Trích ý kiến của ĐBQH Dương Thu Hương – Tỉnh Hà Nam

Thứ Năm 14:13 31-08-2006
Về dự thảo Luật Cư trú tôi cũng đã nghiên cứu và lắng nghe ý kiến của các đồng chí phát biểu trước, tôi cũng xin có thêm mấy ý kiến như thế này:
Tôi cũng rất phân vân và băn khoăn, có mấy câu hỏi đặt ra đối với luật này.
Thứ nhất, tôi nghĩ rằng yêu cầu của luật này là phải đảm bảo được 4 yêu cầu là:
Thứ nhất, đảm bảo được tự do cư trú của công dân
Thứ hai, phải trả lại sự đơn giản, mộc mạc của bản thân quyển sổ hộ khẩu, đừng đeo bám vào nó những cái gì đấy làm cho nó phức tạp ra.
Thứ ba, phải đảm bảo sự dễ dàng, thuận tiện cho dân khi cư trú và thay đổi cư trú.
Thứ tư, phải đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước.
Tôi nghĩ rằng 4 yêu cầu đó phải được hoà quyện với nhau để làm sao chúng ta tìm ra được cách xử lý vấn đề cư trú một cách hiệu quả nhất, khoa học nhất.
Một câu hỏi nữa tôi vẫn luôn luôn đặt ra là vậy thì tự do cư trú là gì. Tất nhiên tự do cư trú theo quy định của pháp luật rồi, nhưng trong đó nội hàm tự do cư trú là gì, tất nhiên tôi hiểu là người dân được tự do cư trú ở những nơi mà họ muốn, họ làm ở đâu, họ sống ở đâu thì họ được cư trú ở đấy. Còn Nhà nước là người theo dõi được việc cư trú của người dân, theo dõi được sự thay đổi cư trú của người dân. Tôi nghĩ rằng giữa Nhà nước và nhân dân mỗi người có việc như thế, nhưng làm sao hai việc này phải gắn kết với nhau và phù hợp với nhau. Câu hỏi đặt ra, vậy làm thế nào để cho người dân được tự do nhưng Nhà nước lại theo dõi được việc cư trú của người dân. Có cách nào để đảm bảo được hai việc này không? Tôi tự hỏi rằng sổ hộ khẩu có phải là một biện pháp duy nhất, hay nhất để đảm bảo hai việc đó không? Và sổ hộ khẩu có tính đến tương lai lâu dài không, một loạt câu hỏi đặt ra như vậy. Tôi nghĩ rằng cần phải suy nghĩ thêm với sự trợ giúp của kỹ thuật thì ta có thể có cách quản lý khác tốt hơn.
Ví dụ, nhiều đại biểu nói đó là thẻ điện tử hay thẻ cư trú, tôi hình dung ra với hình thức thẻ cư trú, người có thẻ cư trú này người ta đi đâu cũng có thể sống được bằng thẻ cư trú đó, người ta chỉ thông báo cho chính quyền địa phương là tôi đã đến để chính quyền địa phương theo dõi. Và Nhà nước cũng theo dõi được người này đi đâu, về đâu. Tôi nghĩ thẻ đó nó rất đơn giản và nó đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc của người dân. Ví dụ, chúng ta trong luật này vẫn chia ra thường trú và tạm trú. Vậy hai trường hợp này có 2 chế độ đối xử khác nhau, ông thường trú được mọi điều tốt đẹp về học hành, y tế v.v... nhưng ông tạm trú là có chuyện. Thế nếu chúng ta vẫn còn hình thức thường trú và tạm trú có nghĩa là chúng ta vẫn chưa cắt được cái đeo bám của các phi lý vào sự đơn giản mộc mạc của sổ hộ khẩu.
Chúng ta theo vẫn cách tư duy trong luật này thì chưa thể cắt được 380 dịch vụ ăn theo hộ khẩu như sáng đại biểu Nam của Bình Dương phát biểu. Bởi vì ông còn phân biệt được giữa tạm trú và thường trú, tôi lấy ví dụ điển hình là đồng chí Phong ở Ủy ban pháp luật từ Bến Tre ra, đồng chí chỉ được tạm trú thôi, con đồng chí ra đây không học được, muốn học được thì phải trái tuyến, lại tiền. Rõ ràng nếu quy định như trong luật này thì không phân biệt, vẫn còn sự đeo bám đó, vẫn còn phân biệt giữa công dân thường trú và công dân tạm trú, rất khổ cho các cháu học hành, bệnh viện, phát sinh thêm nhiều khoản tiền ngoài suy nghĩ của chúng ta.
Cho nên tôi thấy rằng như dự thảo trong luật này thì tất cả những đeo bám kia chưa cắt đứt được vì chúng ta còn phân biệt như vậy. Vậy nếu dùng thẻ cư trú ấy chẳng phân biệt ai cả? chẳng phân biệt ông tạm trú hay ông thường trú, tôi có thẻ cư trú tôi ở đâu cũng được, tôi đến đâu cũng được. Tôi chỉ cần xuất trình cái đó cho chính quyền để chính quyền có thể theo dõi được tôi đang ở đâu, làm gì. Tôi tha thiết đề nghị rằng lúc này các đồng chí cân nhắc thêm, chúng tôi rất đồng tình với chuyện tự do cư trú cùng với sự quản lý của Nhà nước, chứ không phải tự do vô kỷ luật, tự do thoải mái mà không ai biết chuyện đó là gì thì không được. Tôi nghĩ rằng cần phải tìm cách hay hơn để có thể xử lý vấn đề này, tôi cũng nghĩ rằng phân ra tạm trú hay thường trú sinh ra rất nhiều phiền phức ăn theo như học hành, y tế, thuê nhà ở v.v... Chính vì vấn đề thuê nhà ở như sáng nay có rất nhiều đại biểu phát biểu. Quan điểm của tôi, nếu như có thẻ cư trú, thì dù cho anh có ở nhà của anh hay anh đi thuê thì anh cũng chỉ có một thẻ đó thôi, chứ anh chẳng phải cần làm cái gì. Nhưng ở đây chúng ta lại phân ra trường hợp cho thuê, cho mượn, ở nhờ thì phải có ý kiến bằng văn bản của người chủ. Tôi nghĩ rằng theo quan điểm của tôi quy định như trong luật như thế này, là đảm bảo quyền công dân của hai người, công dân có nhà cho thuê và công dân đi thuê nhà. Chứ không thể chỉ bảo vệ quyền lợi cho một công dân đi thuê nhà đâu, mà phải bảo vệ cả hai. Tôi nghĩ như thế mới công bằng.
Tôi nghĩ rằng nếu có thẻ cư trú thì nó sẽ xử lý được vấn đề này, tôi chẳng cần ảnh hưởng gì cả, tôi không phải xin ai cả, tôi chỉ đến thông báo cho địa phương tôi đến. Như vậy chủ nhà cũng rất yên tâm và người thuê nhà cũng rất yên tâm. Còn trường hợp của chị Minh sáng nay lấy làm ví dụ điển hình cho chúng ta, thì không phải là điển hình đâu mà đấy là trường hợp vô cùng đặc biệt ở Hà Nội, mà ở Hà Nội đã không biết bao nhiêu chuyện xảy ra do chuyện cho thuê nhà, cho nhập hộ khẩu, rồi đòi nhà không được, ra Tòa án.
Xin thưa các anh chị ra Tòa án đâu có phải người ta anh minh suốt tất cả mọi cái, có khi người ta cứ bảo vệ người đi thuê nhà. Bởi vì người đó không có chỗ ở khác, người ta cứ ở, anh chủ nhà không đòi được nhà, Hà Nội đã có một bài học rất đau đớn rồi. Tôi nói thật ví dụ như tôi có hộ khẩu tại chỗ rồi, tôi đố các anh đuổi được tôi ra, mặc dù hợp đồng thuê nhà hết rồi. Đến Ngân hàng cho vay mà thế chấp tài sản như thế, đến kỳ hạn nợ, thu nợ cũng không thu được, rồi ra tòa cũng không thi hành án được. Vì nó bảo hộ khẩu tôi ở đây, tôi chẳng có chỗ nào đi nữa thì làm sao lấy được, nó phức tạp vô cùng về mặt xã hội trong chuyện này. Cho nên chúng ta phải thận trọng chuyện này, chứ không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Tôi nghĩ như vậy mà Hà Nội là bài học này nhiều chuyện lắm rồi, thậm chí đổ máu về chuyện này. Chúng ta đừng để dân phải đổ máu vì những chuyện đó. Chúng ta phải nghĩ ra cách nào cho thuận lợi, thuận tiện hơn trong việc này, tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề lớn, vấn đề chúng ta cần phải cân nhắc thêm. Tôi nghĩ rằng tôi cũng đề xuất như vậy, tôi mong Ban Soạn thảo cũng như Ủy ban pháp luật cân nhắc thêm để lựa chọn, tìm ra phương án tốt nhất. Đừng để cho nó đeo bám cái gì ở trong chuyện quản lý người cư trú này nữa.
Về vấn đề cụ thể, tôi xin có mấy ý nhỏ. Thứ nhất về đối tượng áp dụng, đề nghị các đồng chí cân nhắc thêm. Đối với Khoản 2: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi trở về Việt Nam cư trú mà các đồng chí loại ra khỏi đối tượng áp dụng này thì các đồng chí cân nhắc thêm. Bởi vì tôi nghĩ rằng người Việt Nam trừ trường hợp người ta có quốc tịch ở nước ngoài, thì mình coi người ta là nước ngoài, nếu người ta chưa có quốc tịch hoặc có quốc tịch rồi, người ta từ bỏ quốc tịch đó người ta trở về nước cư trú thì vẫn phải theo luật này, sao lại loại người ta ra. Đấy là một ví dụ.
Thứ hai, Điều 10 về Khoản 1, Khoản 2 cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú và lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích của công dân. Hai khoản này tôi nghĩ rằng quy định như thế này chưa đủ sức để dứt bỏ những cái đeo bám vào sổ hộ khẩu như chúng ta vẫn thường thấy. Một vấn đề cụ thể thứ ba là Điều 21 ở Khoản 1 tôi đã nói rồi và Điều 24 tôi thấy quy định như thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp. Quy định như thế này quá phức tạp, 24 tháng hoặc phải có nhiệm vụ thay đổi nơi thường trú thì lại phải cắt, nhập, nhập rồi lại cắt phải làm những thủ tục như thế. Nhưng có những đồng chí, ví dụ đại biểu Quốc hội ra đây chỉ có 5 năm, người ta có hộ khẩu thường trú ở trong kia, người ta không muốn cắt thì làm sao, người ta muốn ra đây ở rồi hết nhiệm kỳ người ta lại quay trở vào thì làm sao? Nếu quy định như Điều 24 này thì quá phức tạp và không phù hợp với thực tiễn.

Các văn bản liên quan