Trích ý kiến của Đại biểu Phạm Lễ Chi – Quảng Ninh về Dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Thứ Ba 13:54 26-05-2009
Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu đã trình bày tại phiên họp hôm nay. Tôi xin tham gia ba ý để bảo đảm tính phù hợp giữa các quy định của Luật khiếu nại, tố cáo với quy định của luật này.
Thứ nhất, cũng cách tiếp cận như đại biểu Vũ Hồng Anh đoàn Hà Nội, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Khoản 3 của Điều 3, Khoản 1, Khoản 2 của Điều 15 cụm từ "người đứng đầu " trước các cụm từ "cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại" và cũng lập luận như đại biểu Hồng Anh đã trình bày ban nãy.
Thứ hai, trong quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, công dân có quyền tố cáo, bên cạnh việc khiếu nại thì có quyền tố cáo những người thi hành công vụ có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của mình hoặc của công dân, cơ quan tổ chức khác. Vì thế cho nên tôi đề nghị bổ sung Khoản 1, Khoản 2 của Điều 15, Khoản 2 của Điều 4, Khoản 3 của Điều 5 thêm hai từ "tố cáo". Có như vậy mới không bị hạn chế quyền tố cáo của công dân khi họ bị xâm hại đến quyền lợi trực tiếp của mình. Bởi vì trong thực tế có trường hợp người ta khiếu nại nhưng không được giải quyết thì người ta lại phải áp dụng hình thức tố cáo những người thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại hoặc tố cáo trực tiếp hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đến những cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác, theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo công dân có quyền khiếu nại, nhưng lại phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền, còn khi người ta thực hiện quyền tố cáo được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo thì luật không quy định bắt buộc người ta phải gửi tố cáo đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết mà có quyền gửi tố cáo đó đến các cơ quan Nhà nước khác. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng nếu bổ sung vào Khoản 2, Điều 4, Khoản 1, Khoản 2 của Điều 15 như thế thì sẽ đầy đủ hơn và bảo đảm được quyền của công dân. Đồng thời nếu quy định bổ sung vào Khoản 3 của Điều 5 thì sẽ không bị hạn chế quyền của người giải quyết tố cáo khi nhận được tố cáo của những công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật, trong trường hợp chính người bị xâm hại quyền lợi của mình không biết mà người khác biết người ta tố cáo. Cũng như vậy sẽ bảo đảm được tinh thần được quy định ở Điều 2 là mọi công dân, cơ quan tổ chức khi có thiệt hại thì đều được bồi thường.
Vấn đề thứ ba, theo quy định về thủ tục giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 68, Điều 73 của Luật Khiếu nại, tố cáo đã sửa đổi và quy định tại Điều 48, 49 của Nghị định 53 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo. Trong thủ tục về giải quyết tố cáo không có khái niệm quyết định giải quyết tố cáo mà chỉ khái niệm kết luận về giải quyết nội dung tố cáo và quyết định xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy tôi đề nghị sửa bổ sung vào Khoản 3, Điều 15 sau cụm từ trong quyết định giải quyết khiếu nại thêm một mệnh đề nữa là quyết định xử lý tố cáo hoặc kết luận về nội dung tố cáo. Như vậy hai loại văn bản quyết định xử lý tố cáo đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hoặc kết luận về nội dung tố cáo do cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã kết luận cũng sẽ trở thành loại văn bản để xác nhận việc được bồi thường đối với người bị xâm hạn đến quyền lợi. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan