Trích ý kiến của ĐB Mai Anh – Đại biểu QH Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Tư 13:43 09-08-2006

Thưa Quốc hội,
Trong khi chờ đợi, tôi xin góp ý kiến ngắn như sau:

Tôi thấy dự thảo lần này tiếp thu rất nhiều ý kiến của đóng góp và sửa quá nhiều, nếu chúng ta nghiên cứu trong bản này thì thấy phần viết nghiêng là rất nhiều. Tôi có một số điều phân vân:
Điều thứ nhất, tôi xin góp ý kiến liên quan đến Điều 29, Điều 31, tức là điều kiện để làm dịch vụ chuyển giao công nghệ. Tôi nghĩ rằng trong chương này tinh thần của Ban soạn thảo thiết kế theo hướng dịch vụ chuyển giao công nghệ không phải là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp, mà mọi tổ chức cá nhân đều có quyền làm, chỉ có cách đăng ký như thế nào thôi và cũng có bổ sung thêm tổ chức các Hội khoa học kỹ thuật và Hội nghề nghiệp cũng cần làm chuyển giao công nghệ. Trong này tôi có phân vân, vì chúng ta biết rằng đã là dịch vụ thì theo hướng kinh doanh dịch vụ theo hướng của Luật Doanh nghiệp, nhưng trong cách thiết kế của Khoản 2, Điều 29 thể hiện theo hướng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ phải đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, chỗ đó được rồi. Nhưng mà lại "hoặc được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động". Tôi nghĩ cách thể hiện ở Khoản 1, Điều 31 tất nhiên các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ và các cơ sở đào tạo, các hội có năng lực làm chuyển giao công nghệ, nhưng về pháp lý tôi đề nghị để có thể tham gia hoạt động này thì mọi tổ chức đều phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Ví dụ một trường đại học hay Hội tin học, Hội cơ khí hay một hội nào đó muốn làm công tác chuyển giao công nghệ thì ngoài năng lực vốn có của anh ra rồi thì vẫn nên có đăng ký theo Luật doanh nghiệp là đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, chứ không chỉ có một giấy chứng nhận hay một cấp giấy chứng nhận gì đó của cơ quan quản lý khoa học có thẩm quyền. Theo ý kiến của tôi chỗ này như vậy, thống nhất là chúng ta đi theo Luật Doanh nghiệp.
Ý kiến thứ hai, liên quan đến vấn đề phân chia lợi nhuận, tức là nếu có chuyển giao công nghệ đưa vào sản xuất được thì phân chia lợi nhuận, ý kiến của chúng tôi trong lần họp trước chúng tôi có ý kiến, lần này chúng tôi vẫn xin giữ ý kiến, tức là có 4 đối tượng tham gia hưởng lợi nhuận.

Thứ nhất là chủ sở hữu, tôi đang nói là dùng ngân sách Nhà nước, chủ sở hữu là Nhà nước. Nhà nước ở đây tất nhiên là nhiều nước, có nước thì thu hồi lại, có nước không thu hồi lại, nhưng chúng tôi nghĩ trong này chúng ta đã có quỹ thì nên chủ sở hữu của các sản phẩm chuyển giao công nghệ ấy thì nên Nhà nước cũng thu hồi lại một phần để bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ. Thứ hai, doanh nghiệp, tác giả ở đây 30% tôi nghĩ được rồi, cơ quan chủ quản của nhóm tác giả cũng được rồi, còn doanh nghiệp tôi nghĩ cũng nên có vì chúng ta có một loạt các vấn đề đằng sau là hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng nếu ở ngay trong phân chia lợi nhuận giá trị của công nghệ được chuyển giao nó là bao nhiêu đó, trong hợp đồng nó là bao nhiêu thì doanh nghiệp mua hay bên nhận công nghệ cũng nên được hưởng một phần trong đấy. Đấy là cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất mà chúng ta không phải lấy ở quỹ khác.

Một ý nhỏ trong này nữa, Điểm d của Điều 49, có nêu nếu từ ngân sách Nhà nước thì cơ quan môi giới được hưởng tối đa tới 10%. Tôi nghĩ rằng việc các cơ quan môi giới chuyển giao công nghệ thì giá thành là bao nhiêu, theo tôi nghĩ để các bên tham gia chuyển giao này người ta quyết định, không nên quy định là 10%. Ở đằng trước thì nhóm tác giả hưởng tối thiểu là 30% thì tôi tán thành, nhưng tối đa là 10% chúng tôi xin đề nghị nghiên cứu lại.
Liên quan đến Điều 51 về chính sách thuế tuy ở trong giải trình có nói rồi, nhưng tôi thấy tất cả những vấn đề gì liên quan đến chính sách thuế nên để cho Luật thuế điều chỉnh cho thống nhất. Vì luật nào chúng ta cũng đưa ưu đãi thuế vào đây thì nhỡ bên thuế người ta không chấp nhận thì sao.

Ví dụ Khoản 2 Điều 51 nói rằng nếu các tài trợ cho nghiên cứu thì được trùng vào thuế thu nhập, hiện nay chúng tôi biết rằng mọi tài trợ của doanh nghiệp, của tất cả các hoạt động xã hội tất nhiên đây mới là hoạt động chuyển giao công nghệ, nhưng tài trợ của doanh nghiệp cho mọi hoạt động xã hội hiện nay đều không được tính vào chi phí hợp lý để trừ thuế. Luật thuế đã có khoản đó rồi nay chúng ta cho điều này vào thì có nên hay không, Điều 51 về thuế cũng nên có cân nhắc.

Điều 52 chúng tôi nghĩ rằng cũng nên có cân nhắc về kinh phí của doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu triển khai ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ thì được tính vào chi phí sản xuất, tức là tính vào chi phí hợp lý nhưng không quá 2% doanh thu. Tôi nghĩ cái này sau này tính sẽ rất khó, bởi vì để đổi mới công nghệ có thể họ phải đổi mới rất lớn, có thể một anh doanh thu rất nhỏ nhưng nhờ đổi mới công nghệ đưa lại một doanh thu sau đó rất lớn. Nếu chúng ta tính theo doanh thu tôi sợ tính rất khó, nên chăng chúng ta tính là Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm giá trị đầu tư để nghiên cứu đổi mới công nghệ thì tốt hơn.

Ví dụ anh mua một công nghệ ở Trung Quốc chẳng hạn, hay ở nông thôn người ta mua một máy cắt cỏ, mua một công nghệ thì Nhà nước cho 100%, ở Việt Nam chúng ta có thể điều kiện chưa có, thì nếu anh đổi mới công nghệ thì Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm giá trị đầu tư để đổi mới công nghệ. Tôi nghĩ là tính theo hướng ấy thì dễ tính hơn và thực tiễn hơn là chúng ta tính theo doanh thu. Ý kiến cuối cùng của chúng tôi liên quan tới quỹ, ý kiến cá nhân của tôi xin ủng hộ theo phương án 2. Phương án 2 tức là chúng ta bổ sung thêm một số chức năng cho Quỹ hỗ trợ và phát triển khoa học công nghệ và thực ra chúng ta nói là qũy, nhưng tôi tin rằng ngân sách sau này cũng không có nhiều, nếu chúng ta có 2 quỹ mỗi quỹ một chút thì việc hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu cũng như hỗ trợ đổi mới hay hỗ trợ cho chuyển giao công nghệ nó cũng không được mạnh. Nếu chúng ta có một quỹ mà bổ sung thêm chức năng, bổ sung thêm nghiên cứu thì chúng ta có thể cân đối hoạt động trong từng thời kỳ thì năng lực của hỗ trợ của quỹ này nó sẽ mạnh hơn. Ý kiến cá nhân của chúng tôi thiên về phương án 2. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan