Trích ý kiến của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội về dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:49 26-05-2009

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi. Điều tôi rất tâm đắc trong luật này là quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức, cá nhân do người thi hành công vụ gây ra. Đồng thời nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường yêu cầu người thi hành công vụ hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền mà nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại. Quy định điều này thể hiện sự công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thi hành công vụ. Đây là một điểm rất cốt yếu mà tôi rất tâm đắc chế định này. Tuy nhiên để luật có tính khả thi và có tác dụng tích cực hơn trong thực tế thì tôi xin bổ sung 4 vấn đề như sau.

Một là ở Điều 8 Khoản 2 đề nghị bỏ nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền phải thương lượng hoặc xác minh thiệt hại mà cần quy định rõ luôn đây là việc cần phải xác định thiệt hại và ra quyết định bồi thường. Nếu mà chúng ta quy định phải thương lượng thì nó là một quá trình rất dài, rất phức tạp cho cả công dân và nhà nước. Tôi nghĩ rằng không cần thiết phải như thế. Và trên cơ sở sau khi luật này ra đời thì Chính phủ có thể quy định rõ những hành vi trái pháp luật là như thế nào thì có thể thích ứng và theo một mức độ nào đấy, vi phạm gây ra thế nào thì có thể bồi thường như thế ấy nó sẽ giảm bớt đi những thủ tục dài dòng, phức tạp.

Hai là Điều 11 tôi tán thành với quy định phải có cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường và giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ. Ở đây tôi không muốn nói nhiều nhưng nếu cơ quan Chính phủ mà không có một cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ làm thì rất khó trong thực tế, thực thi trong lĩnh vực công tác. Một ví dụ ai cũng thấy đấy là lĩnh vực Vệ sinh an toàn thực phẩm, cho đến nay có mấy cơ quan rất chồng chéo, mặc dù có một cơ quan đầu mối thật nhưng mà vẫn còn rất chồng chéo cho nên tôi nghĩ rằng hiện nay đang trong quá trình làm thế nào cần phải có một cơ quan đầu mối. Ở luật này đã đề ra dự kiến có một cơ quan đầu mối như thế tôi thấy hết sức cần thiết để giúp cho Chính phủ nâng cao quản lý trong lĩnh vực của mình và tôi tán thành với Điều 11 trong dự thảo luật này.

Vấn đề thứ ba, Điều 96 Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định: người giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có một trong các hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, cố tình trì hoãn. Việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo trái với pháp luật và không kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật v.v... Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đối chiếu với Luật bồi thường Nhà nước hiện nay, tôi thấy các quy định này của Luật khiếu nại, tố cáo chưa được tiếp thu trong luật này. Tôi đề nghị bổ sung hành vi thiếu trách nhiệm, trì hoãn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay như nhiều đại biểu có nói, ở nhiều địa phương tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, vi phạm pháp luật nhà ở hay trật tự xây dựng rất phức tạp, gây tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân. Tuy nhiên nhiều nơi người có thẩm quyền không làm đúng chức trách, nhiệm vụ, không giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến tranh chấp kéo dài vượt cấp. Tôi nghĩ nếu quy định bổ sung một điều, khoản nói về việc thiếu trách nhiệm, trì hoãn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định sẽ vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của chúng ta, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài rất nan giải mà hiện nay chúng ta đang phải giải quyết.

Vấn đề thứ tư, ở Điều 15 và Điều 16 của Luật bồi thường Nhà nước, trong này có yêu cầu hồ sơ yêu cầu bồi thường kèm theo đơn bồi thường phải có một văn bản của cơ quan Nhà nước xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tôi thấy điều này rất khó khăn trong quá trình thực thi. Theo tôi về quy định này ở Khoản 2, Điều 15 và Khoản 3, Điều 16 nên bỏ. Bởi vì nếu trong thực tế chỉ cần quy định người bị thiệt hại người ta có thể chỉ cần có một cái đơn và có những tài liệu chứng cứ gửi kèm theo là đủ và các cơ quan có trách nhiệm phải xác minh để bồi thường cho người ta, không nên đi tìm thêm một cơ quan khác, lại đợi. Đợi cơ quan đó nhiều khi chưa chắc đã giải quyết được. Thực thi là trong quá trình giải quyết công việc có những cán bộ công chức không làm đúng chức trách, cho nên tìm mọi cách để ra văn bản trái hoặc ra văn bản thiếu sót, cho nên làm cho người ta rất khó khăn trong việc đòi bồi thường. Theo tôi để tạo điều kiện cho người dân thực sự được bồi thường Nhà nước theo đúng quy định thì nên bỏ quy định này, chỉ cần có đơn và người ta có đủ các bằng chứng, những tài liệu kèm theo mà cơ quan Nhà nước nhìn thấy rõ việc đó trái với quy định này, trái với quy định kia. Tôi thấy như thế sẽ giúp cho người dân tốt hơn và cũng góp phần không làm cho các cơ quan phải kéo dài quá trình thực thi vấn đề bồi thường Nhà nước, không chừng quy định này sẽ làm cho người được bồi thường Nhà nước có lẽ cũng không thực hiện được bởi vì kiểu vòng vo như thế này.

 

Các văn bản liên quan