Góp ý của Chuyên gia Vũ Xuân Nguyệt Hồng – Trưởng Ban, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế TƯ

Thứ Tư 08:34 09-08-2006

 
                                                          
1. Nhận xét chung:
 
·        Bản dự thảo gần cuối cùng này đã được chỉnh sửa nhiều, so với những lần dự thảo trước đây đã được hoàn thiện hơn rất nhiều. Nội dung của dự thảo Luật lần này đã qui định rõ ràng quan điểm của Nhà nước ta (được thể hiện trong điều 4 của Luật) là "tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia chuyển giao CN". Đồng thời, dự thảo Luật cũng thể hiện một số chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với việc thúc đẩy chuyển giao CN nhất là đối với DNVVN và chuyển giao công nghệ ở các vùng NT, vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.

·        Dự thảo luật này ra đời trong bối cảnh VN sẽ sớm trở thành thành viên chính thực của tổ chức TM thế giới, sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để các đối tác thương mại của VN xem xét trong quá trình đàm phán song phương và đa phương. Hy vọng rằng sự ra đời của Luật và việc Việt nam trở thành thành viên WTO sẽ tạo nên luồng gió mới thổi bùng nên những ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết của các nhà khoa học công gnhệ, các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào thị trường công nghệ của Việt nam trong thời gian tới.

·        Trong khi đồng tình về cơ bản với nội dung của bản dự thảo, tôi nhận thấy nội dung của Luật còn một số điểm chưa rõ ràng, dẫn đến những khó khăn trong việc thực thi luật nếu như được Quốc hội thông qua. Mặt khác, một số điều khoản cho thấy Ban soạn thảo vẫn còn lúng túng trong việc xử lý trong luật những vấn đề nảy sinh trong thực tế.

·        Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật lần này, tôi xin nêu một số ý kiến cụ thể như sau:
 
2. Một số ý kiến cụ thể về các điều khoản qui định trong dự thảo Luật
 
Điều 1 (tr.1): đề nghị bổ sung cụm từ "trong hoạt động chuyển giao công nghệ" sau cụm từ "thẩm quyền của cơ quan QLNN" để Luật thêm chặt chẽ (vì luật này không nêu hết các thẩm quyền khác của cơ quan QLNN).

Điều 3 (tr.1):

-         Khoản 4 (tr.1): Dự thảo nêu khái niệm về "tác giả công nghệ", song trong nội dung của Luật lại không có thuật ngữ này. Tại mục a), khoản 2, Điều 49 (tr.21) chỉ có thuật ngữ: "tác giả của sáng chế, kiểu dáng CN, thiết kế ...". Trên thực tế, đây chính là "tác giả công nghệ" theo khái niệm ghi tạo khoản 4, Điều 3 này. Vì vậy, dự thảo luật cần được sửa lại cho thống nhất.

-         Khoản 17 (tr.2): nêu khái niệm về "ươm tạo doanh nghiệp công nghệ" nhưng lại không đưa ra khái niệm thế nào là "doanh nghiệp công nghệ". Đề nghị nên bổ sung thêm thuật ngữ này vì cho tới nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm này (có dự thảo NĐ về doanh nghiệp KHCN chứ không có DN công nghệ).

Điều 8 (tr.4): đề nghị bỏ đoạn "quyền sử dụng, quyền sở hữu" ghi tại khoản 1của điều này vì ghi như vậy sẽ là thừa. Khái niệm về chuyển giao công nghệ đã bao gồm cả hai hình thức chuyển giao này rồi (xem phần giải thích từ ngữ tại Điều 3).

Điều 10 (tr.5): Đề nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ " khu kinh tế" tại khoản 2. Lí do: VN ta không có khái niệm khu kinh tế, chỉ có khái niệm "đặc khu kinh tế", "khu công nghiệp", hay "khu kinh tế trọng điểm". Không biết dự thảo Luật hàm ý dùng từ nào? Có lẽ do in thiếu từ?

 Điều 11 (tr.5):

-         Nhìn chung, việc qui định một danh mục công nghệ chuyển giao có điều kiện là đúng và rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh những điều khoản qui định chung chung kiểu "có nguy cơ" vì điều này sẽ làm cho việc vận dụng luật khó thống nhất, gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

-         Đặc biệt, cần cân nhắc kĩ việc đưa mục c) vào danh mục những công nghệ chuyển giao có điều kiện. Mục này thể hiện sự phân biệt đối xử giữa công nghệ nước ngoài và trong nước(nếu đây là công nghệ nhập ngoại vào VN) và có thể sẽ rơi vào điều cấm trong các hiệp định trong khuôn khổ của WTO. Nếu muốn thì có thể viết lại và thể hiện khác chứ không nên viết "có nguy cơ gây hại đến sự hình thành và phát triển các ngành công nghiệp cụ thể...".

-         Khoản 2, điều 11: đề nghị bổ sung thêm hai từ "cụ thể" vào giữa đoạn "TT Chính phủ qui định danh mục cụ thể chuyển giao công nghệ có điều kiện"

Điều 20 (tr.9): đề nghị viết và sửa lại trật tự mục d), khoản 1 như sau: " Khiếu nại, khởi kiện bên giao công nghệ theo qui định của pháp luật trong trường hợp bên giao công nghệ vi phạm hợp đồng" để trật tự câu của mục d) này phù hợp với các mục khác của khoản 1. 

Điều 22, 23,24,25,26 (tr.10-11-12): Những điều khoản này của dự thảo luật qui định đối với các hoạt động chuyển giao CN có điều kiện. Tuy nhiên, qui trình xét chấp thuận và đăng kí chuyển giao công nghệ còn có phần phức tạp. Dường như DN sẽ phải 2 lần "gõ cửa" cơ quan quản lí NN để : thứ nhất, xin được chấp thuận chuyển giao CN có điều kiện và thứ hai, được đăng kí hợp đồng chuyển giao. Đề nghị nên giảm bớt các thủ tục cho DN.
 
Trong trường hợp này, chỉ nên giữ lại thủ tục thứ nhất, sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì DN mới được kí hợp đồng chuyển giao. Sau đó, sẽ tùy thuộc DN có muốn đăng kí hợp đồng chuyển giao hay không. Sở dĩ như vậy vì mục đích của việc đăng kí là để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi (mà trong trường hợp này thì có lẽ khó có ưu đãi gì) và để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.  Nếu như đúng như vậy thì hãy để chính bản thân DN tự quyết định xem có cần đăng kí hợp đồng chuyển giao hay không. Nếu bắt buộc DN phải đăng kí hợp đồng chuyển giao thì dường như sẽ tạo thêm một loại giấy phép con trong hoạt động kinh doanh.

Điều 28 (tr.12): Nếu chấp nhận như đề xuất trên thì phần viết về các hồ sơ cần nộp khi đề nghị chấp thuận chuyển giao (Điều 23, khoản 1, tr. 11) sẽ phải bổ sung thêm nội dung. Trong khi đó, phần về đăng kí hợp đồng (Điều 23, khoản 2, tr. 11) và trình tự, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng kí hợp đồng chuyển giao (điều 27, khoản 2, tr.12) sẽ chuyển thành những điều khoản riêng, được qui định chung cho mọi trường hợp đăng kí hợp đồng chuyển giao CN (có thể tách riêng đối với trường hợp có điều kiện, nếu cần, để bảo đảm nội dung của hợp đồng phải phù hợp với giấy chấp thuận chuyển giao)

Điều 29 (tr.13): Đề nghị xem xét lại khoản 2 của điều khoản này. Theo Luật KH&CN (2000) không qui định cá nhân hoạt động KH&CN (trong đó có hoạt động chuyển giao công nghệ) đăng kí hoạt động tại cơ quan quản lí NN về KH&CN. Vậy thì sao luật này lại qui định các cá nhân phải đăng kí? Hơn nữa, luật DN cũng không qui định các cá nhân hoạt động kinh doanh phải đăng kí kinh doanh mà chỉ qui định đối với các pháp nhân (tổ chức) phải đăng kí kinh doanh. Việc qui định các cá nhân phải có đăng kí hoạt động khi tham gia dịch vụ chuyển giao CN sẽ là một rào cản đối với việc tham gia thị trường công nghệ. Vì vậy, chỉ nên qui định ở khoản 2 là "các cá nhân, tổ chức tham gia dịch vụ chuyển giao công nghệ ngoài luật này phải tuân thủ các luật có liên quan khác" là đủ. (Luật KH&CN có qui định tổ chức KH&CN phải đăng kí hoạt động)

Điều 31(tr.13): điều khoản này cần cân nhắc kĩ hơn liệu có nên đưa vào nội dung của Luật không. Lí do là trong danh mục những hoạt động chuyển giao công nghệ qui định tại Điều 29, không phải hoạt động nào cũng cần có điều kiện, chẳng hạn như các hoạt động thuộc mục a, b, e. Việc qui định các loại hình tổ chức như trong điều 31 sẽ hạn chế nhiều loại tổ chức tuy không thuộc danh mục được nêu những vẫn có khả năng thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, vì sao điều khoản này lại hạn chế các loại hình tổ chức tham gia dịch vụ chuyển giao công nghệ (khoản 1) trong khi không hạn chế các cá nhân (khoản 2) tham gia loại dịch vụ này? Vì vậy, nên bỏ điều khoản này trong luật.

Điều 32(tr.13): Điều kiện qui định trong điều khoản này còn rất chung chung, mù mờ, đặc biệt là những từ như:

-         Đối với tổ chức dịch vụ chuyển giao CN:  mục b) ghi: " có nhân lực và điều kiện... đáp ứng yêu cầu...(thế nào là đáp ứng yêu cầu?);

-         Đối với cá nhân tham gia thực hiện dịch vụ chuyển giao CN: " có năng lực điều kiện vật chất kĩ thuậtđáp ứng yêu cầu...." (hiểu những điều kiện này như thế nào cho đúng?)

Những qui định kiểu như thế này sẽ dẫn đến những khó khăn đối với các tổ chức và cá nhân tham gia dịch vụ chuyển giao công nghệ, từ đó làm hạn chế sự phát triển thị trường công nghệ nói chung. Kể cả khi NN qui định hướng dẫn thực thi luật cũng khó có thể xác định được một cách cụ thể và đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng đối với các điều kiện nêu trên. Vì vậy, không nên đưa điều khoản này vào luật mà chỉ nên qui định điều kiện đối với một số loại dịch vụ chuyển giao công nghệ (như đã nêu ở trên) thôi.

Điều 34 (tr.14) Không nên đưa khoản 1 vào luật vì những lí do sau:

-         Thứ nhất,những quyền hạn được ghi đối với tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ CGCN là chung đối với mọi loại hình tổ chức kinh doanh, dịch vụ, không có tính chất đặc thù;

-         Thứ hai, những quyền hạn nêu trong điều khoản 1. này lại chưa đầy đủ, còn có những quyền khác chưa được nêu, ví dụ: quyền được tham gia đấu thầu, dự thầu các hợp đồng chuyển giao công nghệ của NN, v.v.

Nếu để lại khoản 1 trong điều 34 này thì chỉ nên giữ lại những quyền có tính đặc thù của tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ thôi.

Điều 41(tr.16): Cần sửa lại nội dung của Khoản 1, điều 41 này như sau: "trong trường hợp ....vi phạm sự cho phép của "Giấy chấp nhận chuyển giao công nghệ có điều kiện"do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấpthì cơ quan nàytiến hành việc giám định bắt buộc.... Lí do là như đã nói ở trên, việc đăng kí hợp đồng chuyển giao công nghệ có điều kiện nên để cho DN tự quyết định chứ không nên bắt buộc.

Lưu ý rằng, cơ quan quản lí NN nên là người chủ động thực hiện giám định khi phát phát hiện vi phạm. Sau khi có kết quả giám định, nếu DN thực sự vi phạm thì sẽ phải chịu phạt hành chính hoặc qui trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Mặt khác, DN lúc đó sẽ phải hoàn trả lại tiền giám định. Không nên bắt DN phải chịu chi phí giám định ngay từ đầu khi chưa biết họ có thực sự vi phạm hay không. Đó mới thể hiện việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN chuyển giao CN.

Điều 42(tr.17): Tại Khoản 3, đề nghị  thay từ "để có" bằng từ "thực hiện".

Điều 43 (tr.17&18):
Đề nghị xem xét để sửa lại cách viết các khoản 1&2 của điều này. Dường như hai khoản 1,2 không phải là biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ như tiêu đề của chương IV mà là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ CGCN tại nơi được khuyến khích chuyển giao. Vì vậy, điều khoản này cần nêu rõ chính sách khuyến khích của NN đầu tư hay hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho những vùng này là gì chứ không phải là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.. như nêu trong dự thảo luật.

Hơn nữa, nội dung của khoản 1,2 sẽ phải được thể hiện trong hợp đồng giữa NN và các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, dự án ... (nếu có) chứ không nên qui định trong luật này.

-         Cần xem xét lại việc qui định tại khoản 1 rằng các tổ chức, cá nhân....phải báo cáo cơ quan chuyển môn về KH&CN tại địa phương nơi mình triển khai chương trình, dự án chuyển giao CN. Lí do là: i) không rõ cơ quan chuyên môn về KH&CN tại địa phương là ai? có phải là Sở KH&CN không? ii) Vì sao lại phải báo cáo? Với mục đích gì?

Điều 46 (tr.19): Chúng tôi kiên trì với quan điểm từ trước là không nên hình thành thêm một loại quĩ mới mà thiên về phương án 2 trong dự thảo luật là bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Quĩ phát triển KH&CN quốc gia.

Điều 49 (tr.21):  Tại mục b), khoản 2. Như đã nêu từ đầu, đề nghị thay cụm từ: "tác giả của các kết quả nghiên cứu và phát triển CN" thành "tác giả công nghệ" như trong phần giải thích từ ngữ.

Điều 62 (tr.25): Tại khoản 2, việc đưa thuật ngữ "vi phạm không cơ bản" đòi hỏi cần làm rõ, nếu không sẽ rất khó thực hiện trong thực tế.

Điều 63 (tr.26): Tại khoản 3, đề nghị sửa những nơi ghi "tổ chức thực hiện dịch vụ KH&CN"  trong khoản này thành "tổ chức thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ" cho phù hợp với nội dung của Luật.
 
Trên đây là một số ý kiến xin đóng góp với Ban soạn thảo để xem xét, chỉnh sửa lần cuối trước khi trình Quốc hội thông qua. 
  

Vũ Xuân Nguyệt Hồng
Trưởng Ban, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế TƯ

Các văn bản liên quan