Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Bích Thuỷ – Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Sáu 16:12 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi chỉ góp thêm tiếng nói của mình về quan điểm, tức là tôi cũng thống nhất việc xây dựng Luật Công chứng và cũng khẳng định công chứng phải ra công chứng. Tuy vậy chúng tôi thấy rằng yêu cầu chứng thực trong xã hội rất cao và cũng rất cần có luật để điều chỉnh, tôi không muốn xây dựng luật riêng về Luật Chứng thực, tôi muốn xây dựng chung một luật là Luật Công chứng và chứng thực. Tại vì chúng tôi cũng là một trong những người thường xuyên phải đi làm việc công chứng, tại chúng tôi xây dựng nhà hoặc nộp văn bản cho Ban tổ chức tỉnh Uỷ hoặc đi học lớp gì đó toàn bộ yêu cầu công chứng. Do đó chúng tôi vẫn phải đến xếp hàng Phòng công chứng và cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện công chứng. Chúng tôi biết những việc đó chỉ là chứng thực, nhưng chứng thực người ta lại không tin.
Hiện nay việc đi công chứng thì người ta tự photo văn bản rồi đem đến người ta đóng dấu vào, tôi thấy rất giản đơn, công chứng không biết có chặt chẽ hơn không nhưng việc chứng thực, công chứng nhưng làm công việc của chứng thực tôi thấy rất giản đơn người ta tự photo văn bản đến phòng họ xem rất nhanh rồi họ đóng dấu vào xong chuyển sang quỹ nộp tiền, khâu xếp hàng thì lâu, nhưng khâu làm thủ tục để xét rất nhanh. Tôi thấy nó không đảm bảo sự chuẩn xác của các văn bản và dễ dẫn đến sự sai phạm, sự sai phạm này làm cho liên quan đến có nhiều những sai phạm trong xã hội, chỉ trừ khi những người nào đó bị phát hiện mới xử lý theo pháp luật. Ví dụ người ta nộp văn bằng giả hoặc các giấy tờ về nhà đất giả, di chúc giả. Thực tế khi nào phát hiện ra mới xử lý người vi phạm, còn người công chứng không chịu trách nhiệm gì trong việc tôi công chứng hoặc chứng thực sai văn bản này.
Liên quan đến điều này tôi thấy có Điều 63 là xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng, tôi thấy điều này sẽ không thực thi được, người công chứng có hành vi sửa chữa giấy tờ, sử dụng giấy tờ giả mạo khi yêu cầu công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Lúc này ai làm, tôi không hiểu vì tôi là người đưa văn bản đến, tôi đưa một bằng tốt nghiệp đại học hoặc tôi đưa một bản di chúc đến Phòng công chứng để tôi làm việc này thì tôi sửa năm tháng, tôi sửa giá tiền hoặc tôi làm cái này cái kia thì lúc này họ bắt tôi à, Phòng công chứng họ bắt tôi họ đem đến cơ quan pháp luật bảo bà này, đưa giấy tờ sai. Ở cơ quan công chứng không xử lý theo pháp luật được, luật này là luật ở phạm vi công chứng thôi chứ không phải là cơ quan để tìm ra sai phạm. Do đó điều này nên nghiên cứu thêm, vì tôi chỉ có hành vi sửa chữa bản chính của tôi thôi mà tôi bị vi phạm pháp luật thì không phải. Chỗ này chỉ là từ chối, Phòng công chứng từ chối không chấp nhận việc công chứng một văn bản có sửa đổi giấy tờ chính này. Nếu ở luật này mà điều chỉnh việc xử phạt thì tôi thấy không phù hợp mà việc đó là trong luật khác điều chỉnh.
Ở đây cũng có một số đồng chí phát biểu là cơ quan nào cấp bản chính thì cấp một số bản sao. Thực tế thì tôi thấy không đủ, cấp được cho mình 3 bản sao thôi thì 3 bản sao này cũng chỉ dùng được một thời gian ngắn, còn các hoạt động khác cái gì cũng đòi bản công chứng thì vẫn phải tiếp tục đi công chứng và đi phô tô, nên cấp bản sao cùng một lúc khi công chứng thì tôi thấy cũng không phù hợp.
Trong phạm vi luật này tôi thấy có nhiều bản sao, ở đây chúng ta xác định bản sao là đã có sự chứng thực rồi, người ta gọi là bản sao thì nên dùng là từ bản phôtô. Nếu dùng bản sao thì nó trùng với một bản sao có giá trị pháp lý thì nó không phù hợp, nên phải dùng từ là nộp bản phôtô để cho người ta công chứng thì đúng hơn.
Các Điều 20, 21 tôi muốn có sự bố cục lại, Điều 20 nên đưa lên đầu tiên, khoản đầu tiên khẳng định Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm công chứng viên và Điều 21 cũng đưa lên đầu tiên là khẳng định Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm công chứng viên và Điều 21 cũng đưa lên đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên. Tức là đưa lên đầu khẳng định vai trò của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc bổ nhiệm và miễn nhiệm công chứng viên, sau đó đi đến những điều, khoản cụ thể.
Riêng ở Khoản 6, trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, tôi thấy viết ở đây Tiết a, Tiết b, Tiết c, Tiết d, Tiết e ghi là những người, những người, những người nhưng ở Tiết d lại ghi: "Cán bộ công chức" Tiết d, Khoản 6 tôi đọc mãi mà không hiểu phần viết đậm này, tôi không hiểu ở đây là cán bộ công chức, sao mình không dùng là những người này đang đề nghị bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề Văn Phòng công chứng thì không được bổ nhiệm công chứng viên. Tức là tôi nghĩ viết lại cho rõ, chứ còn cách hành văn thì tôi thấy khó hiểu và tôi cũng chưa hiểu vì sao những người này phải ghi rõ là cán bộ công chức, sỹ quan quân đội, công an hoặc gì đấy thì lại không được bổ nhiệm công chứng viên ở khoản này. Ở Tiết c, Khoản 2 ghi là cán bộ công chức, viên chức nhưng không làm việc tại Phòng công chứng bị miễn nhiệm. Tôi biết những chữ đậm ở đây là mới bổ sung sau này nhưng tôi cũng thấy khó hiểu trong cách thể hiện, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm và nếu các đồng chí giải trình thêm thì ở những chỗ có bổ sung chữ đậm trong văn bản này một số khoản mà tôi thấy khó hiểu.

Các văn bản liên quan