Trích ý kiến của ĐBQH Đỗ Ngọc Quang – Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Ba 15:10 05-09-2006

Kính thưa Quốc hội,
Tôi có một số ý kiến sau đây liên quan đến Bộ luật này.
Trước tiên, tôi bày tỏ sự đồng tình chủ trương về việc chúng ta cần giao cho một cơ quan chuyên công tác thi hành án. Bởi vì rất nhiều cơ quan trong bộ máy Nhà nước chúng ta làm công tác này và việc tập trung vào Bộ Tư pháp làm công tác thi hành án này giúp cho Nhà nước ta phân định một cách rành mạch chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, tránh tản mạn ở nhiều cơ quan. Thực tế chúng ta thấy việc thi hành án ở nhiều cơ quan như thế, cho nên chất lượng thi hành án rất kém. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật mà không được đưa vào thi hành thì hầu như công tác điều tra, truy tố, xét xử về hình sự cũng như xét xử về dân sự, giải quyết các vấn đề dân sự đó rất vô nghĩa, nếu bản án quyết định của Tòa án đã tuyên mà không được thi hành. Cho nên việc của chúng ta là làm thế nào để đưa các bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vào thi hành là điều vô cùng quan trọng. Đương nhiên, nếu chúng ta tập trung về một đầu mối thì rất tốt. Trong thực tế hiện nay chúng ta thấy hoàn cảnh nước ta, tất nhiên là khác những năm trước đây, ý tôi muốn nói liên quan ở đây là việc giao bản án, thi hành bản án phạt tù cho cơ quan công an. Cơ quan công an hiện nay đảm nhiệm thi hành án phạt tù, tử hình, trục xuất. Nói thế tức là giao chính thức, nhưng thực tế những bản án không phải phạt tù mà khi giao cho Ủy ban nhân dân chính, quyền xã, phường, thị trấn đó thì cuối cùng cũng lại giao cho cơ quan công an quản lý ở địa phương. Cho nên không chỉ những bản án phạt tù, tử hình, trục xuất mà các bản án khác cơ quan công an cũng vẫn làm. Bởi vì được Ủy ban nhân dân địa phương giao trách nhiệm quản lý những người, ví dụ những người cải tạo giam giữ, án treo, quản chế, cấm cư trú v.v... các hình phạt đó cuối cùng cũng lại giao cho công an.
Trong Kỳ họp thứ 8 rất nhiều ý kiến đã tham gia vào việc nên hay không nên chuyển giao chức năng của cơ quan công an đang làm hiện nay cho Bộ Tư pháp liên quan đến thi hành bản án phạt tù.
Theo như bản tổng kết mà đồng chí Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật vừa đọc, có 24 ý kiến là không đồng ý, tức là giữ nguyên việc giao cho cơ quan công an thực hiện thi hành bản án, đưa bản án phạt tù và tử hình vào cho cơ quan công an làm. Còn có 11 ý kiến giao cho Bộ Tư pháp, có 4 ý kiến thì giao cho Bộ Tư pháp nhưng ở đây có một phần thi hành bản án của quân đội vẫn giữ nguyên. Bởi vì chúng ta cũng chỉ có hạn trong thời gian phát biểu Kỳ họp khoá 8, ở đây vẫn còn những ý kiến khác nữa mà chưa phát biểu được, nhưng đa số những đại biểu là để nguyên việc thi hành bản án phạt tù, tử hình và trục xuất vẫn để cho cơ quan công an, vì lý do là tình hình những đối tượng thi hành phạt tù thuộc loại đối tượng rất nguy hiểm, có hàng chục nghìn đối tượng hiện nay đang thi hành án phạt tù vì toàn là tội đặc biệt nghiêm trọng, giết người, cướp của, cướp giật, hiếp dâm. Đồng thời, trong trại giam hiện nay, tôi lấy ví dụ tình trạng như thế này, theo thống kê chưa đầy đủ thì có 10.089 phạm nhân thuộc loại nghiện ma tuý, 7.000 phạm nhân mắc bệnh lao, giang mai và các bệnh xã hội, khoảng 4.000 phạm nhân nhiễm HIV/AIDS trong giai đoạn cuối cùng.
Ngoài ra, trong trại tù đó, tình trạng trốn tù xảy ra liên tục, mặc dù cơ quan công an làm như thế rồi, tình trạng trốn tù vẫn xảy ra. Trong nhiều năm, thống kê gần đây nhất là mới bắt khoảng 2.000. Cơ sở giao cho Bộ Tư pháp theo chủ trương, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị thì hoàn toàn đúng thôi. Vậy trong điều kiện khoảng hơn 100.000, khoảng mấy trăm nghìn đối tượng đang thi hành phạt tù đó giao cho Bộ Tư pháp thì liệu chúng ta có thể đảm bảo trật tự xã hội như hiện nay không, hay lấy gì để đảm bảo sự an toàn cho các trại giam.
Trong khi đó, tôi chưa nói đến lực lượng cảnh sát, lực lượng vũ trang hiện nay đang thực hiện, khi chuyển sang Bộ Tư pháp liên quan đến rất nhiều vấn đề về tư tưởng, rồi liên quan rất nhiều đến việc thi hành hình phạt này. Điều lo lắng nhất của chúng ta hiện nay là giao cho Bộ Tư pháp thì sự an toàn của các trại giam có đảm bảo hay không?
Trong bản giải trình này có nêu ra 3 phương án thì phương án thứ 3 là phương án có nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý để phương án cuối cùng và trong dự thảo của bộ luật này lại đưa phương án 1 lên và giao cho Bộ Tư pháp quản lý.
Tôi đề nghị cần phải xem xét hết sức thận trọng vấn đề này và quan điểm của tôi vẫn giữ nguyên việc thi hành án phạt tù, tử hình hoặc trục xuất để cho Bộ Công an thực hiện vấn đề này, để đảm bảo an toàn trật tự xã hội. Khi nào đảm bảo chắc chắn là giao cho Bộ Tư pháp có thể hoàn thành nhiệm vụ này thì chúng ta sẽ giao cho Bộ Tư pháp, nếu chúng ta giao ngay tôi sợ rằng tình hình an ninh trật tự sẽ khó có thể hoàn thành được. Đấy là ý kiến thứ nhất.
Ý kiến thứ hai, hiện nay trong cơ quan điều tra có bộ phận là nhà tạm giữ và trại tạm giam, có khoảng 70 trại tạm giam, khoảng mấy trăm nhà tạm giữ đó. Người phục vụ ở nhà tạm giữ và trại tạm giam này là những người đang thi hành án phạt tù để phục vụ.
Ví dụ như quét dọn, nấu ăn, rồi phục vụ những việc ở trong nhà tạm giữ và trại tạm giam này. Bây giờ giao bộ phận này, ví dụ giao thi hành án phạt tù cho Bộ Tư pháp thì những người này 10.000 người phải chuyển về các trại giam. Vậy lấy ai là người phục vụ ở trong nhà tạm giữ và trại tạm giam này. Vì nếu để trong cơ quan công an thì cơ quan công an thi hành án phạt tù có thể đưa những người thi hành án phạt tù loại nhẹ dưới 5 năm có tiến bộ làm nhiệm vụ phục vụ các nhà tạm giữ, trại tạm giam, nếu như giao cho Bộ Tư pháp thì lấy ai hay chúng ta tuyển dân hoặc tuyển nhân công vào phục vụ nhà tạm giữ, trại tạm giam với số lượng hơn 10.000 người. Trong dự thảo của Bộ luật này chưa đụng chạm gì vấn đề này, nên đề nghị chúng ta xem xét lại vấn đề này như thế nào, để đảm bảo việc nhà tạm giữ, trại tạm giam mà cơ quan công an đang quản lý hiện nay. Đó là vấn đề thứ hai.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến thi hành hình phạt tử hình. Từ trước đến nay trong khoảng gần 60 năm nay chúng ta đưa bản án tử hình vào hình phạt bằng hình thức xử bắn. Việc xử bắn có ưu điểm chết nhanh là một, thứ hai là rẻ, không tốn tiền. Nhưng nhược điểm mà nhược điểm nghiêm trọng nhất đó là gây hoảng loạn cho những người thi hành bản án tử hình này, đấy là những chiến sỹ công an bắn được 3 vụ rồi hoảng loạn vô cùng rất gay go. Khi bàn về bộ luật này cũng rất nhiều ý kiến chúng ta hãy nghiên cứu để chuyển đổi không bắn nữa mà dùng hình thức khác, cũng có đại biểu đề nghị tiêm thuốc độc chẳng hạn. Nhưng trong Dự thảo lần này chỉ ghi mỗi xử bắn, chúng ta quay lại kiểu cũ. Tôi đề nghị chỗ này cần bổ sung có thể xử bắn hoặc các hình thức khác tùy theo từng điều kiện hoặc từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: Ở Thái Lan, người ta bắn là bắn tự động, ở Trung Quốc bắn đằng sau lưng, nhiều nước họ dùng thuốc tiêm, không phải một người tiêm mà 2 - 3 người tiêm. Ví dụ: Người bị thi hành bản án tử hình nằm đấy nhưng có 2 - 3 người vào tiêm trong đó có một mũi tiêm thuốc độc, còn hai mũi tiêm không phải thuốc độc, cho nên người nào cũng nghĩ rằng có thể mũi tiêm của mình không phải là mũi tiêm thuốc độc. Cũng có thể một cái chết đấy là chết rất nhanh, cũng đảm bảo hoặc là những hình thức làm thế nào tự động chứ để tình hình bắn hiện nay không chỉ hoảng loạn cho người bị bắn thì đã đành, nhưng những người tham dự hoặc thân nhân trong gia đình cũng rất hoảng loạn về vấn đề này. Cho nên tôi đề nghị bổ sung thêm trong điều này, chúng ta chỉ ghi mỗi bắn thôi thì chúng ta nên ghi thêm những hình thức khác nữa.
Ý kiến thứ tư, liên quan đến việc mai táng người bị thi hành bản án tử hình. Ở đây thông thường chúng ta, sau khi bắn xong thì chôn tại pháp trường, nhưng lại xảy ra tình trạng ăn trộm xác là một, hai là thuê những người bảo vệ nghĩa trang đưa tiền cho những người đó khoảng 20 - 30 triệu để lấy xác đem về, dẫn đến những tình trạng như thế. Tôi nhớ trước đây năm 1993, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nói rằng vấn đề này chưa được quy định, nhưng nếu như việc mang xác tử hình về cho gia đình mai táng để đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì chúng ta vẫn đưa cho gia đình mà không cần mai táng tại pháp trường.
Trong Điều 193 có nêu là có thể giao cho gia đình mang về, nhưng theo quy định của pháp luật, vậy theo quy định của pháp luật nào, luật này mà không quy định thì còn luật nào vào đây nữa. Cho nên tôi đề nghị việc giao xác cho thân nhân mang về cũng quy định một cách cụ thể trong luật này, chứ không lại theo quy định của pháp luật thì luật nào quy định vấn đề này nữa.

Các văn bản liên quan