Trích ý kiến của ĐBQH Bùi Sĩ Tiếu – Tỉnh Thái Bình

Thứ Tư 09:54 25-10-2006


Về Luật dạy nghề, tôi xin có một số ý kiến phát biểu tiếp như sau:

Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều nguồn lực xã hội tham gia công tác đào tạo nghề, mở rộng nhiều hình thức đào tạo với các trình độ, tay nghề khác nhau, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới của đất nước, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn rất nhiều bất cập như chưa huy động hết các nguồn lực tham gia công tác dạy nghề, nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, chưa quy định liên thông giữa các trình độ, nghề nghiệp và liên thông giữa trình độ nghề với các trình độ đào tạo khác trong cả một hệ thống giáo dục quốc dân, thiếu sự thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Theo Điều 32 Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi, giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Từ năm 1998, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý về trung cấp chuyên nghiệp và giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý về dạy nghề. Sự chia cắt trong quản lý Nhà nước về dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp ảnh hưởng càng ngày càng bất lợi đối với sự phát triển nguồn nhân lực đến công tác phân luồng, hướng nghiệp, liên thông giữa các hệ thống trường, cấp khác nhau.

Ngày nay, bên cạnh chú trọng dạy tốt một nghề, giáo dục nghề nghiệp hướng tới hình thành các phẩm chất, năng lực mới cho người học đó là: Năng lực sáng tạo, tự học nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề, năng lực hợp tác và có thể làm việc trong môi trường đa văn hoá, đa chủng tộc, tác phong lao động trong môi trường kinh tế tri thức v.v... Vì vậy xu thế chung của giáo dục nghề là tổ chức hệ thống liên thông với giáo dục phổ thông, với trường Trung cấp chuyên nghiệp, với Cao đẳng, với giáo dục Đại học. Đây là xu thế phát triển mạnh ở trên thế giới và ở khu vực, vì vậy sự thống nhất về quản lý Nhà nước về giáo dục là xu thế tất yếu.

Hiện nay ở nước ta đang trong bối cảnh chất lượng giáo dục đại trà, còn thấp, tiềm lực vật chất của đất nước còn yếu, đa số học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông là điều còn bất hợp lý và còn quá tải. Mặt khác, hàng năm chúng ta có trên 1 triệu thí sinh dự thi vào trường Cao đẳng và Đại học. Song chỉ khoảng trên dưới 70% số học sinh và thí sinh này chưa đủ khả năng và năng lực vào trường Cao đẳng và Đại học, số lớn thí sinh đó bước vào thị trường lao động khi chưa được đào tạo là sự lãng phí vô cùng lớn cho quốc gia. Trong khi đó thị trường lao động đang cần ngày càng nhiều những tay thợ lành nghề, tình trạng thừa thầy thiếu thợ là rất lớn.

Hệ thống giáo dục đào tạo cần thống nhất để có chiến lược rõ ràng, tập trung chỉ đạo nguồn lực đầu tư, thực hiện hướng nghiệp sớm, phân luồng và liên thông dần từ bậc phổ thông tới trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng và các trường đại học đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X của chúng ta. Sự không thống nhất quản lý của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp làm cho hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta bị cắt khúc mà trình độ nghề nghiệp lại có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều chỉ đạo đào tạo khác nhau, nhiều văn bằng khác nhau, các chính sách tạo động lực cũng khác nhau, điều này sẽ gây khó khăn cho hoạch định chiến lược phát triển, tổ chức, quy hoạch, hệ thống, gây ra rắc rối trên thị trường lao động nhất là khi nước ta gia nhập WTO. Sự không thống nhất về đầu mối quản lý Nhà nước đã gây ra những lãng phí rất lớn cho sự chồng chéo, đó là 2 bộ cùng thực hiện gần như nhau các công việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, bồi dưỡng giáo viên, tuyển sinh, kiểm định chất lượng, cấp văn bằng v.v...

Sự thiếu thống nhất ấy đã gây ra sự chồng chéo về quản lý, gây cho cơ sở nhiều phiền toái và gây khó khăn cho công cuộc cải cách hành chính của chúng ta. Nếu chúng ta thống nhất về quản lý một đầu mối sẽ tạo ra sự thuận lợi cho quá trình phân luồng, tạo thuận lợi cho sự đào tạo thầy, đào tạo thợ và xây dựng giáo trình, tạo thuận lợi cho việc xây dựng chương trình liên thông, xây dựng tín chỉ từ Trung học phổ thông tới Trung học chuyên nghiệp, tới cao đẳng và đại học. Như vậy sẽ giảm tải được sức ép thi vào đại học quá lớn như hiện nay của chúng ta, tạo ra cách học cần gì học nấy, tạo ra cho mọi người đều có cơ sở, đều có cơ hội học tập, có trí hướng để học tập đi lên, học suốt đời và như vậy giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Với phân tích như trên tôi đề nghị đây là vấn đề căn bản và hệ trọng, đồng thời sẽ gây bức xúc ngày càng lớn trong xã hội. Cho nên chúng tôi đề nghị phải thống nhất ngay từ bây giờ quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo một phương án thống nhất, đó là: Giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất tất cả các lĩnh vực thuộc về giáo dục đào tạo, cả trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, giao cho Bộ Lao động thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm dạy nghề cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh cơ nhỡ, thất nghiệp và đào tạo lại người lao động cho các doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan