Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Phát – Thanh Hoá về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:52 05-06-2009

Về cơ bản, tôi thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng như thẩm tra của Ủy ban pháp luật về những điều và những nội dung liên quan đến yêu cầu sửa đổi của Bộ luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ngoài những nội dung theo gợi ý của Đoàn thư ký thì chúng tôi thấy nội dung liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với sở hữu trí tuệ ở chúng ta là còn nhiều vấn đề cần phải tham gia thêm.

Thứ nhất là hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ta còn rất yếu. Chúng tôi cũng thấy trong luật thì quy định về hệ thống này cũng không rõ ràng. Cho nên, những chính sách của chúng ta tác động vào trong hệ thống là tác động chung chung, nó không cụ thể làm cho động lực phát triển của hệ thống bảo hộ xã hội trí tuệ của chúng ta còn kém. Cho nên, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu để cụ thể hóa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của nước ta.

Thứ hai, năng lực thực tế của các mặt hoạt động như nhân lực, tài chính, thông tin, cơ sở vật chất, chúng tôi thấy không phải từ khi có luật, tức là từ năm 2005 đến nay, mà hoạt động về sở hữu trí tuệ đã thực thi nhiều năm nay và đã được quy định trong các Bộ luật khác, đặc biệt là trong Luật dân sự. Nhưng chúng tôi cũng thấy 4 mặt: nhân lực, tài lực và thông tin, cũng như cơ sở vật chất trong điều kiện thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta cũng không phát triển mạnh được.

Quản lý Nhà nước về lĩnh vực này như các vị đại biểu khác đã phát biểu, chúng tôi thấy cũng còn rất nhiều mặt hạn chế. Chính quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hạn chế làm cho đối tượng nghiên cứu, sáng tạo, thực thi, tham gia đăng ký sở hữu trí tuệ cũng giảm. Thứ hai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tượng đã được đăng ký cũng không được thực thi một cách nghiêm túc. Vì thế cho nên chúng tôi thấy cần phải có những biện pháp, những chính sách làm sao cho cụ thể và mạch lạc thì chúng ta mới có thể thực thi được quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta tốt hơn.

Trong dự thảo Ban soạn thảo có đề nghị bổ sung thêm một nội dung liên quan đến chính sách của Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống về bảo hộ cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tôi cho rằng bổ sung này rất thỏa đáng, nhưng nó vẫn ở khái niệm chung chung. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất vào trong luật hay quy định trong luật rằng hỗ trợ hay chính sách đầu tư của Nhà nước cần cụ thể hơn vào lĩnh vực nào, vào lĩnh vực thông tin hay vào phát triển nguồn lực, hay đặc biệt là phát triển việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn triển khai pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hiện nay chúng ta thấy người thực thi cũng không hiểu biết, hai là kiến thức về sở hữu trí tuệ của nhân dân rất thấp. Cho nên vi phạm như Báo cáo của Chính phủ trong việc đánh giá vi phạm trong những năm qua cũng không tránh khỏi. Chúng tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Đấy là ý thứ nhất tôi đề nghị như vậy.

Vấn đề thứ hai, về thời hạn bảo hộ quyền tác giả cũng như thời hạn xử lý đăng ký sở hữu công nghiệp, tôi tán thành với những giải trình cũng như kiến nghị đề xuất của cơ quan soạn thảo trong luật. Bởi vì chúng ta giải thích, làm sáng tỏ vấn đề này như thế nào chăng nữa thì trong việc chúng ta thực hiện pháp luật cũng phải thực hiện hai việc.

Thứ nhất là những cam kết với điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập trong quy định của pháp luật chúng ta, chúng ta phải thực thi cho tốt.

Thứ hai là những vấn đề liên quan đến quy định của chúng ta, chúng tôi thấy quy định như thời hạn bảo hộ quyền tác giả và thời hạn để xử lý đăng ký sở hữu công nghiệp của chúng ta như luật hiện hành cũng đang có những khó khăn. Cho nên đề xuất của cơ quan soạn thảo tăng thời hạn xử lý đơn và đăng ký sở hữu công nghiệp lên 1,5 lần so với trước đây, thứ hai là bảo hộ quyền tác giả, thay đổi từ 50 năm lên 75 năm đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu cũng như mỹ thuật ứng dụng chúng tôi tán thành. Vì chúng ta đã ký với Mỹ Hiệp định BTA, hai nữa chúng ta cũng biết khi ký Hiệp định BTA thì chúng ta phải thực hiện với 151 nước, số nước còn lại là rất ít cho nên chúng tôi tán thành vấn đề này.

Vấn đề thứ ba là vấn đề liên quan đến việc các tổ chức tham gia giám định về sở hữu trí tuệ, tôi cho rằng chúng ta không nên băn khoăn nhiều về việc có nên giao cho các tổ chức sự nghiệp hoặc các tổ chức xã hội thành lập nên các tổ chức để thực hiện sở hữu trí tuệ hay không. Chúng tôi cho rằng cần thiết phải sớm triển khai công việc này, trong thực tế chúng ta biết rằng lâu nay chủ yếu các công việc liên quan đến quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hai công việc, vừa làm quản lý Nhà nước đồng thời lại thực hiện nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp dẫn đến vừa đánh trống vừa thổi còi và việc vi phạm về các lĩnh vực sở hữu trí tuệ là đương nhiên không thể tránh khỏi. Chúng tôi đề nghị sớm ban hành quy định này nhưng đồng thời trong quy định cũng phải ban hành rất rõ để chống vi phạm pháp luật là các tổ chức tham gia phải quy định rất rõ về vấn đề nhân sự.

Thứ hai, quy định về văn bằng chứng chỉ đối với các thành viên của các đơn vị tham gia làm nhiệm vụ giám định sở hữu công nghiệp, đặc biệt quy định tiêu chuẩn người đứng đầu như các pháp luật khác quy định, một cách quy định như vậy và trên cơ sở quy định chung như thế này thì Chính phủ sẽ chỉ quy định chi tiết những tiêu chí liên quan đến nhân viên, liên quan đến tổ chức, liên quan đến văn bằng và liên quan đến người đứng đầu tổ chức để chúng tôi nghĩ rằng lúc đó pháp luật của chúng ta mới được còn nếu giao toàn bộ vấn đề này cho Chính phủ thì cũng có những quy định sẽ không thống nhất và thẩm quyền quy định vấn đề này của Quốc hội sẽ không được thực thi.

 

Các văn bản liên quan