Trích ý kiến của ĐBQH Lê Quốc Dung – Tỉnh Thái Bình

Thứ Sáu 16:10 01-09-2006

 Kính thưa đoàn chủ tọa.
Kính thưa các vị đại biểu.
Tôi xin có một số ý kiến, thứ nhất về nhận xét chung, chúng tôi cơ bản tán thành, bố cục rất rõ ràng. Chúng tôi rất tán thành phải mở xã hội hóa trong lĩnh vực này tạo thuận lợi cho dân, rất đúng xu hướng hiện nay.
Trong này chúng tôi còn băn khoăn một số vấn đề:
Thứ nhất, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, chúng ta tách hẳn vấn đề công chứng ra thuộc Phòng công chứng và Văn Phòng công chứng. Còn chứng thực chuyển cho chính quyền Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Có điều về cơ bản chúng tôi tán thành nhưng vẫn có băn khoăn như sau. Việc công chứng là việc rất khó, mà chứng thực nó cũng có ý nghĩa pháp lý, có thể nói nó cấp độ khác nhau nhưng nó cũng là pháp lý cả. Phòng công chứng và Văn Phòng công chứng làm việc công chứng nhưng lại không cho nó chứng thực. Tôi nghĩ bởi việc này có thể nó dễ làm và thuận hơn là làm công chứng mà chúng ta lại tách ra không cho nó làm. Ở đây có vấn đề nó vừa khó cho dân và nó không thuận cho phòng, quan điểm của tôi nếu Ban soạn thảo thấy được cho phép Phòng công chứng, Văn Phòng công chứng nó được cả hai nhiệm vụ là công chứng và được chứng thực. Còn Ủy ban nhân dân cơ sở có quyền chứng thực nữa thì hai khả năng này nó làm tốt hơn, vừa cho dân, vừa cho cơ sở. Bởi vì tôi thấy việc chứng thực cũng bản sao này khác, hồ sơ lý lịch, tôi thấy nó cũng rất dễ, nó không khó. Chứ còn công chứng phải đi điều tra theo nội dung này thì phải xác định xem cơ quan hợp đồng có tư cách pháp nhân không, chữ ký đúng không, nội dung có đúng không thì phải điều tra kỹ càng mới làm được công chứng. Thậm chí có khi phải đi ra nước ngoài hay bay đi, bay lại vào miền Nam, miền Bắc mới xác định được người ký hợp đồng này có đúng không, có tư cách pháp nhân không, có năng lực dân sự không thì mới làm được công chứng. Còn chứng thực thì nó rõ ràng, bản sao tốt nghiệp cấp III hay đại học thì dân đến chứng thực thấy nó đúng làm xong ngay như vậy thuận cho dân, đỡ phải để người ta phải chờ và phải đi nơi này nơi khác xa hơn.
Tôi quan niệm không biết có đúng không, sáng nay thấy anh Thuận giải trình nêu vấn đề đây là hai lĩnh vực khác nhau nhưng tôi thấy hai việc làm cũng có những cái na ná. Chứng thực còn dễ hơn công chứng, tôi hiểu như vậy không biết có đúng không, nếu được thì cho Văn Phòng công chứng và Phòng công chứng làm cả chứng thực. Như thế được tự thu, có nguồn thu đảm bảo công ăn việc làm mà lại dễ cho dân thì được cả hai đằng. Tôi thấy chỗ này có băn khoăn như vậy, nếu được thì cũng nên mở rộng phạm vi, đó là vấn đề thứ nhất chúng tôi xin nêu.
Vấn đề thứ hai, trong Điều 5 là lời chứng của công chứng viên, chúng tôi đề nghị tít của nó nên là nội dung lời chứng của công chứng viên thì rất đúng với nội dung của nó. Nhưng trong nội dung lời chứng này còn một vấn đề chưa rõ ở chỗ, tôi xin đọc: nội dung lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ thời gian, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng viên, người tham gia hợp đồng. Tôi đề nghị phải là tên người tham gia hợp đồng giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự thì phải cho rõ ai, vì ở đây đã chấm phẩy rồi thì phải ghi cho rõ. Ở dưới này có chữ ký của người tham gia hợp đồng, một vấn đề nêu như thế này, vậy thì còn dấu hợp đồng thì sao, có những cơ sở người ta có con dấu chúng ta chỉ ghi xác nhận về chữ ký thôi mà không xác nhận về con dấu. Rõ ràng nó lại trở thành vấn đề không bình thường.
Cho nên, chúng tôi đề nghị là cũng phải xác định nội dung của lời công chứng là phải xác định cả con dấu hợp đồng nếu có, xem con dấu để cho bản này được đầy đủ, chúng tôi cho rằng nội dung của công chứng cần phải bổ sung và lấy cái tít là nội dung về công chứng. Nếu người ta có con dấu mà mình lại không đưa vào xác định công chứng, thì nó dễ trở thành điều tranh chấp và hoài nghi. Chúng tôi đề nghị Điều 5 như thế.
Điều 12, Điểm a Khoản 2, có nói trách nhiệm quản lý Nhà nước về công chứng nói là xây dựng và trình Chính phủ quyết định chiến lược, chính sách phát triển hoạt động công chứng, chúng tôi có băn khoăn từ "chiến lược" ở đây không biết có khả thi không. Theo tôi, nên quyết định chính sách phát triển hoạt động công chứng là đủ rồi, còn không biết đến bao giờ xây dựng chiến lược công chứng, nó tầm nào là chiến lược. Chúng tôi đề nghị cũng không cần thiết phải chiến lược, bao nhiêu chiến lược hiện nay chúng ta cũng chưa xây dựng nổi và rất cần kíp nhưng cũng không xây dựng, công chứng mà ta đặt vấn đề đó thì lớn quá.
Một vấn đề nữa, trong Điều 12, trong Khoản 5, có Điểm c, đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị làm việc ban đầu cho Phòng công chứng. Chúng tôi đề nghị khoản này, nội dung này chắc chắn phải có sự hướng dẫn, chưa rõ ai sẽ là người hướng dẫn về vấn đề này, xem đảm bảo vật chất đó là những cái gì, định mức ra sao, ai là người quản lý, giao cho ai quản lý, trách nhiệm vật chất ra sao, chắc chắn điều khoản này phải có nội dung và ngân sách nó ở đâu, chúng tôi cho rằng cần phải có giao cho ai là người hướng dẫn về nội dung này, Điểm c là cơ sở vật chất phương tiện của Phòng công chứng này. Như thế nó mới chặt chẽ về mặt luật pháp.
Trong Chương II về công chứng viên ở Điều 15 có nói: "Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét bổ nhiệm là công chứng viên" Phần này tôi thấy những điều này vừa rồi đều là tiêu chuẩn lại có một đoạn về sau "và có đủ các tiêu chuẩn sau đây" Vậy thì phần trên không phải là tiêu chuẩn à? Phần trên nói là: "Thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ tiêu chuẩn sau đây" Vậy thì 4, 5 tiêu chuẩn dưới này mới là tiêu chuẩn thì còn phần trên có phải là tiêu chuẩn không? Nếu không phải thì đề nó làm gì, nếu là tiêu chuẩn thì phải xét thêm 1, 2, 3. Cho nên chúng tôi đề nghị phần trên ấy cũng là tiêu chuẩn thì cũng nên đưa nó thành một nội dung tiêu chuẩn.
Điều 20 về bổ nhiệm công chứng viên, trong Khoản 1 có nội dung, các điều hồ sơ để bổ nhiệm công chứng viên, có Điểm b là: "Bản sao bằng Cử nhân Luật hoặc bằng Thạc sỹ Luật" thế sao không hoặc đến chữ "luật" nữa cho đủ, chúng tôi đề nghị chữ "hoặc" này không cần thiết bởi vì đã có Thạc sỹ Luật chắc chắn phải có một cái bằng Cử nhân Luật thì mới làm được Thạc sỹ Luật. Cho nên nếu đã là tiêu chuẩn mà trong phần chương kia là người công chứng viên phải qua Cử nhân Luật thì chỉ cần 1 bằng Cử nhân Luật là đủ rồi, chứ không nhất thiết là hoặc bằng Thạc sỹ Luật nữa, nếu vậy Tiến sỹ Luật thì sao? Giáo sư thì sao? Tôi đề nghị chỉ một tiêu chuẩn bằng bản sao, bằng Cử nhân Luật là đủ rồi vì nó trùng với người làm công chứng viên phải qua cử nhân luật. Trong này tiêu chuẩn hồ sơ của nó chỉ cần 1 cái đó là đủ, không cần phải hoặc thạc sỹ luật. Bởi vì không ai có thạc sỹ luật mà không có cử nhân luật. Tôi xin hết ý kiến.
Trần Văn Tấn - Tỉnh Tiền Giang
Kính thưa Quốc hội,
Tại Kỳ họp thứ 9 tôi cũng đã phát biểu về dự án luật này, qua nghe giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghiên cứu dự thảo luật được chỉnh sửa, về cơ bản tôi nhất trí giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng tôi quan tâm những vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại Điều 8 người yêu cầu công chứng, trong này có Khoản 1, Khoản 3 không có Khoản 2 đề nghị Ban soạn thảo xem lại vấn đề này.
Thứ hai, tại Điều 20 bổ nhiệm công chứng viên ở Khoản 5 sau khi nhận được quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm công chứng viên, thì Khoản 5 có quy định Sở tư pháp ở địa phương, nơi công chứng viên hành nghề, cấp thẻ công chứng viên. Tôi đề nghị quy định rõ thời gian, vì cũng tại dự án luật này thu hồi thẻ công chứng có quy định rõ thời gian ở Khoản 5, Điều 21. Tôi xin thiết kế lại Khoản 5 điều này như sau: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm công chứng viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Sở tư pháp ở địa phương nơi công chứng viên hành nghề cấp thẻ công chứng viên. Và cũng tại Khoản 3, Khoản 4, điều này để thống nhất với các Dự án luật đã được thông qua tôi đề nghị các cụm từ "nhận được hồ sơ", tôi đề nghị "nhận đủ hồ sơ hợp lệ", rồi mới tính việc xem xét tiếp theo để chặt chẽ hơn.
Về Điều 21, về miễn nhiệm công chứng viên, ở Khoản 3, có ghi Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo đề nghị của Sở Tư pháp của địa phương, nơi công chứng viên đang hành nghề công chứng, nơi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, trong trường hợp công chứng viên chưa hành nghề công chứng, quyết định miễn nhiệm công chứng viên. Tôi đề nghị xem lại khoản này, vì đề nghị có Sở Tư pháp đề nghị và những người được quy định tại Khoản 2, Điều 20, đề nghị như vậy có thể xem lại từ "nơi" thành từ "người đề nghị", để cho được quy định tại Khoản 2, Điều 20.
Tại Khoản 5, Điều 21, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định miễn nhiệm công chứng viên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện việc thu hồi thẻ công chứng viên trước đây, sau là Bộ trưởng Bộ Tư pháp mà kế đó là Sở Tư pháp. Đề nghị các đồng xem lại nơi nào quy định là Giám đốc Sở Tư pháp, nơi nào là Sở Tư pháp để cho thống nhất cách sử dụng từ ngữ trong Dự án luật.
Điều 27, về Văn Phòng công chứng , trong này đ ã tiếp thu ý kiến bổ sung cụm từ "thù lao công chứng". Tôi đề nghị ghi luôn về kinh phí của Văn Phòng công chứng có khoản thu phí, đề nghị bổ sung v ì được quy định trong Dự án luật ở tại Điều 32, tôi đề nghị bổ sung luôn từ "thu phí" bên cạnh là trước "thù lao công chứng" .
Điều 30 cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động, trong này có yêu cầu Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan khác có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tôi đề nghị quy định cụ thể luôn các cơ quan khác có thẩm quyền, để Sở Tư pháp dễ thực hiện.
Điều 35, Khoản 3 có quy định phần tiếp thu là đối với yêu cầu công chứng đã tiếp nhận thì phải thỏa thuận với người yêu cầu công chứng về việc giải quyết yêu cầu công chứng đó. Nếu không thỏa thuận được thì sao, cũng phải lường trước trường hợp này để cụ thể hóa trong dự án luật. Điều 48, Khoản 3, tôi thấy quy định như thế này sẽ gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân có nhu cầu công chứng. Vì yêu cầu là một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép, thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải do công chứng viên đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện công chứng. Vì trong thực tế người dân rất phiền trong việc này, cũng có những điều khách quan thôi, khi đi đến công chứng viên công chứng lần đầu đi học, hoặc bị bệnh ở nhà hoặc đi họp hay vì lý do khác. Trong này ý kiến của tôi lần trước đã được tiếp thu, tôi đề nghị ở đây nên sửa lại theo hướng tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong việc thực hiện nghĩa vụ công chứng. Tôi đề nghị do công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, chứ không thiết phải nhất là người thực hiện công chứng lần đầu. Điều sau cùng là Điều 55 về chế độ luân chuyển hồ sơ công chứng, trong này quy định thời hạn, khác nhau đối với bản chính văn bản công chứng phải được lưu chuyển trong thời hạn ít nhất là 50 năm, các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu chuyển trong thời hạn ít nhất là 20 năm. Tôi nghĩ quy định về thời hạn khác nhau như trong dự thảo là chưa phù hợp, vì các giấy tờ trong hồ sơ cũng có liên quan trực tiếp đến nội dung công chứng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thời gian này cho thống nhất và ý kiến của Sở Tư pháp ở tỉnh nhà cũng đề nghị vấn đề này.

Các văn bản liên quan