Trích ý kiến của đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Bạc Liêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:47 05-06-2009

Nhằm góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Trước hết về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm vấn đề này khi quyết định nâng thời hạn bảo hộ từ 50 năm lên 75 năm. Tôi thống nhất với ý kiến phân tích của đại biểu Vũ Hồng Anh - Đoàn Hà Nội, đại biểu Phan Trung Lý - Đoàn Nghệ An và đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - đoàn Lạng Sơn. Bởi thứ nhất theo quy định của luật hiện hành cũng không vênh với Công ước Berne và một số điều ước quốc tế đa phương mà nước ta đã ký kết đã xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là 50 năm.

Thứ hai là hiện nay chúng ta bị vướng chủ yếu ở Hiệp định TRIPS quy định có thời hạn bảo hộ là 75 năm, khi ký kết phía Mỹ cũng cố tình đẩy cao hơn một số tiêu chuẩn so với bình thường để ràng buộc phía chúng ta vào những điều khoản chặt chẽ hơn đối với những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy nếu chúng ta mở rộng thì vô hình chung đối với những nước khác mặc dù không có sự ràng buộc này cũng đều được hưởng lợi. Ngược lại về phía nước ta quyền bảo hộ tại các nước đó chỉ có 50 năm, tôi thấy vấn đề này không hợp lý.

Từ những phân tích trên, tôi xin đề nghị đối với thời gian bảo hộ nên giữ như hiện hành còn nếu vấn đề vướng với Hiệp định TRIPS thì có thể áp dụng theo Khoản 3, Điều 5 của Luật sở hữu trí tuệ hiện nay với quy định áp dụng: trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó, nên không cần phải chỉnh sửa điều này.

Vấn đề thứ hai là về trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 26 và Điều 33. Tôi nhận thấy quy định như trong dự thảo rất khó thực hiện, bởi vì trong thực tế nếu thỏa thuận thành công thì rất tốt, nhưng trong trường hợp không thành công thì không cơ sở để giải quyết vấn đề này. Cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề này và lấy tiêu chí gì khẳng định khoản thù lao đó là phù hợp hay chưa. Chính vì vậy nếu chỉ dừng lại quy định như ở trong dự thảo thì tôi nghĩ sẽ dẫn đến những câu chuyện không có hồi kết. Từ những phân tích liên quan đến vấn đề này, tôi xin đề nghị.

Vấn đề thứ nhất, trong trường hợp sử dụng những tác phẩm này vì mục tiêu, mục đích thương mại thì trước khi sử dụng các tổ chức, cá nhân sử dụng đó cần phải có sự thỏa thuận thống nhất với chủ sở hữu tác giả trước về việc sử dụng tác phẩm, cũng như những khoản tiền nhuận bút, khoản thù lao phải trả cho chủ sở hữu của quyền tác giả.

Vấn đề thứ hai, trong trường hợp việc sử dụng này không nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, trong trường hợp này nếu các bên thỏa thuận được thì việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu thì tốt. Nhưng nếu không thỏa thuận được thì nên áp dụng theo quy định của Chính phủ và Chính phủ cần có những quy định cụ thể về vấn đề này. Trong dự thảo cần phân rõ hai trường hợp như vậy, vì mục đích thương mại và không vì mục đích thương mại

Vấn đề thứ ba, về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Điều 119, tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc thêm vấn đề này, nên giữ thời gian như luật hiện hành, chỉ kéo thêm thời gian trong các trường hợp thực sự cần thiết như là có yếu tố nước ngoài, hoặc sáng chế thuộc công nghệ cao thì có thể kéo đến 18 tháng. Bởi vì quy định như trong dự thảo là bước thụt lùi trong vấn đề cải cách hành chính, kéo dài thời gian nhiều hơn so với luật hiện hành không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của chủ sở hữu khi mong muốn sớm được đưa bảo hộ những phát minh, sáng chế của mình được sớm đưa vào ứng dụng ở trong thực tiễn. Cơ quan quản lý, liên quan đến vấn đề này thì cho rằng do công việc quá tải nên việc kéo dài thêm thời gian là cần thiết. Theo tôi để khắc phục được vấn đề này trong luật cũng cần quy định thêm việc phân cấp cho địa phương có đủ năng lực để được chia sẻ trách nhiệm với Trung ương về vấn đề này. Đồng thời tạo điều kiện để xã hội hóa chức năng giám định sở hữu trí tuệ, giải quyết được hai vấn đề này tôi nghĩ sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực xử lý đơn sở hữu trí tuệ ở Trung ương như hiện nay.

Vấn đề thứ tư, về vai trò quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Như đã đề cập ở phần trên để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, tôi tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật là không nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, hoạt động giám định sở hữu trí tuệ. Cần khẳng định vấn đề này vào trong luật là cơ quan Nhà nước không làm chức năng giám định sở hữu trí tuệ và từng bước tạo điều kiện xã hội hóa hoạt động này, tiến tới thành lập tổ chức sự nghiệp độc lập để thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó cũng liên quan đến vấn đề về quản lý Nhà nước, tôi thống nhất với ý kiến đại biểu Nguyễn Trung Nhân ở Cần Thơ đó là trong quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả liên quan thì trước đây chúng ta có giao cho Bộ Văn hóa, thông tin, trong báo cáo quyền bảo hộ tác giả về chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu quy định tại Điểm m, của Khoản 1, Điều 14. Tôi nhận thấy là hiện nay chức năng của Bộ Văn hóa, thông tin sau khi được chia tách và hợp nhất thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đã có sự thay đổi về chức năng quản lý. Nếu chúng ta cứ tiếp tục để cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước về chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu tôi e là không phù hợp. Bởi vì đâ là chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm vấn đề này để chỉnh sửa cho phù hợp và chuyển chức năng bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu về Bộ Thông tin và Truyền thông cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Thứ năm, về các hình thức xử phạt hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 4, tôi thống nhất theo phương án 1, tức là Chính phủ áp dụng hình thức phạt theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là phù hợp đảm báo tính thống nhất chung trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên cũng cần chỉnh sửa lại thẩm quyền áp dụng mức phạt mở rộng thêm thẩm quyền cho địa phương để tạo sự chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương. Nếu quy định như hiện nay chỉ giao cho Chánh thanh tra chuyên ngành cấp bộ mới có thẩm quyền phạt luật khung tức là mức phạt trên 500 triệu thì sẽ dẫn đến hai tình huống xảy ra hoặc là vụ việc dồn về Trung ương quá tải hoặc là địa phương cố tình xử phạt dưới mức này, thấp hơn mức thực tế để phù hợp với thẩm quyền của mình. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan