Trích ý kiến của ĐBQH Néang Kim Cheng – Tỉnh An Giang

Thứ Tư 09:57 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.
Đối với Dự án Luật Dạy nghề tại kỳ họp lần thứ 9 tôi có phát biểu ý kiến liên quan đến 3 lĩnh vực.

Lĩnh vực thứ nhất là sự cần thiết phải ban hành luật.

Thứ hai về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề.

Thứ ba về chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên qua nghiên cứu tôi thấy các ý kiến trên, trong giải trình tiếp thu của Ban soạn thảo cũng như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì đề cập còn chung chung. Trong kỳ họp này tôi xin được phát biểu liên quan đến hai phần. Phần thứ nhất, đó là một số vấn đề mà tôi quan tâm và phần thứ hai liên quan đến dự án về Luật dạy nghề.

Phần thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành Luật dạy nghề.

Kính thưa Quốc hội, thưa Ban soạn thảo.

Tôi xin được bảo lưu ý kiến phát biểu trong Kỳ họp lần thứ 9 của tôi, tôi nhất trí cao việc dạy nghề cần phải có luật nhưng không nhất thiết phải xây dựng thành một đạo luật riêng. Có thể đó là chương, là điều khoản của Luật giáo dục. Bởi vì dạy nghề ta hiểu theo một nghĩa nào đó thì nó là một bộ phận của quá trình giáo dục đào tạo, trong giáo dục đào tạo thì có dạy nghề và trong dạy nghề có quá trình giáo dục và giáo dục đào tạo là một thể thống nhất, không thể tách rời nhau được. Trong Luật Giáo dục cũng như những chương, điều khoản nói về đào tạo chuyên nghiệp dạy nghề về cơ bản cũng không khác với Luật Dạy nghề. Như vậy có nên chăng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành dưới dạng Pháp lệnh, vì theo báo cáo giải trình, tiếp thu tôi nghĩ rằng không cần quy định thì đương nhiên trường trung học chuyên nghiệp cũng có chức năng đó. Vì một môi trường giáo dục phải chịu sự điều chỉnh của hai luật cùng một chức năng thì càng không hợp lý. Tôi đề nghị Quốc hội nên cân nhắc và xem xét lại.

Tôi cũng có dịp gặp gỡ một số đồng nghiệp cũng như những cán bộ quản lý giáo dục có tâm huyết và cán bộ giảng dạy, thấy rằng đối với dự án luật này thì như trong giải trình tính thuyết phục chưa cao và cũng đồng thuận với một số ý kiến đại biểu cũng như cá nhân tôi.
Thứ hai, về chức năng, nhiệm vụ cũng như hành lang pháp lý, tôi thấy có sự chồng chéo với nhau về chức năng nhiệm vụ không cần thiết, ví dụ cùng tồn tại hai hệ thống song song là không hợp lý, như trung học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp. Theo tôi thực chất đó chỉ là một chứ không phải là hai, bởi trung học nghề hay cao đẳng nghề cũng là đào tạo chuyên nghiệp, chuyên ngành. Ngược lại, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp cũng là trường nghề, dạy nghề, cho nên không nhất thiết phải tồn tại song song hai hệ thống.

Thứ ba, tổ chức quản lý, theo tôi cần có sự phân biệt rõ ràng trên hai lĩnh vực, tổ chức dạy nghề phải gắn với việc làm, gắn với cơ sở sản xuất nhằm ổn định đời sống dân cư nên tổ chức dạy nghề, phổ cập nghề cho người lao động là hết sức cần thiết, để nâng cao trình độ đào tạo lao động qua đào tạo lên, vừa tăng năng suất và chất lượng lao động, giải quyết việc làm cho nhiều người trong độ tuổi. Theo tôi, đó là một trong những chức năng của ngành lao động. Việc đào tạo nghề dài hạn, có trình độ kỹ thuật, theo tôi đó là chức năng của ngành giáo dục đào tạo.

Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh cho hợp lý.

Phần thứ hai, một số ý kiến bổ sung với dự án Luật Dạy nghề được Ban soạn thảo chỉnh lý tháng 10/2006 và Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 559.

Kính thưa Quốc hội!

Thưa Ban soạn thảo,

Trước hết, tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 9 cũng như Hội nghị của đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 8 vừa qua. Qua nghiên cứu Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo luật tôi xin được phát biểu một số ý như sau:

Thứ nhất, quản lý Nhà nước về dạy nghề. Trong Báo cáo giải trình tiếp thu có đưa ra 4 ý kiến:

Thứ nhất, nên giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế mà phân công.

Thứ hai, giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Thứ ba, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, thành lập Tổng Cục dạy nghề.

Theo tôi, những vấn đề này nên quy định rõ trong luật, tôi có cảm nhận trong giải trình trang 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa có tính thuyết phục cao. Phải chăng đó là vấn đề tế nhị nên Quốc hội chuyển cho Chính phủ giải quyết và cho rằng để thuận lợi cho việc điều hành của Chính phủ thì không quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề sẽ do Chính phủ phân công và căn cứ vào tình hình thực tiễn của họat động dạy nghề. Tôi nghĩ rằng vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, vì việc quản lý Nhà nước không thể nằm ngoài luật được.

Thứ hai, về chính sách dạy nghề, nên gắn với cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để nhằm gắn lý thuyết với thực hành, nên quy định các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất v.v... có sử dụng nghề qua đào tạo phải có nghĩa vụ đóng góp.

Vấn đề thứ ba là những vấn đề cụ thể, ở đây có các cụm từ "chứng chỉ khả năng nghề" hay là "chứng chỉ khả năng nghề quốc gia" Theo tôi, nên dùng cụm từ "chứng chỉ kỹ năng nghề" là hợp lý và phù hợp với Luật Giáo dục, không nên dùng cụm từ "chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia" vì nó có liên quan đến các văn bản khác như là trung học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học có nên gọi là quốc gia hay không? Theo tôi, không cần thiết gọi như thế vì tất cả các cơ sở đào tạo đều có giấy phép và con dấu là đủ tư cách pháp nhân để đào tạo và được Nhà nước ta công nhận.

Các văn bản liên quan