Trích ý kiến của đại biểu Hứa Chu Khem – Sóc Trăng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:48 05-06-2009

Trước nhất tham gia ở Điều 214, về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục thì theo như dự thảo đã nêu lần này, các điều khoản và vấn đề nêu lên tương đối phù hợp. Trong thực tế xử phạt vi phạm hành chính thì đã được sửa đổi nâng mức phạt lên đến 500 triệu. Tuy nhiên ở đây có những trường hợp mà trong Điều 214 nêu thêm vấn đề tịch thu hàng hóa và buộc tiêu hủy. Trong góc độ sở hữu trí tuệ quản lý về hàng giả, hàng gian, hàng nhái kiểu dáng v.v... thì ta thấy có loại sản phẩm khi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ bình thường không có vấn đề gì, nhưng khi cho lưu hành hoặc hoạt động thì rất nguy hiểm, có thể gây chết người hàng loạt. Chúng ta phải xem xét những trường hợp cần thiết phải tịch thu, buộc tiêu hủy. Trong mức xử phạt hành chính thì có mở rộng thêm Khoản 4 của dự thảo này tôi thấy hoàn toàn hợp lý, bởi vì có những quy định phạt đến 500 triệu thì chưa đủ sức răn đe. Bây giờ có những loại hàng hóa có thể có giá trị hơn nhiều. Nếu xử phạt theo mức độ bằng giá trị hàng hóa hoặc không quá 5 lần thì sẽ có khả năng cho các đơn vị quản lý, đơn vị xử phạt có thẩm quyền rộng hơn để xử lý cho nghiêm và răn đe về mặt pháp luật hiệu quả hơn. Chúng tôi nghĩ Điều 214 Khoản 4 theo dự thảo này nêu thẩm quyền rộng như vậy là hợp lý.

Thứ hai, về thời gian xử lý đơn, nộp đơn, thời gian này không phải chúng ta muốn kéo dài như Ban soạn thảo nêu và các ngành đã đưa ra. Thời gian nộp đơn để được chấp nhận về mặt pháp lý là ngày mà người chủ sở hữu muốn bảo hộ nộp đơn. Ở các nước thẩm định không quy định thời gian, ở đây chúng ta có quy định thời gian để đảm bảo chặt chẽ, tránh sơ suất mà sau này lỡ chúng ta làm hớ cái gì thì không hay. Cho nên người nộp đơn còn phải chờ thẩm định đơn và các thủ tục, nếu thiếu thì phải bổ sung. Sau khi thẩm định thấy không hợp lý, giải pháp mình đưa ra hay sáng chế mình đưa ra nó không rõ ràng, thuyết phục và không chứng mình được thì cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ không chấp nhận đơn đó. Như vậy thời gian thụ lý và xử lý thẩm định đơn là điều kiện cần thiết phải đưa ra, còn thời gian để được quyền bảo hộ là ngày chúng ta nộp đơn, ngày này trên thế giới hiện nay các nước có nơi áp dụng 12 tháng, 18 tháng đối với sáng chế. Nhưng đối với Việt Nam khi chúng ta đã tham gia vào WIPO - Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới thì những thỏa ước của chúng ta đã chấp thuận, chúng ta cũng phải đi theo cái chúng ta đã cam kết. Nếu một giải pháp hay chủ sở hữu đề nghị bây giờ chúng ta cấp sớm quá, theo như nhiều đại biểu nói là bây giờ chỉ làm 3 tháng thôi, 5 tháng cấp thôi, có thể chúng ta vẫn làm được điều đó, không phái khó, không phải cơ quan Nhà nước không tăng cường thêm lực lượng, điều kiện để làm nhanh việc này, cải cách thủ tục hành chính đơn giản. Nhung chúng ta nên nhớ rằng như nhiều đại biểu phát biểu là việc chúng ta cấp như thế này có hiệu quả và hiệu quả chắc chắn hay không, bởi vì mình chấp thuận là mình cấp 6 tháng một giải pháp sáng chế, trong khi ở Pháp tới 12 tháng. Ví dụ trong cùng một thời điểm mình nộp đơn thì sau người nộp đơn ở Pháp có 1 ngày thôi, bây giờ gần hết năm, gần 12 tháng Pháp mới gửi hồ sơ đó qua cho Việt Nam, trong khi đó chúng ta cấp rồi, chúng tôi cấp rồi nhưng bây giờ ở Pháp nói là tôi nhận đơn này trước anh, trước người Việt Nam nộp cho anh, như vậy theo thỏa thuận thì chúng ta phải hủy bỏ mà hủy bỏ như vậy thì không hay. Cho nên chúng ta phải đảm bào thời gian hợp lý, những điều đưa ra trong này đều là những thời gian cứng mà chúng ta không thể có cách nào khác, đó là những điều chúng ta đã thỏa thuận với WIPO, tức là Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Cho nên ở điểm này xin thống nhất với thời gian xử lý nộp đơn theo sở hữu công nghiệp.

Vấn đề tiếp theo tôi xin phát biểu về điều kiện kinh doanh đại diện sở hữu công nghiệp. Tôi hoàn toàn thống nhất Điều 154 và như nhiều đại biểu phát biểu, nếu chúng ta chỉ chấp nhận những chi nhánh không có đăng ký hoạt động độc lập và pháp luật Việt Nam quy định thì nó sẽ rộ lên không biết bao nhiêu đơn vị họ đăng ký dạng chi nhánh, những cái đó công ty mẹ nó ở nước ngoài, các hoạt động này vô cùng phức tạp và lúc đó chúng ta muốn giải quyết hậu quả của nó thì chúng ta phải giải quyết như thế nào khi mà công ty mẹ ở nước ngoài và họ chỉ mở chi nhánh ở Việt Nam. Cho nên chúng tôi đề nghị phải hoạt động độc lập ở Việt Nam có theo pháp luật Việt Nam quy định và mới được tham gia, còn chi nhánh thì chi nhánh của đơn vị đã được mở pháp nhân ở tại Việt Nam. Điều 154 theo thiết kế này chúng tôi thấy chặt chẽ và hợp lý.

Vấn đề giám định sở hữu trí tuệ, tôi thấy thiết kế như Điều 201 hoàn toàn hợp lý, tôi cho rằng cái đó chúng ta làm như thế thì tách rời quản lý nhà nước đối với giám định này mà phải cho một tổ chức có pháp nhân đăng ký vào làm.

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, ở đây có nhiều đại biểu đã phát biểu xung quanh về thời gian chúng ta nâng lên 75 năm đối với những tác phẩm. Ở đây chỉ nói đến sở hữu trí tuệ tức là tác phẩm điện ảnh, băng ghi hình, phim ảnh, kịch bản v.v... cái này khi mà chúng ta thỏa thuận với quốc tế vào WIPO thì người ta không đòi hỏi mình là phải nâng lên 75 năm nhưng khi mà chúng ta ký Hiệp ước với Hoa kỳ thì chúng ta đã chấp thuận thời gian 75 năm đối với những loại tác phẩm trí tuệ này. Như vậy, bây giờ tôi giả sử chúng ta áp dụng theo kiểu phân đôi thì đối với Mỹ ta áp dụng 75 năm, đối với các nước ta áp dụng 50 năm và 25 năm thì có được hay không? WIPO tức là tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã nói và WTO đã nói những việc mà anh đối xử với quốc gia này ở đất nước anh thì anh cũng phải đối xử với quốc gia khác như vậy thì ta mới chấp nhận điều tiên quyết nhất của Tổ chức Thương mại thế giới rồi, cho nên từ chỗ đó chúng ta điều chỉnh nâng lên 75 năm. Không lẽ bây giờ chúng ta chỉ áp dụng cho Mỹ 75 năm và các nước khác chúng ta lại áp dụng khác, cho nên Tổ chức Thương mại thế giới nó có điều tiên quyết là như vậy thì chúng tôi thống nhất theo phương án đã đề xuất.

Các văn bản liên quan