Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:45 05-06-2009

Được sự ủy nhiệm của lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội luật gia Việt Nam, tôi xin phát biểu một số ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Chúng tôi xin tập trung phát biểu Điều 154 của dự thảo luật này và thái độ của chúng tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt chúng tôi phấn khởi thấy ý kiến phát biểu trước tôi, Giáo sư Đặng Vũ Minh, cũng thể hiện sự nhất trí như Tờ trình của Chính phủ. Tôi xin nói rõ thêm 3 điểm như sau:

Tôi cho rằng Tờ trình của Chính phủ đạt được 3 mục tiêu, một là bảo vệ được sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Hai là phù hợp với các thông lệ quốc tế về sở hữu trí tuệ mà mình tham gia. Thứ ba là phù hợp với sự phát triển thực tiễn hiện nay ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tôi xin nói cụ thể, rõ thêm những vấn đề này như sau.

Tài sản sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nhưng có tầm quan trọng đặc biệt, theo một số tài liệu của Mỹ, đánh giá thương hiệu của Coca-Cola là 67 tỷ đôla, của Microsoft đến 56,926 tỷ đôla, các thương hiệu nổi tiếng Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, như thuốc lá Vinataba đã đăng ký bởi các chủ thể tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong trường hợp muốn sử dụng thì phải mua lại với giá rất cao hoặc chi phí cho việc kiện tụng để đòi lại thương hiệu cũng hết sức tốn kém. Vì thế cho nên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với các quốc gia muốn tham gia sinh hoạt thương mại quốc tế.

Sở hữu trí tuệ là một thước đo đánh giá mức độ phát triển của mỗi quốc gia, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển với nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Một hành lang pháp lý an toàn cho sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả lao động sáng tạo, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo hộ lợi ích quốc gia. Mục tiêu điều chỉnh của Điều 154 là bảo đảm có một đội ngũ cán bộ, tổ chức đủ năng lực pháp luật và năng lực chuyên môn để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ. Đó là dịch vụ đại diện tức là thay mặt hoạt động vì quyền lợi của các tổ chức cá nhân khác thực hiện các thủ tục trước các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy các tổ chức này phải có tư cách pháp lý độc lập nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, để đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp luật trong quan hệ dân sự với bên được đại diện và trong quan hệ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy cần thiết phải bổ sung quy định làm rõ chỉ có những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, chi nhánh văn phòng đại diện và đơn vị phụ thuộc các tổ chức khác không có tư cách pháp lý độc lập thì chỉ được hoạt động với danh nghĩa của các tổ chức mà mình phụ thuộc, quy định năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý độc lập là rất cần thiết và quan trọng, vì vậy cho nên chúng tôi tán thành với quy định như trên, đấy là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, chúng tôi cho rằng quy định này nó không trái với những điều ước quốc tế mà mình tham gia, đặc biệt là việc ta ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ và việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới. Tại biểu cam kết về dịch vụ tham gia tổ chức Thương mại thế giới thì đã quy định rõ dịch vụ giấy tờ pháp lý công chứng liên quan đến pháp luật Việt Nam và phải được tuân thủ một cách chặt chẽ. Tại Mục 2, Nghị quyết 71 của Quốc hội khi phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập các tổ chức Thương mại thế giới có ghi rõ: Chi nhánh công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam. Dịch vụ giấy tờ mà về pháp lý theo giải thích WTO là việc chuẩn bị tư vấn và các thủ tục cần thiết cho việc soạn thảo các tài liệu pháp lý đó, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp cũng nằm trong dịch vụ này. Như vậy có thể thấy rõ rằng Điều 154 sửa đổi bổ sung không trái với cam kết mà Việt Nam đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới.

Thứ ba, tôi cho rằng điều sửa đổi này nó phản ánh được thực trạng đại diện sở hữu công nghiệp ở nước ta và nó cũng phù hợp với việc thực hiện điều này ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay số lượng đơn sáng chế nước ngoài nộp vào Cục sở hữu trí tuệ chiếm hơn 90% tổng số lượng đơn sáng chế, nếu cho phép chi nhánh hay Văn phòng đại diện Công ty nước ngoài được thực hiện việc đại diện nộp đơn, thì toàn bộ số đơn này sẽ thuộc về nước ngoài. Hiện nay số lượng tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cung cấp mới hơn 100 đơn vị, trong số này chỉ có khoảng 50% có công việc sở hữu trí tuệ.

Về số lượng đại diện sở hữu trí tuệ là ít, trong khi đó thì chất lượng còn rất nhiều mặt hạn chế. Để có tương quan so sánh về quy định đại diện sở hữu trí tuệ thì Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tiến hành thăm do ở một số quốc gia trên thế giới xoay quanh nội dung Điều 154, chúng tôi có nêu lên 2 câu hỏi. Một là Công ty luật nước ngoài và Văn phòng luật sư nước ngoài có quyền đại diện cho các khách hàng trong và ngoài nước nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trực tiếp lên cơ quan sở hữu trí tuệ của nước sở tại hay không? Thứ hai là chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện Công ty nước ngoài hoặc Văn phòng nước ngoài đã có quyền đại diện cho các khách hàng trong nước nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trực tiếp lên cơ quan sở hữu trí tuệ của nước sở tại hay không thì kết quả điều tra tại các nước cho thấy Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Nauy, Canada, Malaixia, Trung Quốc, Indonesia, Anh, Hà Lan, New Zealand, Bỉ, Úc và kể cả các nước xung quanh ta như Lào hoặc Campuchia đều thấy rằng họ không cho phép làm việc đó, các Công ty luật nước ngoài cũng như Văn phòng luật sư nước ngoài không được phép đại diện cho khách hàng nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trực tiếp lên cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia sở tại. Đương nhiên cũng có một vài trường hợp họ cho làm, nhưng với những điều kiện hết sức khắt khe, các nước đã bảo hộ đại diện sở hữu trí tuệ của họ, Việt Nam cũng đang phát triển cho nên chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không thể mở rộng quá, nếu chúng ta không bảo hộ, trước hết phải bảo hộ lợi ích quốc gia mà nó không trái với các thông lệ quốc tế. Chính vì vậy cho nên xin báo cáo với Quốc hội là lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội luật gia Việt Nam hoàn toàn đồng tình và ủng hộ Điều 154 như dự thảo của Chính phủ. Xin hết.

 

Nguyễn Trung Nhân  - TP Cần Thơ

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo luật đã trình. Đặc biệt tôi nhất trí với các ý kiến của đại biểu phát biểu trước tôi là chị Phương Anh, anh Đăng Vang và Đặng Vũ Minh đề cập đến vấn đề liên quan đến Điều 19 về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đối với đơn sáng chế từ 12 tháng thành 18 tháng, đối với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp từ 6 tháng thành 18 tháng.

Tại Điều 154, về điều kiện kinh doanh dịch vụ và đại diện sở hữu công nghiệp thì quy định theo dự thảo luật sửa đổi và bổ sung thì đại diện phải có tư cách pháp lý độc lập, tôi nhất trí với ý kiến này.

Tại Điều 201, quy định về vai trò của cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định thì thống nhất chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên cần tận dụng hệ thống các cơ quan, sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành hiện nay ở các địa phương để chúng ta triển khai dịch vụ này, sau đó mở rộng thêm với các đơn vị đủ điều kiện, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này thì phải có đủ điều kiện kinh doanh, tránh lợi dụng trong thực tế.

Tại Điều 214, tôi ủng hộ phương án 2 bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ở mức trên 500 triệu đồng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chánh thanh tra chuyên ngành cấp Bộ.

Ngoài ra tôi cũng nhất trí với ý kiến của đại biểu Đặng Vũ Minh liên quan đến quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi kỳ này không bổ sung thêm, đó là quy định về bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết. Điều này cũng cần nghiên cứu lại.

Thứ hai, không cho phép đăng ký tác giả là một phân nhân. Đây là một vấn đề liên quan đến việc bảo hộ kỹ thuật phần mềm và nội dung số, trong thực tế vấn đề này rất khó khăn, cho nên cần xem xét, chỉnh sửa. Ngoài ra, tôi xin bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến sửa đổi kỳ này.

Thứ nhất, liên quan đến Điều 8. Trong điều hành thực tế ở địa phương, chúng ta thấy rằng hiện nay mặc dù Luật sở hữu trí tuệ đã ra đời từ năm 2005, nhưng việc triển khai để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như nhân dân để hiểu luật này phải nói còn hạn chế. Cho nên cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về luật này trong xã hội. Cho nên tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 5, Điều 8 về chính sách của Nhà nước đối với sở hữu trí tuệ về nội dung phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

Tôi cũng đề nghị xem xét lại Điều 11, liên quan đến phân công về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Tôi không thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc không đưa Bộ Thông tin và Truyền thông vào danh mục các đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Bởi vì theo Quyết định 1000, sau đó có Nghị định 185 và 187 quy định trách nhiệm rất rõ ràng giữa Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ thông tin và truyền thông. Chúng ta được biết Bộ văn hóa thông tin đã tách ra hai chức năng rõ ràng sang hai bộ là Bộ văn hóa, thể thao du lịch và Bộ thông tin truyền thông, cho nên cần phải quy định lại cho cụ thể hơn ở điều này để giao trách nhiệm thì phải có quyền hạn chứ nếu không sau này chúng ta sẽ tranh chấp việc xử lý trong thực tế. Tại Điều 14, Khoản m quy định về "chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu ", coi như là một tác phẩm, tôi nghĩ là đúng nhưng thực sự chưa đủ. Vì một chương trình máy tính hiện nay nó không đại diện cho tất cả các sản phẩm phần mềm hiện tại vì phần mềm gồm phần mềm trong máy tính, phần mềm trong điện thoại, trong các sản phẩm điều khiển, rất nhiều, cả trong rô bốt hay trong máy bay ... rất nhiều thứ, phần mềm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ máy tính không. Cho nên cần phải mở rộng nội dung này bằng cách thay cụm từ "phần mềm máy tính bằng phần mềm thôi", trong phần mềm có phần mềm máy tính.

Nội dung tiếp theo là sưu tập dữ liệu, tôi nghĩ rằng nên thay đổi cụm từ "sưu tập dữ liệu bằng dữ liệu số hoặc nội dung số", bởi vì không bao gồm sưu tập không mà phát triển được dữ liệu số nữa, ví dụ như phát triển các dữ liệu số trên các phần mềm GMS chẳng hạn và là một sản phẩm khác, tôi nghĩ nên thay đổi. Liên quan đến Điều 14, giáo sư Đặng Vũ Minh đã có ý kiến rồi, nói về phần mềm chúng ta đưa vào là một sản phẩm máy tính như tác phẩm viết, tôi nghĩ điều này cần quy định cụ thể lại và nội dung này nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo và tách ra một điều riêng, quy định về sản phẩm phầm mềm và dữ liệu số để chúng ta điều chỉnh rộng hơn, góp phần trong việc thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin của nước ta phát triển.

Các văn bản liên quan