Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai – Ninh Thuận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:55 05-06-2009

Thứ nhất về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Điều 119 , một số đại biểu cho rằng những gì nêu trong điều luật này là một sự tụt lùi, tụt hậu của luật vì mọi việc giải quyết đơn đăng ký, nhờ áp dụng công nghệ thông tin chỉ nhanh nhẹn hơn thì ở đây lại kéo dài hơn. Nhưng theo tôi, tôi tán thành nội dung sửa đổi và giải trình trong điều này cũng như ý kiến của các đại biểu Danh, đại biểu Vang và một số đại biểu khác. Bởi vì việc kéo dài thời hạn thẩm định nội dung, đơn đăng ký sáng chế từ 12 tháng lên 18 tháng và kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý từ 6 tháng lên 9 tháng là cần thiết. Vì đây là một quá trình rất phức tạp, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ và điều kiện kỹ thuật còn hạn chế, nên đòi hỏi phải có đủ thời gian để đảm bảo các công việc chuyên môn sâu, như tra cứu thông tin và so sánh, đánh giá đối tượng đăng ký theo các tiêu chuẩn bảo hộ mà các thông tin này là của tất cả các nước với một khối lượng khổng lồ, đấy là điều không đơn giản chút nào. Cũng như đảm bảo việc thực hiện quyền ưu tiên theo Công ước Paris để tránh tranh chấp, khiếu kiện hoặc hủy bỏ văn bằng gây phiền hà và tốn kém. Đồng thời tạo sự sử dụng được kết quả thẩm định của nước ngoài, đặc biệt là đối với sáng chế thuộc công nghệ cao. Hơn nữa theo như nhiều đại biểu cũng nói là ảnh hưởng, nhưng theo tôi thấy là không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của doanh nghiệp do ngày nộp đơn là cơ sở để xác định quyền ưu tiên so với người khác. Trong thời gian chờ cấp văn bằng thì quyền lợi của người nộp đơn vẫn được thừa nhận.

Vấn đề thứ hai, về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại Khoản 1, Điều 154. Điều này tôi cũng nhất trí như giải trình và nhất trí với đại biểu Minh, đại biểu Danh, đại biểu Phương Anh đã phân tích, cần bổ sung quy định làm rõ những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, còn các đơn vị không có tư cách pháp lý độc lập như chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ được hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức mình trực thuộc mà thôi. VÌ theo đề xuất của Chính phủ là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vấn đề thứ ba về vai trò của cơ quan, tổ chức Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định ở Khoản 2, Điều 201 như giải trình trong dự thảo luật thì hoạt động giám định có thể giao cho các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước nhằm tận dụng nguồn lực chuyên gia và kinh nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên tình trạnh chung của Nhà nước ta hiện nay là nhiều hoạt động sự nghiệp và cung cấp dịch vụ công vẫn do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện và đang từng bước được phân tách trong công cuộc cải cách hành chính Nhà nước theo hướng xã hội hóa, dó đó tôi đề nghị nên giao cho tổ chức độc lập hoặc giao cho các tổ chức hội liên quan đến khoa học và công nghệ thực hiện được chức năng giám định về sở hữu trí tuệ thì tốt. Còn quy định về tổ chức giám định của Nhà nước do Chính phủ ban hành theo như Khoản 5.

Vấn đế thứ tư, Điều 37 và Điều 34 về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ 55 năm đến 75 năm là cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích về chủ thể, đồng thời khuyến khích lao động sáng tạo và tạo sự bình đẳng giữa công dân và tổ chức Việt Nam với công dân và tổ chức các nước quan hệ điều ước của Việt Nam. Tôi tán thành với dự thảo luật sửa đổi.

Vấn đề thứ năm, để phù hợp với Khoản 2, Điều 15 Công ước UPOV năm 1991, tôi đồng tình với Thường trực Ủy ban pháp luật cần sửa đổi bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 190 của dự thảo luật là: không coi hành vi sử dụng giống cây trồng để lai tạo giống hoặc nhằm mục đích nghiên cứu khoa học là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã được bảo hộ.

 

Các văn bản liên quan