Trích ý kiến của Đại biểu Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:51 26-05-2009

Cơ bản tôi đồng tình với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo lần này trình Quốc hội. Theo gợi ý tôi xin tham gia một ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của trách nhiệm bồi thường trong thi hành án dân sự, tức là Điều 38.
Tại Khoản 1, Điểm e và Điểm g có quy định là hoãn thi hành án, tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án. Theo chúng tôi quy định như vậy phạm vi rộng quá, trong thực tiễn chúng tôi đề nghị chỉ điều chỉnh các trường hợp không ra quyết định hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành và đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Vì trong thực tế của công tác thi hành án thì thấy còn rất nhiều trường hợp mà cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án. Ví dụ người thi hành án không có tài sản, người thi hành án đau ốm mà nghĩa vụ đó không thể ủy quyền cho người khác thực hiện và những trường hợp khác. Trong những trường hợp này thường không phát sinh thiệt hại lớn về mặt kinh tế, có trường hợp không phát sinh nhưng do một lượng án phải thi hành quá nhiều, vụ việc xác minh định kỳ theo từng tháng, từng quý thì trên thực tế tiến hành không kịp thời. Cho nên nếu quy định như vậy thì chấp hành viên không đủ khả năng để ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định một cách kịp thời được. Nếu chúng ta quy định rõ thì sẽ giảm được số lượng đơn yêu cầu bồi thường trong trường hợp này.
Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về nội dung đó, ngoài ra chúng tôi xin tham gia một ý vào Điều 57, Điều 57 của dự thảo, tại điều này, tại Khoản 1 căn cứ để xác định mức hoàn trả. Tại Khoản 1có ghi Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ, theo chúng tôi đặt câu này, ý này vào điều này nó không phù hợp, có cái gì đó nó chưa đồng nhất với nội dung được diễn đạt tại Khoản 1 và Khoản 2 của điều này. Trong khi đó chúng tôi thấy trình tự, thủ tục quyết định hoàn trả thi hành án tại Điều 58 đã quy định trách nhiệm này của hội đồng xem xét trách nhiệm, đó là tại đoạn 1 của Khoản 1, tại đoạn 3 của Khoản 1 thì Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc thành lập thành phần nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng để quyết định việc hoàn trả này. Cho nên chúng tôi thấy không nhất thiết phải đưa quy định Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết mức hoàn trả của người thi hành công vụ trong Khoản 1 của Điều 57, nếu như vậy thì trùng lặp mà nó cũng không phù hợp với thẩm quyền mà chúng ta đã giao cho hội đồng, giao cho cơ quan của người quản lý, người thi hành công vụ.
Chúng tôi thấy có hai điểm xin tham gia bổ sung thêm trong dự án lần này để hoàn chỉnh thêm.

Các văn bản liên quan