Trích ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:48 26-05-2009

Tôi xin tham gia 3 nhóm ý kiến.


Nhóm ý kiến thứ nhất, bày tỏ sự đồng tình với dự thảo luật.
Nhóm ý kiến thứ hai, có một vài điều băn khoăn đề nghị cân nhắc.
Nhóm ý kiến thứ ba, một vài ý kiến đề nghị bổ sung.


Về nhóm ý kiến thứ nhất là bày tỏ sự đồng tình, tôi cho rằng dự thảo luật lần này có tiếp thu, sửa chữa với mục tiêu, với cơ cấu nội dung 5 nhóm nội dung điều chỉnh, tôi cho rằng như vậy là khá tốt và cũng nhất quán với quan điểm như giải trình là tập trung về bồi thường của Nhà nước liên quan đến lỗi cá nhân của cán bộ công chức, không mở rộng về lỗi công vụ, trừ Điều 26 liên quan đến tố tụng hình sự thì bồi thường do lỗi công vụ, không phải lỗi cá nhân ở Điều 26, 7 khoản. Còn các nội dung khác cơ bản là lỗi cá nhân nó gắn với điều kiện, tức là hành vi của cán bộ công chức có sai phạm. Tôi đồng tình với cách không nên mở quá rộng trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên tôi thấy trên cơ sở đồng tình có thể thông qua được, nhưng có một số điều băn khoăn, lúc nãy có đại biểu cũng đã đại biểu.


Về tên gọi của luật, hôm trước Bộ Tư pháp và thảo luận ở Hội thảo Thành phố Hồ Chí Minh tôi cũng đã phát biểu. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu sửa lại tên luật là Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng tôi vẫn ưng ý tên đầu tiên là Luật Bồi thường Nhà nước. Bồi thường Nhà nước, trong khái niệm cũ thì chữ "Nhà nước" là tính từ, mang tính chất là tính chất Nhà nước, nó thể hiện khác với bồi thường dân sự, tư nhân. Bây giờ sửa lại thì chữ "Nhà nước" có ý nghĩa là danh từ và tên luật lại không bao quát hết 5 nội dung điều chỉnh. 5 nội dung đó trách nhiệm bồi thường Nhà nước chỉ là 1 nội dung trong 5 nội dung, trong đó nội dung thứ nhất là trách nhiệm bồi thường; nội dung thứ hai là thủ tục giải quyết bồi thường; nội dung thứ ba nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, thứ tư là kinh phí bồi thường trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Những nội dung này rất rộng do đó tôi đề nghị nên cân nhắc bởi vì tôi tán đồng viết cho dễ hiểu, cụ thể, nhưng có những vấn đề cụ thể quá thì nó không bao quát. Cũng giống như kính thưa, mà kính thưa cụ thể quá thì không bao quát, kính thưa chung thì bao quát. Tôi nghĩ khái niệm Nhà nước là tính từ như trong doanh nghiệp Nhà nước, hiểu như vậy là bao quát. Đó là băn khoăn thứ nhất.
Băn khoăn thứ hai, tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiếp thu liên quan đến Điều 11 về vấn đề có cơ quan quản lý Nhà nước hay không. Theo tôi trước sau cũng không cần thiết, vào Điều 11 có dung hòa nhưng tôi cho là không cần thiết. Tôi tưởng tượng bỏ hết Điều 11 cũng ảnh hưởng gì cả và nó rối thêm, bởi vì thực sự mỗi cơ quan Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án đều ghi thêm trong chức năng, nhiệm vụ của mình có việc bồi thường và kinh phí bồi thường đã được quy định ở Điều 55 và Điều 56 cũng được bồi hoàn như thế nào quan trọng nhất là kinh phí. Còn chuyện tổng hợp báo cáo thì mỗi cơ quan báo cáo trước Quốc hội hàng năm thì sắp tới đây có nội dung đó nữa, trong báo cáo hoạt động của mình chẳng có gì phải thêm cơ quan mới và chúng ta không nên để. Tôi nghĩ bỏ Điều 11 này cũng không ảnh hưởng gì hết, đó là điều tôi băn khoăn.

Và cũng liên quan đến chỗ này, tôi đề nghị Điều 56 là nghĩa vụ hoàn trả nên viết lại Khoản 1. Điều 55 là về kinh phí ổn rồi. Nhưng Điều 56 thì viết chuẩn một chút: người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại, có nghĩa vụ hoàn trả một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường thì đúng rồi, tôi đề nghị sửa thế này: hoàn trả cho ai? hoàn trả cho ngân sách thì nên viết lại: Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại, có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước khoản tiền, mà Nhà nước đã bồi thường v.v... Nói rõ ra là đã trả cho ngân sách, chứ không phải trả cho chủ thể, câu này không có chủ thể trả, không có người thừa nhận thừa hưởng. Tôi đề nghị nên sửa như vậy. Đó là hai ý băn khoăn.

Về kiến nghị tôi cho rằng mặc dù đúng chủ yếu các hành vi ở đây là hành vi chủ động tức là cán bộ công chức gây thiệt hại tức là làm cái gì đó gây thiệt hại, còn động thái mà thụ động không làm mà gây thiệt hại thì quy định rất ít, hạn chế, tôi đồng ý hiện nay là có hạn chế, trong giải trình có ghi một số hạn chế. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay có một số việc mà qua cử tri phản ánh tôi thấy chính là hành vi thụ động của công chức gây thiệt hại người dân chính là chỗ sinh tiêu cực nhiều nhất, tức là anh không làm, anh làm sai thì khó thì không dám làm nhưng không làm thì không sao cả, mà không làm mới gây thiệt hại. Chỗ này tôi đề nghị dĩ nhiên không mở rộng nhưng tôi đề nghị có hai điều nên bổ sung thêm, tôi kiến nghị đây là hai kiến nghị:
Thứ nhất, liên quan đến cơ quan hành chính Nhà nước ở Điều 13, tôi tán đồng quy định có 11 nội dung, 11 nội dung ở đây tức là anh làm rồi trái và Khoản 12 hồi nãy có đại biểu có phát biểu Khoản 12 các trường hợp bồi thường khác do pháp luật quy định thì tôi cho không cần bởi vì chúng ta giới hạn chỗ này rồi không thêm Khoản 12 nữa mà nó rối không biết quy định chỗ nào, chúng ta chỉ giới hạn bồi thường theo luật này thì tôi cho là đủ nên không cần Khoản 12. Nhưng tôi đề nghị một Khoản 12 mới mà hiện nay phát sinh rất nhiều nhất là quản lý đô thị, đó là trường hợp mà các cơ quan hiện nay thực tế trong vấn đề xây dựng đô thị, xây dựng công trình gây thiệt hại cho người dân đến mức nhà hư, nhà sập v.v... Nhưng những người có lợi ích liên quan đề nghị cơ quan Nhà nước phải can thiệp nhưng anh không làm gì để gây thiệt hại, điều đó rất phổ biến hiện nay khiếu nại rất nhiều. Do đó, tôi đề nghị Khoản 12 thêm một điều hành vi thụ động, tức là các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng công trình theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân có liên quan. Tôi yêu cầu anh, anh không làm, anh làm sập nhà tôi, làm hỏng nhà tôi thì anh phải có trách nhiệm. Chỗ này buộc trách nhiệm cơ quan phải chủ động, anh không thụ động mà hiện nay cử tri khiếu nại rất nhiều mà không giải quyết được. Đó là vấn đề tôi đề nghị bổ sung.

Ý cuối cùng của điểm này là bổ sung thêm về phần ở Điều 62 liên quan đến Điều 28 là biện pháp áp dụng ngăn chặn, ví dụ trường hợp khởi kiện một anh dân sự yêu cầu anh ngăn chặn sai, tức là bảo toàn tài sản, tài khoản v.v... anh không làm để người ta tẩu tán hết khi kiện xong thì trắng tay. Chỗ này tôi đề nghị bổ sung vào ở trong khoản như Điều 28 bổ sung, tức anh không chịu làm tôi đề nghị anh không làm và hiện nay rất nhiều. Tức là chỗ này cũng phát sinh tiêu cực. Tôi đề nghị bổ sung 2 khoản đó về hành vi thụ động.

Các văn bản liên quan