Trích ý kiến của ĐBQH Lê Thị Dung – Tỉnh An Giang

Thứ Năm 15:09 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí với nhiều nội dung đã được chỉnh sửa trong Dự án luật, tôi xin đóng góp thẳng vào 3 vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, về mô hình quản lý cư trú. Qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thống nhất là vẫn giữ phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu vì thực tế hiện nay chưa có mô hình khả thi nào để quản lý con người theo phương thức mới. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu của đa số cử tri, sự đòi hỏi của tiến trình hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần phải đề ra lộ trình, thực hiện việc thay thế sổ hộ khẩu bằng Thẻ cư trú. Một phương thức quản lý mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý. Điều đó cũng đòi hỏi phải nâng cao trình độ cán bộ và sự đầu tư kinh phí tương ứng để thực hiện phương thức quản lý mới một cách khả thi hơn.

Vấn đề thứ hai, đó là việc cắt sổ hộ khẩu đối với những hộ sống trên làng thuyền, trên tàu bè, trên sông. Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long và ở An Giang thì trường hợp này gặp phải rất là nhiều. Những hộ này thời gian vừa qua họ sống không có hộ khẩu, không có khai sinh, tất cả những quyền lợi khác họ đều bị thiệt thòi. Chúng ta cũng biết có rất nhiều văn bản liên quan đến giải quyết những nhu cầu thiết yếu của người dân căn cứ vào sổ hộ khẩu. Do vậy tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu mở rộng đối tượng về việc cắt sổ hộ khẩu cho những hộ, gia đình sống trên những làng thuyền này để họ có điều kiện thực hiện các quyền lợi khác. Bên cạnh đó mặc dù trong điều kiện cư trú, kể cả trong Điều 27 về cấp sổ hộ khẩu cho cá nhân, trong đó có những người làm nghề lưu động trên các tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác thì họ vẫn được cấp theo tính cá nhân, còn hộ gia đình thì chúng ta thấy chưa được đề cập trong việc cấp sổ hộ khẩu cho hộ gia đình. Tôi rất mong Quốc hội cân nhắc, mở rộng thêm cho đối tượng này.

Điều thứ ba là những vấn đề mà các đại biểu trước tôi cũng có đề cập, đó là vấn đề nghiêm cấm lợi dụng sổ hộ khẩu để làm thiệt hại những quyền lợi khác của người dân, vừa qua phản ảnh rất nhiều về vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc đưa vào Điều 9 những vấn đề nghiêm cấm, trong đó có việc cấm lợi dụng hộ khẩu để hạn chế quyền và nghĩa vụ khác của công dân trong thời gian qua. Điều này thì cử tri rất là mừng, nhưng thật ra, việc có khả thi hay không, cũng như đại biểu Huỳnh Thị Hương đã nói là phải có những giải pháp hết sức quyết liệt bên cạnh chế tài. Trong chế tài này thì tôi cũng nghiên cứu trong chế tài cũng có đề cập đến, nhưng tôi e rằng nó vẫn chưa có đủ mạnh để ngăn cản trường hợp lợi dụng này. Vì quá trình nói là thói quen và có lẽ các ngành khác cũng không có một cơ sở nào dựa vào để quản lý để có lợi cho ngành mình hết, hơn hết là dựa vào hộ khẩu. Do vậy đề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo cần phải chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó các Bộ, ngành phải có biện pháp thực hiện với tinh thần trách nhiệm với dân rất quyết liệt để chấm dứt hiện tượng này, bên cạnh sự xử lý rất nghiêm. Mặc dầu trong Điều 40 có chế tài nói về xử lý những hành vi lợi dụng này chúng ta có thể tô đậm thêm, nhấn mạnh thêm, đó là xử lý hành vi vi phạm pháp luật về cư trú, đặc biệt là hành vi lợi dụng ăn theo sổ hộ khẩu một cách tuỳ tiện và theo mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh.

Các văn bản liên quan