Trích ý kiến của Đại biểu Phạm Quý Tỵ – Bình Dương về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:55 26-05-2009

Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ự thảo Luật bồi thường của Nhà nước tôi xin tham gia 3 ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi xin tham gia vào Điều 4, Điều 5. Trong phạm vi điều chỉnh thì trong Dự thảo luật này chúng ta điều chỉnh 3 nhóm là quản lý hành chính, tố tụng hình sự, dân sự và hành chính, thi hành án. Nhưng trong Điều 4, Điều 5 về quyền yêu cầu bồi thường và Điều 5 là thời hiệu yêu cầu bồi thường thì trong này tôi thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉ đặt vấn đề với hai đối tượng là đối với hình sự và hành chính, không thấy quy định về quyền yêu cầu bồi thường cũng như thời hiệu yêu cầu bồi thường của quản lý hành chính và dân sự. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại chỗ này. Nếu như nó không phải là đặc thù thì theo tôi chúng ta cũng cần phải quy định quyền yêu cầu bồi thường và thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với cả những trường hợp về quản lý hành chính, dân sự và thi hành án.

Ý kiến thứ hai, tôi xin tham gia vào Điều 13, tức là phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Liên quan tới Điều 13 tôi xin trở lại bản tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại trang 4, tức là Mục 4 trách nhiệm bồi thường hoạt động trong quản lý hành chính. Trước hết, tôi đồng ý với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trong dự án luật này nên liệt kê những trường hợp phải bồi thường. Đồng ý thứ hai là có Khoản 12 quy định các trường hợp bồi thường khác do pháp luật quy định. Tôi thấy Khoản 12 không phải là một khoản quét như những trường hợp chúng ta làm luật khác. Những trường hợp làm luật khác chúng ta có điều quét quy định những hành vi mà chúng ta chưa tính đến, chưa tính hết thì chúng ta mới dùng điều quét. Còn bây giờ kỹ thuật làm luật, Quốc hội thời gian gần đây không dùng cái này nữa rồi. Tuy nhiên ở đây có cái khác, tôi hiểu điều này không phải là điều quét, mà ở đây chúng ta quy định cho một phạm vi là khi có một dự án luật nào sau khi luật này được ban hành mà Quốc hội ban hành một dự án luật nào đó có quy định về bồi thường, thì sẽ được áp dụng theo luật này và nếu với tinh thần đó thì tôi đồng ý là có Khoản 12.

Tuy nhiên, tôi lại thấy có vấn đề đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, nếu theo tinh thần như tiếp thu ở đây trong trang 4 nói rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo luật theo hướng liệt kê các trường hợp có tính phổ biến dễ xảy ra để quy định vào đây. Nếu nói như vậy thì có thể 11 trường hợp vừa nêu trong dự án luật phổ biến và dễ xảy ra. Theo tôi, nếu đã có quy định ở Khoản 12 thì không nên quy định theo tinh thần liệt kê những trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra mà phải quy định theo những quy định mà pháp luật đã quy định. Hiện nay theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chúng ta có 22 luật có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Như vậy, tôi nghĩ rằng luật này chúng ta phải điều chỉnh hết 22 luật mà Quốc hội thông qua và hiện nay đang có hiệu lực là đang có quy định về bồi thường Nhà nước là phải đủ 22 luật này. Còn có thể chúng ta nhóm vào nhau như thế nào đó để không thành 12 khoản, nhưng tinh thần không phải theo hướng liệt kê các trường hợp có tính phổ biến dễ xảy ra, mà phải liệt kê những trường hợp mà pháp luật đã quy định. Ngoài ra còn những trường hợp nào khác nữa thì chúng ta có thể quy định. Theo tôi Điều 13 nên quy định theo hướng đó.

Ý kiến thứ ba, tôi xin tham gia vào Điều 28. Điều 28 quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính thì Điều 28 tôi chỉ tham gia Khoản 4, tức là giao bản án quyết định trái pháp luật, ở đây tôi rất băn khoăn ở chỗ là khi chúng ta quy định Điều 26 đối với việc xác định bản án hay các quyết định trong tố tụng hình sự thì chúng ta quy định rất cụ thể và có thể nói vừa qua Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định có thể nói rất cụ thể về cơ bản là thi hành tốt, tuy nhiên cũng vẫn sẽ có rất nhiều ý kiến trong quá trình áp dụng. Bây giờ chúng ta quy định về dân sự ở Khoản 4, Điều 28, chúng ta chỉ quy định mỗi một câu là Khoản 4 là ra bản án quyết định trái pháp luật.

Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng Điều 6 của dự thảo luật là chúng ta quy định căn cứ xác định trách nhiệm phải bồi thường, tức là muốn xác định trách nhiệm một bản án, ra bản án quyết định trái pháp luật phải có một bản án hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào Điều 6 của dự thảo luật là xác định trách nhiệm bồi thường, tôi cho khi thực hiện Khoản 4 của Điều 28 ra bản án quyết định trái pháp luật đối với dân sự là rất khó thực hiện. Tôi đề nghị, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể được thì quy định nó cụ thể hơn Khoản 4 của Điều 28 có thể nó tương tự như là quy định của Điều 26 về hình sự, chứ nếu không thì trong thực tế áp dụng nó sẽ rất là khó khăn.

Tôi xin có ba ý kiến như vậy, xin hết, cảm ơn Quốc hội.

 

 

Các văn bản liên quan