Trích ý kiến của Đại biểu Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh về dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:47 26-05-2009

Qua nghiên cứu luật này tôi thấy có điểm khó trong luật này đó là chúng ta phải giải quyết mối quan hệ tay ba giữa một bên là công dân, một bên là Nhà nước và bên thứ ba là người thi hành công vụ. Nếu tóm tắt lại nội dung, chủ chốt của luật này là gì, tức là khi có một hành vi trái pháp luật xảy ra gây thiệt hại cho người công dân thì Nhà nước phải bồi thường, còn người thi hành công vụ có lỗi hay không có lỗi lại là quan hệ giữa Nhà nước và người thi hành công vụ. Nếu người thi hành công vụ có lỗi, gặp được lỗi cố ý thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước trở lại, tức là hoàn trả trở lại hoặc không có lỗi thì không phải hoàn trả, nhưng dù cho người thi hành công vụ có lỗi hay không có lỗi thì Nhà nước vẫn phải bồi thường cho công dân. Nếu ta nói được điều này thì ta giải quyết được nhiều vấn đề khác còn nếu không chúng ta sẽ rất lúng túng. Ví dụ như ở Điều 4, 5, 6 chúng ta nói rằng dựa vào một cơ sở là phải có một văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định lỗi. Đặt trường hợp nếu ông không có lỗi thì ai sẽ được lỗi, thứ hai nếu như cơ quan có thẩm quyền không ra văn bản xác định lỗi mà thời hiệu đã hết thì chẳng lẽ người công dân này không bao giờ được bồi thường hay sao? Tương tự như trường hợp giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói, tức là vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự, không có cơ quan chức năng nào chịu ra văn bản xác định ông nào bị oan bị sai cả, mà thời hiệu thì đã hết lâu rồi, ông ta cứ như thế, không ai xác định gì cả, như vậy căn cứ pháp luật không cơ quan nào chịu bồi thường. Điều này chúng ta cũng phải lưu ý.
Theo tôi chỗ này ví dụ như là có những trường hợp mà công chức hoặc là người chấp hành công vụ thì họ áp dụng một văn bản pháp luật sai từ trên, cho nên họ không có lỗi đâu, văn bản đó sai, thì trường hợp này không ai chịu xác nhận ông này có lỗi cả, thì lại không được bồi thường. Tôi ví dụ một vụ mới đây nhất như Hà Nội vừa rồi cấm xe thô sơ chở gà vịt, gia súc, gia cầm. Nếu bây giờ áp dụng văn bản đấy thì ông quản lý thị trường sẽ thổi còi ông chở gà vịt để xử phạt hành chính xong xuôi hết rồi. 3 hôm sau ra một văn bản là bảo văn bản đấy sai, rút lại, sửa lại thế thiệt hại đã xảy ra người ta bị thu giữ, bị xử phạt như thế thì không được bồi thường hay sao? Cho nên ở đây tôi thấy rằng là có những điều do trình độ, năng lực hạn chế do hiểu lầm v v...mà không phải là lỗi nhưng mà có gây thiệt hại cho công dân, mà người đấy là người của nhà nước thì về nguyên tắc của Bộ luật dân sự thì nhà nước phải bồi thường cả trong những trường hợp đấy.
Thế còn trường hợp ở Điều 3 quy định là trường hợp bất khả kháng thì không bồi thường. Vấn đề này trước cũng có người nói, tôi có một ví dụ anh công an trong trường hợp xử lý buộc phải nổ súng đối tượng trộm cướp, nhưng chẳng may đạn lạc vào một công dân khác thì người này không có tội, rõ ràng gây thương tích về nguyên tắc phải bồi thường, tuy nhiên không phải tất cả đều có thể dùng ngân sách Nhà nước mà theo tôi trong một số trường hợp, một số ngành nghề có độ rủi ro cao thì tôi đề nghị có thể mua bảo hiểm nghề nghiệp để vào những trường hợp rủi ro bất khả kháng như vậy chứ không thể nói rằng không bồi thường trong trường hợp này dù là bất khả kháng hay là cấp thiết.
Về nghĩa vụ của người thi hành công vụ phải hoàn trả một phần thì về cơ bản tôi nhất trí nếu người thi hành công vụ có lỗi thì phải hoàn trả, tuy nhiên điều này ta có quy định trình tự thủ tục tương đối nó rõ ràng và thực sự là điều quan tâm đầu tiên của tôi là cái thu nhập của công chức này là yếu tố quyết định việc người ta phải bồi thường có khả năng bồi thường bao nhiêu. Vì thường thiệt hại xảy ra khá lớn so với thu nhập của công chức và nguyên tắc người làm thuê thì gần như chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về những hành vi của mình trên cơ sở thu nhập. Chứ không nếu chúng ta quy định một cách quá ngặt nghèo thì nhiều người sẽ chùn tay, công an sẽ không dám bắt tội phạm, Viện kiểm sát không dám phê chuẩn, cứ chờ cho thật sự là chín muồi, thật sự không còn cái gì nữa thì mới dám phê chuẩn thì trường hợp này nó sẽ làm cho giảm hiệu lực của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của chúng ta.
Điều 13, chúng ta quy định 11 trường hợp, 11 việc hành chính mà Nhà nước phải bồi thường, chúng ta phải qua Điều 12 là các trường hợp khác theo quy định của pháp luật, thì thực sự đây là luật quy định theo pháp luật thì pháp luật nào nữa? Chẳng thà ta quy định theo hướng dẫn của Chính phủ hay theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay theo hướng dẫn của Chánh án tòa án tối cao v.v... ta liệt kê ra, còn nếu không thì tôi nghĩ thật ra về nguyên tắc và cử tri chúng ta đều mong muốn rằng bất cứ sự việc hành chính nào nếu có lỗi cơ quan Nhà nước và gây thiệt hại cho công dân thì phải phát sinh ra nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên cũng nhiều người nói có thể chúng ta không thể theo kịp việc này, ngân sách Nhà nước không đủ bù, thời gian cũng không đủ làm, việc này cũng có thể là một hạn chế có thể chấp nhận được nhưng về lâu dài theo tôi quy định như người Nhật, vừa rồi tôi có dự hội thảo quy định trường hợp nào cũng được hết, bất cứ một việc gì của Nhà nước dù là hành chính hay tư pháp hay bất cứ gì đó mà gây thiệt hại cho công dân thì lập tức công dân khởi kiện Nhà nước, thậm chí không cần biết người nào gây ra. Nhà nước phải tự tìm ra ông công chức nào mặc quân phục, trang phục như thế làm việc đó sai, chứ cũng không phải việc của công dân. Thứ nữa là các loại thiệt hại được bồi thường ở đây, trong văn bản ghi cũng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên tôi thấy còn thiếu, có hai vấn đề thắc mắc.
Một là chi phí để người dân đi thưa kiện, đi thu thập chứng cứ là không thấy có quy định trong bồi thường này. Có nhiều trường hợp sau khi kiện được cơ quan tòa án để bồi thường thì mất 1/3 số tiền đấy để thuê luật sư chưa kể tiền đi lại không ai bù vào đấy cho, cho nên nhiều trường hợp người ta bỏ cuộc, bỏ cuộc vì không đủ tiền để thu thập chứng cứ và thuê luật sư ra tòa. Nếu chúng ta biết rằng chi phí này là hợp pháp, là được phép thì văn phòng luật sư phải ký hợp đồng và sau này khi được bồi thường rồi thì lấy chi phí này để bù lại chứ nếu không thì không ai giám đi thu thập chứng cứ, có những vụ việc 10 năm, 20 năm tốn kém.
Thứ hai, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, cũng như một số đại biểu nói tính theo ngày lương tối thiểu một ngày, hai ngày, ba ngày thì tôi đề xuất thế này: Thứ nhất là chúng ta phải quy định ngày lương tối thiểu ở khối nào, nhưng điều đó vẫn chưa quan trọng bằng việc thực sự mỗi người khác nhau thì có thiệt hại tinh thần khác nhau. Ví dụ một ông chủ doanh nghiệp thu nhập hàng ngày của ông là hàng triệu đồng thì phải bồi thường khác với một người lao động bình thường có thu nhập hàng ngày là 30.000 đ, vì khi ta bị oan sai như thế thì tổn thất về tinh thần của hai người này khác nhau chứ không phải giống nhau. Điều 26, 27 khi tổng hợp hình phạt lại nó thấp hơn. Tôi ví dụ như một người quy định phạt 3 năm tù, nhưng mới ở 1 năm tù rồi hình phạt đó oan sai, nhưng có tội khác thì 1 năm tù không phải bồi thường. Nhưng tôi đề nghị loại trừ trường hợp án tử hình và một số tội danh về tham nhũng, hiếp dâm v.v... thì cho dù chưa ở tù bao nhiêu nhưng khi bị tuyên tội đó có thì thiệt hại tinh thần đã xảy ra. Đề nghị Quốc hội xem xét cho một số trường hợp đặc biệt này, đó là những tội mà thiệt hại tinh thần xảy ra khi nói là không có. Ông ta vướng 2 tội, tội ăn trộm và tội giết người chẳng hạn thì án tử hình ở tù rất khắc nghiệt và tâm lý cũng rất nặng nề so với tội ăn trộm bình thường.

Các văn bản liên quan