Trích ý kiến của Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh

Thứ Ba 08:41 05-09-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép thay mặt Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội luật gia Việt Nam xin phát biểu một số ý kiến.

Trước hết, chúng tôi cho rằng dự thảo Luật về hội lần này được giới khoa học kỹ thuật đánh giá rất cao. Vì có thể nói rằng Luật về hội đã được soạn thảo từ 4 năm nay, đến nay đã có dự thảo đến lần thứ 11. Các tổ chức hội nói chung, đặc biệt là Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam rất quan tâm, chờ đợi và mong muốn Quốc hội sẽ thông qua một Bộ luật tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi nhất cho các hội phát triển, nhằm đáp ứng các nhu cầu của hội, của hội viên và đóng góp cho phát triển đất nước.

Từ dự thảo số 5 tới nay Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng như Hội luật gia Việt Nam phối hợp với Liên minh các hợp tác xã Việt Nam. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chúng tôi đã tổ chức 17 cuộc Hội thảo khác nhau tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trong đó có 3 cuộc Hội thảo với sự tham gia tích cực của nhiều đại biểu Quốc hội để tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật này. Tới nay, chúng tôi cho rằng Dự thảo có sự phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực của Ủy ban pháp luật của Quốc hội để có được Dự thảo mới nhất hôm nay thì chúng tôi cho rằng đã là khá hoàn chỉnh. Từ sáng tới giờ nghe ý kiến của các đại biểu phát biểu, chúng tôi thấy cũng đồng tình với nhiều quan điểm của các đồng chí đã nêu ra, cho nên tôi chỉ xin phát biểu một số vấn đề, có thể lặp lại với một số ý kiến các đồng chí đã nêu:

Điểm thứ nhất, tên gọi của luật, chúng tôi tán thành đặt như Dự thảo Luật về Hội thì nó đầy đủ và đúng hơn, nếu nói về Luật về lập Hội thì nó chỉ riêng về các thủ tục pháp lý để lập hội, còn trong này có trách nhiệm quản lý Nhà nước và nội dung hoạt động nghĩa vụ, quyền hạn của Hội như thế nào. Cho nên, tôi cho rằng đặt tên là Luật về Hội bao hàm đầy đủ.

Thứ hai là phạm vi điều chỉnh, tôi cho rằng phương án thứ nhất nêu trong dự thảo luật là hợp lý. Đây là vấn đề qua rất nhiều cuộc hội thảo tranh cãi, vô cùng nhiều ý kiến, tôi cho phương án này là phương án khôn ngoan, dung hòa được các ý kiến. Tôi rất tán thành ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Lộc vừa phát biểu, trong tương lai chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thì gốc của nó một mảng rất quan trọng là xã hội dân sự. Bây giờ có thể chưa hình thành một xã hội dân sự, đương nhiên hiện nay chưa hình thành xã hội dân sự hoàn chỉnh, nhưng tới đây trong xu thế hội nhập và phát triển lên thì còn rất nhiều các tổ chức khác. Cho nên, nếu như theo phương án 3 liệt kê, hay theo phương án 2 là nó sẽ không đầy đủ, không đáp ứng được những khi xã hội dân sự phát triển, đấy là 1.

Thứ hai chúng ta làm một vấn đề mà bây giờ đưa ra, tôi nhớ Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật hay là văn học nghệ thuật, các anh tranh cãi rất gay gắt, các anh gạt trí thức chúng tôi ra ngoài hay sao mà để ra những chuyện tranh cãi ấy, tôi thấy thương tổn đến tình cảm của giới trí thức, giới văn học nghệ thuật. Cho nên tôi cho phương án thứ nhất là dung hòa và khôn ngoan. Vả lại tôi cho phương án thứ nhất cũng còn một điểm nữa mà hôm nọ chúng tôi thảo luận là có điểm để sau này lách được đấy là Điểm 5 áp dụng pháp luật về hội, trong đó có Khoản 2 trường hợp đặc thù liên quan đến các tổ chức này thì có thể vận dụng riêng. Tôi cho phương án này là cách xử lý khôn ngoan và nó phù hợp với thực tiễn hiện nay, không gây tranh cãi cũng như sự bất đồng ý kiến rất phức tạp khó giải quyết.

Vấn đề thứ ba là quản lý Nhà nước về hội, chúng tôi cũng đồng tình theo cách thể hiện trong dự thảo này. Tôi xin phát biểu hai ý kiến:

Một là nội dung quản lý Nhà nước, chúng tôi đề nghị nên bỏ Điểm 5 quản lý Nhà nước về hoạt động hợp tác quốc tế của hội. Bởi vì trong Điểm 1 ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội thì trong đó có bao hàm cả hợp tác quốc tế cũng là một trong những lĩnh vực mà các hội đề ra, vả lại không phải hội nào cũng hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là hội địa phương. Cho nên ở các địa phương, các tỉnh nếu mình đưa vào đây chỉ có được mấy chục hội lớn có hợp tác quốc tế thì nó thêm nặng nề ra.

Hai là về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hội chúng tôi cũng đồng tình, theo tôi Điểm 3 nên bỏ chữ thanh tra, kiểm tra đi mà nên nói là giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Trong khi xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực của mình thì đương nhiên phải có thanh tra, kiểm tra chứ không có thanh tra, không có kiểm tra thì anh không thể xử lý được người ta. Cho nên phải thanh tra, kiểm tra thì mới có thể xử lý, nhưng mình viết thanh tra vào đây thì tôi sợ đối với các hội cho, một là các vị cũng chẳng bao giờ làm mà nêu vào đây. Hai là cũng sợ các vị lạm dụng, rồi các cơ quan hành chính Nhà nước cứ thấy thanh tra lên, thanh tra xuống rồi cũng chỉ làm khổ cho các hội. Tôi nói đấy là một ý kiến và có ý kiến chung các hội. Nhưng cũng có nói rằng nguyên lý lãnh đạo, lãnh đạo mà không có thanh tra, kiểm tra thì lãnh đạo bằng không, cho nên thanh tra, kiểm tra là nguyên lý của cụ Lê nin đã nói rồi phải đưa vào đây. Chúng tôi nghĩ rằng nên nói mềm hơn một chút là xử lý vi phạm, đương nhiên việc đó muốn xử lý vi phạm phải có thanh tra, kiểm tra chứ không phải tự nhiên làm được. Đấy là điểm quản lý Nhà nước chúng tôi xin có một số ý kiến như vậy.

Vấn đề thứ tư, các hành vi bị nghiêm cấm, chúng tôi đề nghị chỉ nên nói 2 điểm là Điểm 1, Điểm 2, còn các Điểm 3, 4 lồng vào các điểm trên. 2 Điểm 3, 4 xâm hại đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên môi trường, đây là mình liệt kê rất cụ thể, nhưng đã liệt kê càng cụ thể bao nhiêu nó càng không đầy đủ bấy nhiêu. Cho nên, chúng tôi đề nghị chỉ nên nói trong Điểm 2 xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân, cộng đồng thì trong đó có thể lồng vào các điểm ở trên đưa nó vào trong này cũng được chứ không nên thành Điểm 3, Điểm 4 quốc phòng, an ninh, tài nguyên môi trường, đưa vào chỗ này là hợp lý. Cho nên ý chúng tôi bỏ Điểm 3, Điểm 4 trong Điều 9 đấy là các hành vi bị nghiêm cấm.

Ý kiến thứ năm, về các vấn đề khác báo cáo với các đồng chí Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật đã có một văn bản ghi chi tiết những điều gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội .Ở đây chúng tôi chỉ xin nói một vài điểm chính trong phần này.

Chúng tôi muốn đề nghị như sau:

Điều thứ nhất, điều kiện trở thành hội viên ở Điều 6, Khoản 4 chỉ nên viết là có số người đăng ký tham gia hội tối thiểu theo quy định của điều lệ, thay vì các quy định của Chính phủ thì chúng tôi thấy như thế nó hợp lý hơn. Bởi vì khi các cơ quan Nhà nước xem xét điều lệ các hội đương nhiên phải có số người đăng ký tham gia hội tối thiểu như thế nào thì mới có thể có hội viên sáng lập, có Tờ trình thì Nhà nước đã xem xét vấn đề rồi, cho nên không cần tiếp theo có quy định của Chính phủ nữa.

Một điểm nữa chúng tôi muốn phát biểu về thủ tục thành lập hội, trong đó có đại hội thành lập hội. Trước khi cho phép thành lập hội, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã xem xét và góp ý kiến vào điều lệ hội. Mặt khác điều lệ là thể hiện ý chí của hội, ý chí này cần phải tôn trọng. Vì vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải công nhận điều lệ hội ngay sau khi đại hội chứ không phải chờ đợi đến 45 ngày, chúng tôi muốn thời gian này rút ngắn lại. Chỉ khi nào trong điều lệ có khoản vi phạm pháp luật thì phải hủy bỏ, sửa đổi điều đó, khoản đó trong điều lệ.

Ở đây phản ảnh một thực tế là Hội tin học Việt Nam phải mất 1033 ngày, từ 10/11/2002 đến 13/9/2005 mới được công nhận điều lệ. Hội Khoa học kinh tế Việt Nam sau đại hội 3 năm, Hội mã số, mã vạch Việt Nam đã 6 năm vẫn chưa được công nhận điều lệ. Cho nên ý các anh công nhận thời gian rút ngắn lại chứ không có để tình trạng như tôi vừa đọc. Theo tôi tối đa 30 ngày là nhiều, không đến 1,5 tháng, bởi vì nó có tình trạng hàng mấy năm rồi như thế này rất không hay.

Về vấn đề hội viên, chúng tôi tán thành nên có hội viên liên kết, hội viên của hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự. Hội viên chính thức và hội viên liên kết có thể tổ chức hoặc cá nhân. Hội viên liên kết còn có tên gọi khác là hội viên thông tấn do sự trao đổi thông tin như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam là hội viên liên kết của một số tổ chức quốc tế như Hội đồng quốc tế, các Liên hiệp các hội khoa học. Nhưng Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam ,vì không đóng niên liễm hàng năm cho nên chỉ nhận được ấn phẩm thông báo của các hội nhưng không có quyền tham gia biểu quyết. Cho nên chúng tôi muốn nói hội viên liên kết là một thực tiễn nó đẻ ra, nhất là giới văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Cho nên chúng tôi tán thành là nên có hội viên chính thức, hội viên danh dự và hội viên liên kết, không nên bỏ hội viên liên kết. Mặt khác với hội viên danh dự tôi nghĩ theo truyền thống Việt Nam thì chỗ đó rất ít, thông thường là các đồng chí lãnh đạo cấp cao mới được công nhận là hội viên danh dự hay các vị học giả, hoặc các vị viện sỹ có học hàm, học vị rất cao được kính trọng thì mới là hội viên danh dự, chứ còn không dễ là hội viên danh dự. Cho nên chủ yếu sẽ là hội viên chính thức và hội viên liên kết để tranh thủ sự hỗ trợ nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.

Một vấn đề nữa là quyền hạn của hội. Chúng tôi đề nghị, trong quyền hạn của hội, ở Điểm 3, Điều 24 chúng tôi đề nghị viết thêm là hội có quyền tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, nhất là các hoạt động tư vấn và phản biện, giám định xã hội trong này nói chưa rõ lắm.

Ý kiến cuối cùng, về Liên hiệp các hội. Chúng tôi rất vui mừng vì ngay trong định nghĩa về hội Điều 1 đã nói đến phần hội đơn nhất hoặc là Liên hiệp cũng đã nói dưới dạng như thế. Nhưng chúng tôi cho rằng Liên hiệp hay Tổng hội là một thực tế hiện nay phải nên có một điều quy định rõ, chúng tôi cũng không tán thành đưa nó vào điều khoản thi hành là Điều 32, trong Chương VII, nên đưa vào như một đại biểu Quốc hội vừa phát biểu, ở trong Chương V hợp nhất, sát nhập, chia tách, đổi tên, giải thể hội, nó có thể sau Điều 26 là Điều 27 gì đấy, trong đó phải nói rõ liên hiệp các hội, Tổng hợp, hay Liên minh các hội.v.v...có chức năng điều hoà, phối hợp hoạt động của các hội thành viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội tham gia, xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung cho các hội trong các tổ chức Liên hiệp nói trên. Như thế, chúng tôi cho rằng nó mới đầy đủ với tinh thần, đây nó không phải là cấp trên, nhưng nó phải là liên minh tự nguyện của các tổ chức, nó có tác dụng phối hợp điều hoà các hoạt động, chúng tôi không tán thành để phần liên hiệp vào điều khoản thi hành, muốn đưa nó lên trên với các nội dung, về cơ bản cũng nhất trí như các đồng chí đã thể hiện nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh một số điểm.

Tóm lại, chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng thấy rằng dự thảo lần này so với dự thảo lần trước, dễ tạo được một sự đồng nhất rất cao trong các hội, tạo được một không khí phấn khởi cho các hội. Còn những vấn đề cụ thể chúng tôi đã có Tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các văn bản liên quan