Trích ý kiến của đại biểu Trần Văn – Cà Mau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:55 05-06-2009

Hiện nay tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ, nguyên nhân của tình hình này một mặt do nhận thức chung của toàn xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, năng lực của hệ thống quản lý thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Mặt khác do Luật sở hữu trí tuệ còn có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và những thông lệ quốc tế. Do đó tôi ủng hộ việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ lần này và cơ bản đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Sau đây tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau.

Về tổng thể tôi thấy trong Luật sở hữu trí tuệ hiện hành còn có những nội dung cần phải sửa đổi, tuy nhiên lần này cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ đề nghị sửa một số điều liên quan đến cam kết đa phương về quyền tác giả khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Bộ văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì, trong khi một số điều, khoản phần sửa đổi khác liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ khoa học và công nghệ về sở hữu trí tuệ, về phát minh sáng chế lại chưa được đưa ra xem xét. Như vậy tới đây liệu Quốc hội có phải xem xét sửa đổi nữa chăng những điều, khoản liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, phát minh sáng chế để nhằm bảo hộ sáng tao phục vụ sản xuất vật chất và tinh thần của con người, bảo hộ môi trường an ninh kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trước hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó tôi cho rằng nếu cơ quan soạn thảo có cách tiếp cận bao quát tổng thể hơn Quốc hội sẽ được thảo luận và thông qua các dự án luật thiết thực hơn, có tính khả thi lâu dài hơn. Về một số nội dung cụ thể sửa đổi lần này tôi xin có ý kiến như sau.

Một, về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên tôi cho rằng nguyên tắc này hợp lý đối với quyền sở hữu sáng chế, còn đối với sở hữu công nghiệp, một tổ chức cá nhân có thể nộp nhiều đơn cũng không sao. Ví dụ một công ty nộp đơn xin bảo hộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nhưng sau 5 năm không sử dụng vì một lý do nào đó thì đơn bảo hộ sẽ hết hạn và sẽ bị hủy. Do đó trước khi hết hạn 5 năm thì công ty này lại nộp đơn xin bảo hộ tiếp sang nhãn hiệu hàng hóa đó, tôi nghĩ đấy là hợp lệ.

Thứ hai, về các hình thức xử phạt hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả, Điều 214 tôi đồng tình với phân tích của Ủy ban Pháp luật về quy định xử phạt hành chính trong Báo cáo thẩm tra dự án luật. Tôi đồng ý với phương án 1 do cơ quan soạn thảo đề xuất, theo đó dành quyền chủ động cho Chính phủ quy định mức tiền phạt tại Điểm b, Khoản 1 của điều này, phù hợp với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Vì thực tế các hành vi vi phạm mức độ nghiêm trọng rất khác nhau, nếu quy định mức phạt từ 1 - 5 lần chưa chắc đã hợp lý, giao cho các ngành và địa phương quy định có thể dẫn đến các mức phạt khác nhau cho cùng một hành vi, có thể dẫn đến thiếu công bằng, thiếu minh bạch trong xử phạt và quy định theo phương án 1 có lẽ cũng sẽ thuyết phục hơn.

Cuối cùng, về điều khoản chuyển tiếp Điều 220, tôi cho rằng khi xem xét điều, khoản này cần phải dựa trên nguyên tắc là Nhà nước cấp đơn đăng ký bảo hộ trên cơ sở các điều kiện nào thì khi hủy đơn cũng phải dựa trên các điều kiện đó. Quy định ở Điều 220, Khoản 2 và Khoản 3 là không thống nhất, tại Khoản 2 cho rằng nếu đơn vị đăng ký nộp trước ngày luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn. Còn Khoản 3 cho rằng chỉ áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó. Để ngôn ngữ ở hai Khoản 2 và 3 như nhau, tôi đề nghị thay cụm từ "áp dụng đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó" bằng "tại thời điểm nộp đơn". Như vậy quy định tại Khoản 2 sẽ phù hợp với Khoản 3 và tính thống nhất của luật sẽ cao hơn.

Các văn bản liên quan