Trích ý kiến của Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào – TP Hà Nội về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:55 26-05-2009
Tôi xin có mấy ý kiến nhỏ thế này, thứ nhất tôi hoàn toàn ủng hộ và tán thành với bản thẩm tra cũng như dự thảo luật đã được chỉnh sửa, bởi vì tôi có ba lý do để khẳng định điều này.
Thứ nhất, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng đây là cuộc chơi tay ba giữa Nhà nước, người thi hành công vụ và người bị hại, đây chỉ có hai người thôi đó là Nhà nước và người bị hại, đây là mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Cho nên chúng ta lấy luật dù là nói như đại biểu Trần Du Lịch là tính từ hay danh từ thì đều là Nhà nước bỏ tiền ra bồi thường do người của mình thực hiện sai hoặc vi phạm, chúng ta nói nôm na là "con dại cái mang", đơn giản, dễ hiểu là như vậy. Nếu hàn lâm ra mà nói thì gọi là Luật bồi thường Nhà nước, nhân dân ta hiểu hay không hiểu, với trình độ phát triển như hiện nay Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước tôi cho là hợp lý và rõ. Bởi vì chúng ta ngồi đây thì dễ hiểu, nhưng dân của chúng ta thì hiểu như thế nào. Tôi có ý kiến thứ nhất để khẳng định sự hợp lý của dự thảo luật.
Thứ hai, khi nói đến trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì rất rộng, rộng đến mức chúng ta có thể nói là không đếm xuể được, sự sai trái của những người thực thi công vụ với trách nhiệm thay mặt quyền lực. Nếu chúng ta hạn chế như thế này thì tôi cho là đủ, tôi cũng hay đọc sách nói về mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước, tôi cho rằng rất không tưởng nếu chúng ta tuyệt đối hóa sự bình đẳng giữa công dân và Nhà nước, hoàn toàn là không tưởng. Chúng ta chỉ tiến tới nâng cao trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, chứ còn đi tìm sự bình đẳng tuyệt đối giữa công dân và Nhà nước thì tôi cho là không tưởng, do vậy đây là một sự cố gắng hết sức của chúng ta. Hạn chế phạm vi điều chỉnh tôi cho là phù hợp, bởi vì đền đến bao giờ cho đủ.
Chúng tôi vừa rồi được Quốc hội cho đi Hà Lan nghiên cứu về bồi thường Nhà nước, có những trường hợp người ta bồi thường 1 triệu đôla chỉ vì danh dự và xã hội dân sự có thể tiến tới nâng cao vị thế của công dân trước Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải đi tìm sự bình đẳng tuyệt đối giữa hai chủ thể trong quan hệ dân sự. Cho nên tôi cho rằng nội hàm của luật này như thế là vừa đủ và sau này chúng ta mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh của luật.
Thứ ba, mục đích của luật này rất rõ là chúng ta giảm bới sự oan sai, vì trong lịch sử nhưng sự oan sai, có lúc hàng nghìn người chết do một chính sách, do một đường lối và rồi chúng ta sửa sai. Mục đích của luật này rất đơn giản, tôi hiểu là các vị đại biểu cũng chia sẻ là chúng ta làm giảm bớt sự oan sai và đặc biệt là chúng ta nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ chúng ta. Tôi nói để mà tuyệt đối chấm dứt tình trạng oan sai thì đó là điều không tưởng thứ hai. Với 3 ý kiến này tôi muốn kết luận ý thứ nhất của mình là tôi ủng hộ hoàn toàn dự thảo luật này, còn lại toàn bộ là vấn đề kỹ thuật. Ví dụ bồi thường như thế nào, bồi thường ra sao v.v...
Ý kiến để thảo luận về trách nhiệm quản lý công tác bồi thường Điều 11, tôi ủng hộ phương án là phải có cơ quan quản lý, bởi vì tiền bồi thường Nhà nước không phải lấy từ người thi hành công vụ với mức lương 3 triệu một tháng thì làm sao đủ được, vẫn là tiền Nhà nước mà đã là tiền của Nhà nước thì không thể không quản lý, quản lý thì phải có cơ quan chủ quản. Tôi ủng hộ phương án là Bộ Tư pháp quản lý về mặt Nhà nước về bồi thường, chứ không thể không có trường hợp là có sự mặc cả giữa người bị bồi thường và người được bồi thường, chắc chắn phải có điều đó, chắc chắn sẽ xảy ra điều đó cho nên không thể không quản lý, nói rằng cơ quan nào có người thi hành công vụ sai phải bồi thường thì tôi cho rằng cơ quan đó cũng lấy tiền của Nhà nước, cũng lấy tiền của dân, vậy thì không thể không có cơ quan quản lý.
Cuối cùng là phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì tôi đã nói là rất rộng, nhưng luật này phạm vi như vậy là vừa. Tôi đề nghị Ban soạn thảo ngày càng có thể mở rộng thêm các phạm vi khác. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan