Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Xuân Dương – Tỉnh Bình Định

Thứ Năm 14:40 26-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia mấy ý kiến mà còn có ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, tôi tán thành phạm vi điều chỉnh trong dự thảo là ở đây chỉ điều chỉnh về phạm vi công chứng. Tôi cho rằng vấn đề đó đúng với sự cần thiết.

Còn chứng thực, theo tôi vấn đề đó nên giao cho chính quyền của địa phương, đặc biệt là sao y bản chính. Vấn đề xác nhận chữ ký, tôi cho rằng luật của ta làm, tôi tán thành với loại ý kiến các đồng chí cho rằng chúng ta xây dựng pháp luật đây là vừa tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa vừa quản lý xã hội theo pháp luật, nhưng chúng ta phục vụ lợi ích cho nhân dân. Không có lý do gì mà bây giờ sao y bản chính, rồi ký xác nhận chữ ký mà phải đưa ra công chứng.

Các đồng chí thấy vấn đề Phòng công chứng của ta là bao nhiêu? Một tỉnh 1 đến 2 Phòng công chứng. Dân từ miền núi đến nông thôn đến sao y bản chính, rồi xác nhận chữ ký phải về Phòng công chứng, tôi cho rằng rất tốn kém về công sức, bỏ công lao động của người ta, tốn kém tiền xăng xe và công sức của họ. Tôi cho rằng cái đó không cần thiết.

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh luật này, tôi tán thành phạm vi là về công chứng. Phạm vi công chứng ở đây tôi cho rằng cũng phải nói rõ ở các loại về hợp đồng và giao dịch khác. Còn sao y bản chính cũng như vấn đề là xác nhận chữ ký, tôi đề nghị giao cho chính quyền nhân dân địa phương, đặc biệt là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Các đồng chí có nói là vấn đề Uỷ ban nhân dân thì quá tải, nhưng thưa các đồng chí Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không có gì quá tải đâu. Hiện nay có nhiều nơi, đi trưa về sớm, thậm chí chúng ta nói làm việc ngày 2 buổi, họ làm 1 buổi thôi, có gì đâu mà không lo cho dân. Cái đó tôi cho rằng nên giao cho chính quyền địa phương, không nên cứ gây phiền hà cho nhân dân mà rất là tốn kém công sức, tiền của của họ, càng khó khăn thêm cho họ. Cho nên tôi tán thành vấn đề như thế.

Vấn đề thứ hai, ở Điều 12 phần kiêm nhiệm công việc khác, đã là công chứng viên thì không được kiêm nhiệm công việc khác, vấn đề này tôi nhất trí một số đại biểu cần cân nhắc lại. Nếu là công chứng viên Nhà nước thì cái đó không được kiêm nhiệm, nhưng thưa các đồng chí công chứng viên tư nhân, thưa các đồng chí nếu tách phần chứng thực chữ ký và sao y bản chính mà cho chính quyền địa phương thực ra công chứng không nhiều, nếu không cho làm việc khác thì công chứng viên tư nhân lấy gì mà sống, nếu anh không cho làm việc gì khác. Cho nên tôi tán thành đề nghị là cân nhắc thêm.

Nếu là công chứng viên Nhà nước thì không được làm công việc khác theo quy chế công chức Nhà nước. Tất nhiên ở đây tôi cho rằng các đồng chí có nói là cái phần chứng thực giao cho chính quyền địa phương thì phần công chứng như thế nào? Có thất nghiệp hay không? Tôi cho rằng nếu công việc ít thì chúng ta giảm biên chế, không nhất thiết một tỉnh phải làm nhiều Phòng công chứng, tốn kém tiền của của Nhà nước. Ở nơi nào chưa cần thì chưa thành lập. Có vấn đề gì đâu, tôi cho rằng không sợ Phòng công chứng không có việc làm, nếu không có việc làm thì giảm, khi nào có nhu cầu thì chúng ta thành lập, kể cả khuyến khích phát triển tư nhân.

Vấn đề thứ ba, Điều 36, một số ý kiến có nêu bây giờ làm sao cải cách hành chính mà người tới công chứng phải sao y hồ sơ nhiều thế. Thưa các đồng chí, vấn đề là công chứng viên người ta chịu trách nhiệm về tính xác thực, người ta chịu vấn đề về mặt pháp lý. Những hồ sơ liên quan đến việc công chứng thì không sao y đưa cho họ thì làm sao họ có cơ sở để họ công chứng. Nếu không sao y đưa cho họ, họ phải đi thẩm tra ở ngoài trụ sở của công chứng đó thì phải trả tiền cho họ. Chúng ta cải cách hành chính thì có lĩnh vực Nhà nước phải cải cách, nhưng có những cái để làm cơ sở cho công chứng viên người ta có công chứng, có những hồ sơ liên quan cũng phải sao y mang đi cho họ để họ kiểm tra họ mới chịu trách nhiệm trong việc xác nhận vấn đề đó, công chứng việc đó, nếu không bảo họ đi kiểm tra bên ngoài thì các đồng chí phải trả tiền công cho họ, nếu không được trả tiền công thì làm sao họ đi làm việc đó. Cho nên, tôi cho rằng vấn đề hồ sơ, những cái rất cần thiết để công chứng viên có cơ sở người ta xác nhận người ta công chứng thì cần thiết phải có sao y hoặc mang tới để họ xem, họ mới chịu trách nhiệm, nếu không làm sao mình cứ tới, giảm thủ tục hết, phải mang bảo sao đến để họ có cơ sở xem xét, có trách nhiệm nghiên cứu họ chứng thực, họ xác nhận việc đó, họ công chứng việc đó thì tôi cho rằng cũng không phải. Một số vấn đề có ý kiến khác nhau tôi xin thể hiện quan điểm như vậy.

Các văn bản liên quan