định, tất nhiên không phải tất cả ví dụ như hội lớp v.v... việc này quy định cụ thể. Ý thứ nhất tôi cho như vậy.
Vì thế thứ tự của điều luật ở Chương I, tôi cho vẫn đưa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng lên Điều 1. Sau đó chúng ta đưa đến Điều 2, bảo đảm quyền lập hội và thứ ba có thể giải thích từ ngữ. Trong đó có định nghĩa thế nào là hội, thế nào là hội có đăng ký pháp nhân và hội không đăng ký pháp nhân. Riêng định nghĩa về hội cũng đề xuất một phương án định nghĩa tôi thấy có thể gợi ý cho các đồng chí nghiên cứu, tiếp thu. Tôi cho rằng không vì mục đích lợi nhuận thì chỉ là một nguyên tắc của hội thôi, trong khi đó Điều 4 thì quy định những nguyên tắc hoạt động của hội rất đầy đủ. Vì vậy hội có thể gọi là một tổ chức gồm những người có chung mục đích, nhu cầu và thêm sở thích, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc quy định tại Điều 4 của luật này. Tôi nghĩ quy định như vậy thì đầy đủ hơn.
Ý tiếp theo ở Chương II nêu là thủ tục thành lập hội, tôi đề nghị phải có đăng ký nữa cho nên có thể nói là thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của hội. Đó là điều tôi thấy cần phải bổ sung.
Về phần hội viên, trong giải trình có nêu là chỉ có hai loại hội viên thôi, tức là hội viên chính thức và hội viên danh dự, mà trong đó có nói là hội viên liên kết thì không quy định để tránh một số vấn đề phức tạp. Tôi đề nghị vẫn có hội viên liên kết, đặc biệt là những tổ chức khoa học kỹ thuật, tổ chức nghề nghiệp rất lành mạnh, những mục tiêu phi lợi nhuận, nhưng rất có ích cho xã hội thì người ta hay có những hội viên liên kết. Hội viên liên kết tôi nghĩ cũng nên quy định tương tự như hội viên danh dự và như thế họ không có tham gia quyền biểu quyết hay không tham gia ban lãnh đạo. Vì vậy họ còn có đóng góp của họ thì ta nên khuyến khích cũng như là hội viên danh dự, vấn đề đó phù hợp với thông lệ quốc tế, chúng ta cũng không sợ lắm vì sau này quy định tài chính sẽ có quy định bổ sung hơn và tôi cũng có ý kiến quy định tài chính này.
Về Điều 19 hội viên danh dự tôi đề nghị thay từ "suy tôn" bằng từ "kết nạp" thì nó bình thường, hay có những đóng góp, nổi tiếng này khác, có công lao thì chúng ta chỉ kết nạp vào hội viên danh dự thôi, còn suy tôn thì thông thường suy tôn danh dự thôi, còn hội viên tôi nghĩ dùng từ kết nạp là đủ rồi.
Sang quyền của hội ở Điều 24 có cần thiết phải bổ sung thêm quyền tức là quyền trở thành thành viên của các hội, của khu vực và quốc tế mà có cùng một lĩnh vực, nhưng tất nhiên phải thêm một điều là theo quy định của Chính phủ để cho nó chắc chắn và bảo đảm. Vấn đề đó thực tế đang diễn ra và như vậy rất tốt vì trong thế giới hội nhập chúng ta không trao cho các hội trở thành thành viên liên kết hoặc thành viên chính thức của các hội khu vực Đông Nam Á, khu vực của thế giới tôi thấy rằng cũng không nên và nên cho phép, nhưng có quy định cụ thể của Chính phủ.
Còn nghĩa vụ của hội, ngoài ý kiến tôi đã nêu trước là nghĩa vụ phải đăng ký lập một loại nghĩa vụ, nghĩa vụ ở Khoản 3 về tài chính tôi thấy chỉ cần đề như sau: thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Chương III, tức tài sản tài chính của hội chứ không nên ghi ngay nộp thuế, lệ phí có trường hợp không có đâu, không có nguồn chi ngay thì chắc gì có quyền để nộp thuế, có thu nhập gì đâu mà nộp thuế. Cho nên vấn đề tài chính chỉ ghi là nghĩa vụ thực hiện tài chính theo quy định tại Chương III về tài chính.
Về tài chính, tôi thấy cần phải bổ sung một quy định, tức là các hội phải có trách nhiệm báo cáo tài chính đối với cơ quan Nhà nước vì hôm qua ở Hội khoa học, tôi gặp một giáo sư người Nhật, tôi có trao đổi và họ cho tôi một luật về tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản, họ có nói là chúng tôi là thành viên của rất nhiều hội nhưng hàng năm đều phải báo cáo tài chính, chính việc thông qua báo cáo tài chính chúng ta kiểm soát được các nguồn nhập, nhất là nguồn nước ngoài, đến mức độ nào đấy thì nộp thuế, đến mức độ nào đấy thì không phải nộp thuế, đấy là cái tôi thấy bổ sung về vấn đề tài chính.
Thêm một ý nữa là Điều 32, điều khoản thi hành, tôi cảm thấy đưa Liên hiệp hội sang Chương V hợp lý hơn vì chúng ta nói là sát nhập, chia tách, đổi tên, giải thể, liên hiệp có lẽ đưa sang Chương V thì hợp lý hơn.
Tôi xin nêu một ý cuối cùng, có lẽ chúng ta cũng nên có quy định cụ thể hơn về quan hệ của các hội trong cùng một lĩnh vực, nhất là hội Trung ương và địa phương, có những trường hợp quy định rằng, trên mà chưa thành lập thì dưới không được thành lập, trung ương chưa thành lập thì tỉnh chưa được thành lập. Tôi cho rằng nếu có quy định như vậy thì cũng phải cân nhắc lại, có những nơi người ta rất mạnh về mảng này, người ta thành lập một hội, bây giờ hội Trung ương không có thì họ vẫn có quyền, họ cũng có quyền nữa gọi là quyền độc lập. Có một số lĩnh vực ta nên có khuyến khích và có ưu tiên, tôi xin nêu cụ thể ví dụ như lĩnh vực sức khoẻ, giáo dục, phát triển cộng đồng, văn hoá, nghệ thuật, môi trường, an toàn xã hội, về bảo vệ quyền bình đẳng nam, nữ, về thanh niên, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, nên có một số quy định ưu tiên các hội hoạt động trong những lĩnh vực đó, nó phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các văn bản liên quan