Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Thị Phượng – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Sáu 09:18 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội!

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bình đẳng giới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau đây tôi xin tham gia một số ý kiến tập trung các vấn đề sau.
Một, về cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới tại Điều 9 dự thảo luật. Khoản 1 quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và quy định tại Khoản 2: Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ được Chính phủ phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Điều này có nghĩa là không quy định cụ thể tên cơ quan quản lý Nhà nước trong luật như trước đây. Và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận như ý kiến của Chính phủ về vấn đề này. Vấn đề đặt ra là liệu từ nay đến ngày Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thì Chính phủ có kịp phân công cơ quan nào quản lý Nhà nước về bình đẳng giới hay không? Đó là điều tôi băn khoăn. Vì trước kia đã có trường hợp rất hiếm xảy ra, đó là Luật Dầu khí không ghi cụ thể tên cơ quan quản lý Nhà nước đã dẫn đến một thời gian rất dài không có cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dầu khí.

Một vấn đề nữa tôi qua tâm đó là Dự thảo luật bình đẳng giới là văn bản thứ hai không quy định cụ thể tên cơ quan quản lý Nhà nước, trước đó là Dự thảo luật về dạy nghề. Vậy có phải đây là cách làm mới, nếu như Chính phủ cho là có hiệu quả là cần thiết và được sự đồng thuận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì có nên bổ sung quy định này trong Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật hay không?

Vấn đề thứ hai, về việc nghỉ hưu của người lao động tại Khoản 3, Điều 13 Dự thảo luật. Đây là vấn đề xã hội rất nhạy cảm, còn nhiều điều bất cập và có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi muốn nói nó nhạy cảm bởi vì nó liên quan đến tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của hàng triệu lao động đang làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau. Nó bất cập ở chỗ nếu với quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn lao động của nam như hiện nay thì được xem là ưu tiên. Nhưng lại không đúng nghĩa ưu tiên bởi nó mang tính bắt buộc mà không được xem là phương án lựa chọn để người lao động tự quyết định chọn lựa phương án mà họ mong muốn. Nó bất cập thứ hai ở chỗ ảnh hưởng đến điều kiện hưởng hưu trí của phụ nữ. Điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí của nước ta căn cứ vào hai điều kiện cơ bản đó là tuổi nghỉ hưu và năm đóng bảo hiểm xã hội. Và số năm phải đóng bảo hiểm xã hội của cả nam và nữ đều được quy định là 20 năm. Trong khi quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn nam 5 tuổi. Sự chênh lệch này đã gây ra không ít những bất lợi cho phụ nữ, nhất là trong trường hợp lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội được từ 15 năm đến dưới 20 năm, nhưng đã đến tuổi phải nghỉ hưu.

Bất cập thứ ba, ảnh hưởng đến mức lương hưu hàng tháng của phụ nữ, mặc dù căn cứ tính tiền lương hưu hàng tháng đã tính đến sự khác biệt về giới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được về sự bình đẳng trong chi trả công lao đóng góp của lao động nữ và sự cống hiến của họ. Lương hưu bình quân của lao động nữ chỉ bằng 2/3 lương hưu của lao động nam, cụ thể là nếu người lao động nói chung có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính 45% mức bình quân của tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách số học thì sự chệnh lệch 5 năm về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng đã nói lên sự thiệt thòi phần nào về tài chính của phụ nữ.

Bất cập thứ tư, về quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn lao động nam còn liên quan đến nhiều chính sách khác như: tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, nữ luôn luôn bị thiệt thòi hơn nam. Đây là bức xúc cao độ.

Thứ năm, về quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ hiện nay ở Việt Nam là chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhất là chưa phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban CEDAW đối với Việt Nam. Đó là Việt Nam cần xem xét các điều, khoản pháp luật hiện hành liên quan đến tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới, với quan điểm bảo đảm rằng phụ nữ được tiếp tục tham gia lao động sản xuất trên cơ sở bình đẳng với nam giới. Tuy còn nhiều điều bất cập như thế, nhưng vẫn có ý kiến khác nhau. Qua kết quả lấy ý kiến Luật Bình đẳng giới từ ngày 6 tháng 9 đến 15 tháng 10 năm 2006, của Đoàn chủ tịch Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ban soạn thảo Luật Bình đẳng giới, đã có 95% tổng số ý kiến đồng ý phương án. Điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ công chức và lao động nam, nữ trong cùng một ngành, nghề, khu vực như nhau. Trường hợp cán bộ công chức và lao động nữ có nguyện vọng, có quyền nghỉ sớm từ 1 đến 5 năm mà không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Trong khi đó kết quả khảo sát ý kiến qua mạng Internet của báo Vietnamnet có 64,65% trên tổng số phiếu trả lời chọn phương án giữ nguyên quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu của người lao động, tức nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới là 5 năm.

Ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này còn thể hiện rất rõ trong những buổi thảo luận của Quốc hội tại Hội trường, thậm chí có những lúc tranh luận đến mức gay gắt và đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận cao.

Trước tình hình này, tôi đồng thuận với bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tuổi nghỉ hưu của nam và nữ giữ như quy định hiện hành. Tuy nhiên theo tôi đó là giải pháp trước mắt. Tôi kiến nghị sau:

Một là cần tổ chức đợt điều tra xã hội học với quy mô lớn, lấy ý kiến tuổi nghỉ hưu của người lao động Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn mà điều kiện và chất lượng sống con người được nâng cao, tuổi thọ con người ngày một tăng, yếu tố hội nhập đang tác động mạnh tới đời sống của từng gia đình, từng người, kết quả điều tra xã hội học sẽ lấy làm cơ sở để sửa đổi cơ bản các pháp luật chuyên ngành có liên quan, hãy để chính người lao động và xã hội quyết định việc tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi, 55 tuổi như hiện nay hay phải cao hơn hoặc thấp hơn là phù hợp. Tuổi nghỉ hưu của nam, nữ lao động trong cùng một ngành nghề, khu vực là như nhau hay nữ nghỉ sớm hơn nam 5 năm như hiện nay.

Trách nhiệm tạo việc làm cho lớp trẻ là của cả dân tộc hay của nam, nữ lao động, hoặc chỉ là trách nhiệm của lực lượng lao động nữ. Tôi quan tâm đến việc lấy ý kiến phải được chuẩn bị chu đáo, đó là tránh cho người được lấy ý kiến hiểu nhầm là Dự thảo Luật Bình đẳng giới chỉ muốn nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, chứ không nghĩ là vì mục tiêu bình đẳng giới, bởi tuổi nghỉ hưu như nhau của lao động nam nữ về nguyên tắc mới là bình đẳng, vừa mang tính nhân bản, vừa phù hợp với khuyến nghị đối với Việt Nam của Uỷ ban CEDAW, Uỷ ban thuộc Liên Hợp quốc về chống mọi sự phân biệt, đối xử với phụ nữ.

Kiến nghị thứ hai, tại Khoản 3 Điều 13 Dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ công chức và lao động nam nữ theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, pháp luật về cán bộ công chức và Luật Bảo hiểm xã hội.

Tôi đề nghị bỏ hẳn Khoản 3 này. Vì quy định này đang được thực hiện và đang có hiệu lực, việc đưa thêm vào luật không có thông tin gì mới, không tạo ra giá trị mới mà chỉ là sự lặp lại thì nó bị thừa và không thực hành tiết kiệm.

Vấn đề cuối cùng, việc xóa bỏ định kiến xã hội về sự thấp kém của phụ nữ so với nam giới.
Kính thưa Quốc hội.

Theo tôi nghĩ đây là việc lâu dài cần được kiểm chứng qua thực tiễn hoạt động xã hội của cả 2 giới và nó được chứng minh qua những thành tựu đã đạt được của đất nước chúng ta, cũng như kết quả đạt được của 2 giới trong thời gian qua. Đến nay đã là năm thứ 6 của thế kỷ XXI, thời điểm tôi cho rằng nếu không xóa bỏ định kiến này, cũng như không nhất quán trong nhận thức, tư duy và hành động, trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thì ta sẽ bị tụt hậu và việc hội nhập sẽ không mang tính toàn diện. Đây là điều tôi cho rằng Đảng, toàn quốc và toàn dân chúng ta hoàn toàn không mong đợi. Tôi vừa trình bày xong ý kiến của mình, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan