Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Năm 14:39 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phép phát biểu hai vấn đề:

Thứ nhất, xung quanh phạm vi điều chỉnh, có nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu, giữa công chứng và chứng thực.

Một vấn đề rất lớn, khi chúng ta làm Luật Công chứng này, có nên đặt vấn đề cả chứng thực không. Như vậy, tạo thuận lợi cho dân hay là gây khó khăn cho dân, câu hỏi đặt ra như vậy. Theo suy nghĩ của chúng tôi, Luật Công chứng nên làm rạch ròi công chứng, vấn đề chứng thực là việc gắn liền với cơ quan trong bộ máy công quyền và các tổ chức khác nếu có yêu cầu. Cũng có ý kiến đặt ra là nếu chúng ta làm thế thì có gây gì khó khăn cho dân không, ai cũng xuất phát từ nhân dân, nhưng bây giờ đánh giá vấn đề này như thế nào.

Tôi có suy nghĩ chúng ta lại phải trở về thực tiễn, đời sống thực tế để chúng ta cắt nghĩa nó xem là có lợi hay có hại cho dân. Lâu nay, lịch sử của chúng ta khi thành lập Phòng công chứng, trên thực tế chúng ta cũng là bước đầu, cho nên chưa có rạch ròi giữa công chứng và chứng thực. Cho nên rất nhiều việc lẽ ra người dân chỉ cần đến nơi xã, phường, thị trấn để xin một xác nhận.

Ví dụ: Bản sao giấy khai sinh hoặc một giấy tờ có liên quan văn bằng gì đó thì có thể nơi Uỷ ban xã, phường cộp dấu, đóng dấu đó là y sao bản chính, thế là được. Còn tất nhiên cơ quan nào cần nó thì họ kiểm tra xác minh người ta phải có thủ tục kèm theo.

Ví dụ, đến một cơ quan nào đó người ta xem anh có đúng như vậy không, dĩ nhiên phải xuất trình bản chính, người ta phải kiểm tra. Nhưng chúng ta lại không làm như vậy, thế thì tất cả những chuyện đơn giản như thế lại đều phải đến Phòng công chứng, cho nên có tình hình chờ đợi, xếp hàng và gây ra một áp lực rất lớn ở các Phòng công chứng.

Như vậy, chúng ta thử hỏi rằng nếu chúng ta tổ chức sắp xếp lại một cách hợp lý hơn và cũng trả về cho nó đúng với chức năng của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và người dân không nhất thiết phải đến nơi xa xôi hơn với những thủ tục phiền phức hơn, để làm công việc mà lẽ ra chính quyền sở tại đó có thể làm ngay được. Tại sao không làm? Thực ra toàn bộ hệ thống bộ máy của chúng ta là bộ máy để hướng tới sự phục vụ chứ không phải là bộ máy cai trị. Trong xu hướng xã hội dân chủ và Nhà nước hiện nay là bộ máy hành chính Nhà nước phải là bộ máy phục vụ. Việc đưa công việc chứng thực lâu nay cứ dồn ép cho Phòng công chứng, bây giờ trả về cho các cơ quan hành chính các cấp, chủ yếu là cấp xã, phường, tôi cho đó là hướng đi đúng.

Chúng tôi đề nghị trong thủ tục này các Bộ, ngành cũng cần phải rà soát lại, không nhất thiết cái gì cũng phải lên đến tỉnh thì mới xác nhận được. Theo tôi càng gần dân thì sự xác nhận càng chính xác, ví dụ bằng giả, thương binh giả v.v.. nếu cứ gần nơi dân để xác định thì ai đi học phổ thông trung học hay là phổ thông cơ sở thì dân học biết quá chứ làm sao không biết được. Chính những nơi càng cách xa dân thì sự tiêu cực ở đây càng lớn, càng dễ xảy ra, nói cho chặt chẽ là như vậy. Vì ở đó cũng không thể quán xuyến hết được, vì như vậy, cho nên chúng tôi thấy rằng việc tách phần chứng thực lâu nay chúng ta vẫn làm ở Phòng công chứng hiện nay trả về cho nó đúng với chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Vì vậy chúng tôi thấy rằng hướng Luật Công chứng tập trung vào giải quyết, điều chỉnh phạm vi công chứng thì hoàn toàn đúng đắn.

Thứ hai, trong khi chúng ta làm như vậy thì có sắp xếp lại, như vậy khó khăn gì không? Theo tôi trong hệ thống bộ máy nếu chỗ nào ít việc phải tổ chức sắp xếp lại, hoặc đối với nhu cầu người dân ở vùng miền núi, khó khăn có thể làm chứng thực ở Ủy ban nhân dân huyện, như lâu nay vẫn làm theo Nghị định 75. Tất nhiên giá trị văn bản chứng thực nó khác với giá trị văn bản công chứng. Đấy là vấn đề đặt ra như vậy.

Thứ hai, chúng tôi muốn trao đổi thêm là vậy thì quy định công chứng chúng ta nên theo hướng nào? Ở đây có 2 loại quan điểm, có thể theo công chứng hình thức hoặc là loại công chứng nội dung. Theo suy nghĩ của chúng tôi thì nên theo hình thức công chứng nội dung. Nếu sau khi đã tách phần chứng thực ra rồi, còn lại công việc của công chứng nên theo công chứng nội dung, bởi mấy lẽ như sau. Thật ra, một hoạt động công chứng và với tư cách coi đó là một nghề và để đảm bảo hành lang pháp lý an toàn cho người dân, thì không thể nói rằng công chứng chỉ là hình thức. Bởi vì như vậy nó sẽ tạo ra sự tranh chấp trong các hợp đồng và trong giao dịch dân sự và khi chúng ta đưa ra xét xử thì rất khó xác định.
Thực tiễn cho thấy, chúng ta hiện nay, về nhà cửa, giao dịch về dân sự rất phức tạp và tòa xử đến rất nhiều lần, bởi vì sao? Vì cơ sở pháp lý thiếu vững chắc, cho nên có những bản án dân sự về nhà đất, xin thưa là phải xử đến hàng chục lần, kéo dài hàng 5, 7 năm vẫn không dứt điểm được, đó là tồn tại thực tế của chúng ta trong các giao dịch dân sự thiếu một sự đảm bảo về mặt hành lang pháp lý, có một cơ quan ra đời đáp ứng được yêu cầu đó tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ. Như vậy, chúng tôi thấy rằng khi xác định công chứng là một nghề, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ, những nội dung điều kiện trong các văn bản công chứng đó không phải chứng minh thì tất nhiên phải làm đến nơi, đến chốn. Tuy nhiên, trình độ đúng là ở thế giới có những cấp độ khác nhau, nhưng điều đó cũng không có nghĩa chúng ta kém đến mức không làm được chuyện đó, chúng ta cũng phải biết, nếu làm đến nơi, đến chốn, có trách nhiệm thì tôi nghĩ chẳng có gì đến mức mà không thể làm được. Đó là ý thứ nhất.

Thứ hai, cũng đặt ra vấn đề, vậy có ảnh hưởng gì đến hội nhập không, theo tôi hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hội nhập, vì đảm bảo hành lang pháp lý trong các văn bản công chứng về nội dung cũng là một xu hướng hiện nay. Theo chúng tôi được biết, đó là một xu hướng hiện nay chứ không phải là đi ngược lại. Thứ hai nữa là nếu cần chứng thực chữ ký thì đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chẳng hạn, hoặc là chứng thực thuộc những thẩm quyền khác thì có những cơ quan làm, chứ không hạn chế gì những cái đó cả. Tôi nghĩ rằng, bất cứ một quốc gia nào, thì trong các hoạt động giao lưu dân sự này cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định và phải theo thông lệ nhất định, chứ không đến mức mà quy định như thế nó sẽ ảnh hưởng đến hội nhập của chúng. Trên thế giới, ở những nước phát triển, người ta vẫn có công chứng nội dung, chứ không phải chỉ có những nước như chúng ta đang ở trong quá trình phát triển, trong quá trình hội nhập mà chúng ta mới làm việc này. Việc này họ đã làm từ rất lâu, nó tồn tại như vậy và cuộc sống vẫn diễn ra và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của họ chứ không ảnh hưởng gì cả. Thế thì khi tiếp cận với vấn đề này, chúng tôi thấy, cái gì làm giảm được sự tranh chấp, và khi giải quyết vấn đề nó đỡ phức tạp cho người dân thì đó chính là lợi ích. Lợi ích ở đây rất là giản dị, không phải cái gì nó cao siêu.

Các văn bản liên quan