Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Năm 15:37 26-10-2006

Sau khi nghiên cứu, tôi thấy dự luật của chúng ta lần này cũng rất hoàn chỉnh rồi, còn có một số vấn đề tôi muốn phát biểu thêm.

Trước đây quan điểm của tôi trong kỳ họp trước quy định cấm cho dứt khoát.

Ở Khoản 2, chúng ta đề là lạm dụng hộ khẩu thì chúng tôi cũng thống nhất đề nghị quy định rõ là cấm dùng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú. Như vậy dứt khoát là không anh nào có thể dùng hộ khẩu vào việc khác được. Đấy là những hành vi bị nghiêm cấm thì chúng ta thấy như vậy.

Về điều kiện đăng ký cư trú thì báo cáo với các vị là ở trong Điều 20 có quy định "công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó". Chúng tôi nghĩ, nếu viết như thế này thì cũng rất khó, có lẽ phải xem xét để viết lại một chút cho rõ. Bởi vì hiện nay, có công dân có rất nhiều chỗ ở hợp pháp. Có thể có anh ở tỉnh này nhưng lại có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh kia và rất là nhiều. Như thế thì người ta cứ đăng ký lung tung ở mấy tỉnh cũng được à. Vì vậy, phải viết như thế nào để người ta chỉ có thể đăng ký được ở một chỗ thôi. Tôi nghĩ, đó là điều cần lưu ý.

Thứ hai, về điều kiện đăng ký ở thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài có chỗ ở chúng ta có tạm trú liên tục ở thành phố đó từ một năm trở lên. Tôi nghĩ rằng tạm trú cũng có nên đưa thành điều kiện hay không? Tôi cho rằng đăng ký cư trú thì tốt nhất là dựa vào chỗ ở hợp pháp.

Thứ hai, có thể chúng ta quy định một điều kiện về công ăn việc làm ổn định làm điều kiện để có thể cho cư trú hợp pháp trong thành phố, chứ không nên quy định tạm trú, tạm trú thì tôi thấy rằng cũng dễ có thể mua được lắm. Riêng về chỗ có nhà cho ở, cho thuê, mượn để ở nhờ cá nhân thì cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu chẳng hạn, quan điểm chúng tôi cho rằng không nên quy định điều này. Bởi vì chúng ta quy định như thế này trong luật thì mặc nhiên chúng ta quy định cho người chủ có nhà đó có quyền hạn chế cư trú của người khác, trong khi đó anh cho thuê nhà thì anh nhằm mục đích lợi ích hoặc mục đích tình cảm anh cho ở nhờ. Bây giờ ta đưa cái này vào luật là ta hạn chế quyền cư trú của người khác. Tôi cho rằng không nên. Nếu trường hợp anh thấy rằng nếu cư trú ở đây người ta thuê ở đây, ở nhờ ở đây rồi có thể dẫn đến việc người ta cư trú được đăng ký, anh không muốn thì anh đừng cho người ta ở nhờ, anh đừng cho người ta thuê, nếu anh đã cho thuê thì anh phải chấp nhận việc đó. Cho nên, tôi thấy đưa điều kiện này vào là hạn chế quyền tự do cư trú của người khác, tôi thấy không nên quy định điều kiện đó.

Một điều nữa, chúng tôi thấy rằng trong Điều 22 về thủ tục đăng ký thường trú, có quy định việc hồ sơ đăng ký thường trú gồm có phiếu báo thay đổi hộ khẩu ở Khoản 2, bản khai nhân khẩu, giấy chuyển hộ khẩu theo quy định, Khoản 1, Điều 29, cái này chúng ta quy định những thủ tục bình thường của những người đăng ký cư trú bình thường. Với trường hợp người lang thang người ta chưa có hộ khẩu ở đâu cả, chưa đăng ký cư trú ở đâu cả, bây giờ mới đăng ký thì làm gì có cái giấy chuyển hộ khẩu theo quy định v.v...chúng ta cũng phải quy định trường hợp này phải giải quyết như thế nào? Tôi cho cái đó đề nghị các đồng chí nghiên cứu thêm.

Điều 24, báo cáo các đồng chí tôi thấy thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp, ở đây chúng ta quy định thời gian dài quá, 24 tháng. Tôi nghĩ thay đổi chỗ ở hợp pháp có gì đâu mà phải để dài như thế này. Cho nên tôi đề nghị rút xuống 12 tháng, vì anh thay đổi chỗ ở hợp pháp, mà anh thay đổi cư trú phải đến 2 năm sau mới chuyển, tôi cho rằng không nên, ta quản lý như vậy không chặt chẽ. Vậy 2 năm đó người ta ở đâu? Quản lý như thế nào? Cho nên tôi đề nghị rút ngắn thời hạn này xuống khoảng 12 tháng là vừa phải.

Điều 30 về điều chỉnh những thay đổi trong hộ khẩu. Chúng tôi thấy rằng ở đây có quy định việc điều chỉnh những cái thay đổi do đương sự yêu cầu. Nhưng có vấn đề là bây giờ hộ khẩu chúng ta làm cho họ nhưng có sai sót mà sai sót này do cơ quan đăng ký hộ khẩu chúng ta làm sai thì chúng ta đính chính như thế nào? Hiện nay có rất nhiều trường hợp như ở địa phương chúng tôi, công dân, sổ hộ khẩu đăng ký sai tuổi v.v... nhưng đến sửa thì công an lại gây khó khăn, không sửa, bảo chuyển sang thế nọ, thế kia, sang cả tư pháp v.v...

Báo cáo các đồng chí, làm như vậy rất phiền hà cho dân, cho nên chúng ta phải quy định một điều những trường hợp mà sổ hộ khẩu chúng ta ghi những tư liệu sai thì chúng ta phải chủ động chúng ta sửa như thế nào, theo yêu cầu của dân chúng ta phải sửa như thế nào, phải có một điều quy định. Còn ở Điều 30 chỉ quy định trường hợp sai sót do dân người ta yêu cầu thôi, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Về vấn đề Điều 31, Điều 32, chúng ta có phân ra thành lưu trú và tạm trú, tôi đề nghị không nên phân ra như thế này. Tất cả chúng ta chỉ có đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú, ngay từ đầu chúng ta chỉ quy định thường trú và tạm trú thôi, chứ không có lưu trú. Nhưng tự nhiên ở Điều 32 chúng ta lại thêm hình thức lưu trú. Mà lưu trú ở đây chính là tạm trú ngắn hạn thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng, không cần phải phân ra như thế này mà chúng ta vẫn quy định trường hợp đăng ký tạm trú nhưng mà chúng ta phải thêm một khoản là những trường hợp mà tạm trú ngắn hạn, tức là dưới 30 ngày chẳng hạn hoặc dưới 15 ngày thì chỉ cần thông báo cho cơ quan đăng ký cư trú, không cần phải làm thủ tục tạm trú. Ta chỉ cần như thế là đủ, chứ không cần phải phân ra hai loại như thế này nó phiền hà ra. Cuối cùng chúng tôi thấy có đại biểu đã phát biểu rồi, tôi thấy trong Điều 41 về hiệu lực thi hành và Điều 42 hướng dẫn thi hành, tôi đề nghị chúng ta làm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản. Hiện nay chúng ta cứ đơn giản làm một câu là những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ, rất gọn thôi, nhưng trong Luật Ban hành văn bản lại không quy định như vậy hoặc hướng dẫn cũng vậy, hướng dẫn ở điều nào, thời gian bao nhiêu, cơ quan nào hướng dẫn phải quy định cho rõ thì ở đây chúng ta lại cứ nói chung chung như vậy. Khi có luật rồi chúng ta lại cứ ngồi để chờ Nghị định, chờ Thông tư này khác rất lâu v.v... mà không thi hành được, có những điều khoản không cần hướng dẫn vẫn không thi hành được. Cho nên chúng tôi đề nghị hơn ai hết trong những luật này chúng ta phải theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chúng ta làm đúng và Quốc hội phải gương mẫu làm việc này. Tôi xin có một số ý kiến tham gia thêm như vậy

Các văn bản liên quan