Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào – Thành phố Hà Nội

Thứ Năm 14:37 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một vài ý kiến.

Trước hết, tôi rất ủng hộ và chia sẻ 2 ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Lộc và đồng chí Chính (Thành Phố Hồ Chí Minh). Bởi vì tôi cũng có một băn khoăn, luật này khi đọc vào tôi thấy một số chỗ hơi rối, không chỉ rối về tư duy lập pháp mà rối kể cả văn phạm, nhưng cái đó chúng ta chỉnh sửa được. Tôi chỉ băn khoăn một điều quan trọng là trong khi thế giới đang hướng về công chứng hình thức, thì chúng ta lại đi ngươc chiều với thế giới là công chứng nội dung. Khi đọc luật tôi thấy băn khoăn, băn khoăn ở mục tiêu, mục tiêu của Luật này là gì? tôi thấy không rõ. Nếu mục tiêu của Luật này là làm cho dân nhẹ bớt đi sự nhọc nhằn với quyền lực Nhà nước thì cũng phải suy nghĩ. Còn nếu mục tiêu của Luật này làm cho tính pháp lý của những văn bản hợp đồng nó cao hơn, hoặc phải được bảo vệ tốt hơn, lại là một hướng khác. Tôi thấy trong xu thế cải cách hành chính thì Luật này đi ngược lại với một vài tiêu chí của chúng ta về cải cách hành chính. Bởi vì chúng ta bỗng nhiên làm nặng nề thêm một giao dịch dân sự, làm nặng nề thêm những quan hệ dân sự mà vốn chúng ta cần thiết phải thúc đẩy nó phát triển nhanh, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thế giới, thì chúng ta lại ngược chiều lại. Tôi lấy một ví dụ điển hình để minh họa cho ý kiến của tôi.
Tôi lấy ví dụ, hai ông nước ngoài muốn vào công chứng một văn bản hợp đồng, nói như anh Lộc nói lúc nãy, và họ muốn chúng ta công chứng với trình độ, nói xin lỗi, của luật sư chúng ta hiện nay, thậm chí cả giáo sư và phó giáo sư liệu có đủ trình độ để công chứng một văn bản hợp đồng, mà lời lẽ của người nước ngoài thì các vị biết rồi, nó tinh tế, nó sắc sảo đến mức mà thậm chí học 10, 20 năm luật chưa chắc đã phát hiện ra lỗi của họ. Vậy thì mới đào tạo 6 tháng, liệu chúng ta có thể cho một công chứng viên ra hoạt động trong lĩnh vực này hay không? rồi lại miễn trừ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ luật, những người không hề có tác nghiệp nghề công chứng như thế nào đây? Tôi rất băn khoăn vấn đề này, một khi chúng ta đã nói rằng công chứng về nội dung thì không thể chỉ chịu trách nhiệm một phần nào đấy, tôi không đồng ý quan điểm rằng công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm một phần nào đấy, khi anh đã công chứng nội dung thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật toàn bộ nội dung đó, chứ không hạn chế ở một vài nội dung, ví dụ tàu này là tàu thật chứ không phải tàu giả, tàu này có thể trong lõi của nó 1%, 2% tỷ lệ thép này, thép kia, liệu công chứng viên có xác định được không, chưa chắc. Giao dịch dân sự hiện nay nó tinh tế, nó sắc sảo, thậm chí ẩn chứa dấu hiệu lừa đảo mà công chứng viên 10 năm cũng không phát hiện ra nổi, liệu công chứng viên có làm được điều này không?

Cho nên khi chúng ta nói công chứng về nội dung là hết sức phải chi tiết và thận trọng về vấn đề này chứ không phải đơn giản được.

Ngay ở Điều 5 nói rõ "lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ thời gian địa điểm công chứng và họ tên v.v... xác định nội dung của hợp đồng lao động không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, tính xác thực, trình độ không làm được ", khó lắm, nên chúng ta phải ghi rõ và nói với đồng chí Yểu là phải làm rõ mục nào, đấy là ý thứ nhất của tôi.

Cách đây không lâu, tôi gặp một luật sư ở Bang Áccôhôma của Mỹ, ông ta cho dấu công chứng trong túi, ông ta mang theo sang bên sách sạn Sheraton...., ông ta bảo ngài nào có thích công chứng không, tôi cộp một phát, cứ 20 cent một nhát, ông ấy bảo thế. Tôi hỏi thế ông công chứng như thế nào? Ông ấy bảo tôi là công chứng viên của Mỹ, tôi nộp 5000 đôla bảo hiểm, rồi tôi đi công chứng, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật tất cả những gì tôi công chứng, và ông ấy khuyên tôi nếu như Việt Nam mà bàn thảo về Luật Công chứng này thì nên bắt đóng từ 15.000 đô đến 20.000 đô để bảo hiểm, chứ trình độ luật của các ông tôi thấy phải bảo hiểm cao hơn để chịu trách nhiệm. Tôi cứ băn khoăn câu nói này của Luật sư Mỹ và tôi nghĩ vậy thì xu hướng nước ngoài người ta đi công chứng hình thức, chứ không công chứng nội dung nhiều, có như vậy mới tháo gỡ được sự bế tắc trong quản lý hành chính Nhà nước Việt Nam, có như vậy mới xã hội hoá được, chứ còn chúng ta nói công chứng, ông tư nhân không dám công chứng đâu, rồi chúng ta lại đưa vào Nhà nước, rồi dân lại tiếp tục bị hành hạ, tiếp tục bị hành hạ nặng nề thêm, tôi nghĩ mục đích của luật này lại không gỡ được cái đó. Đấy là ý thứ hai. Ý thứ ba, tôi xin đi ngược về lịch sử, khái niệm Notarious và Notarize nó xuất hiện vào khoảng Thế kỷ thứ III trước Công nguyên ở La Mã, La Mã người ta công chứng là người ta đi vào hướng hình thức, bây giờ ta ở Thế kỷ XXI lại cứ loay hoay mãi thế này, tôi nghĩ cũng nên nghiên cứu một cách thận trọng. Khi chúng ta đã nói công chứng thì cũng nên khái niệm công chứng là gì? có nên là công chứng công hay là công chứng tư. Công chứng tư thì hiểu như thế nào là công chứng tư nhân đứng ra công, tất cả cái này hơi rối. Đề nghị làm rõ trên phương diện pháp luật, đặc biệt là Chương I, Phần 1 những điều khoản chung. Tóm lại, tôi rất ủng hộ ý kiến của Giáo sư Lộc và anh Chính, chúng ta nên bàn thảo kỹ hơn.

Các văn bản liên quan