Trích ý kiến của đại biểu Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:51 05-06-2009

Xung quanh dự án luật này tôi xin có hai ý kiến:

Thứ nhất xung quanh vấn đề về vai trò của cơ quan Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ thì tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Vậy trong điều kiện hiện nay chúng ta đồng ý rằng theo quan điểm của Đảng thì càng ngày càng phải xã hội hóa một số chức năng của Nhà nước nếu như mà xã hội đảm nhận được. Tuy nhiên sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực hết sức phức tạp mà nhiều nước trên thế giới nhất là các nước kinh tế thị trường người ta đã có đạo luật hơn 200 năm nay như Pháp, Mỹ đều khoảng 240 năm rồi và Nga, Đức cũng tương tư như vậy, còn chúng ta rất mới.

Vì vậy, nếu nói rằng phải xã hội hóa ngay hoạt động thì chúng tôi thấy rằng không bảo đảm. Thực tiễn của chúng ta từ năm 2006 đến nay thấy có hàng ngàn những doanh nghiệp không thực hiện được quyền sở hữu trí tuệ do hoạt động giám định khó khăn quá và cơ quan, tổ chức mà thực hiện hoạt động giám định này không thấy xuất hiện nhiều trong xã hội. Liên quan đến giám định thì chúng tôi ngay thực tiễn của hoạt động tư pháp chúng tôi cũng thấy cực kỳ khó khăn trong hoạt động giám định. Vì vậy, nếu đặt vấn đề xã hội hóa ngay lĩnh vực này tôi thấy tiếp tục bùng nhùng vào những doanh nghiệp không thực hiện được quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế chúng tôi thấy rằng ủng hộ quan điểm của Chính phủ nêu trong Khoản 2, Điều 201, có thể nó có một giao thời nào đấy chúng ta phải chấp nhận các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có tổ chức các đơn vị sự nghiệp để thực hiện giám định và xu hướng chúng tôi thấy giao cho các đơn vị sự nghiệp công, các trung tâm khoa học lớn của quốc gia làm việc này thì thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong giao thời vẫn thực hiện theo tinh thần Tờ trình của Chính phủ.

Thứ hai, tôi thấy cách xây dựng Điều 21 chưa chấp nhận được. Kỹ thuật xây dựng điều này thì ngay Khoản 1 các điểm b, c, d bao hàm nằm trong Điểm a rồi. Điểm a quy định hành vi xây phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc xã hội. Các điểm b, c, d cũng đều nằm trong đó cho nên quy định như vậy không hợp lý bởi vì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến cạnh tranh, hàng giả, xuất nhập khẩu, liên quan đến nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo v.v... đều đã quy định trong Điểm a, Khoản 1.

Liên quan đến khoản này tôi thấy dùng từ "hàng hóa giả mạo" cũng không hợp lý. Trong Luật hình sự hiện nay chúng ta dùng từ "hàng giả" và trong các văn bản khác từ "hàng giả" đã bao hàm rồi.

Trong điều này tôi thấy việc quy định ở Khoản 2 là Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt hành vi đó tôi thấy không hợp lý.

Thứ nhất không nên để Chính phủ quy định về những hành vi này vì các lĩnh vực khác chúng ta đã quy định trong luật hoặc có pháp lệnh xử lý. Chúng ta nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định 7 hành vi liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã quy định thành tội phạm. Vì vậy, những hành vi có dấu hiệu tương tự như vậy mà chưa đến mức xử lý về hình sự thì cần xử lý về hành chính. Như vậy cần quy định trong các pháp lệnh và nên cụ thể hóa, nếu chúng ta quy định chung chung thì dễ có thể sau này Chính phủ quy định khó khăn hoặc có những hành vi không lợi cho thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân.

Điểm thứ ba liên quan đến điều này, tôi thấy Khoản 3 loại trừ luôn Điểm b, tức Khoản 3 của điều này quy định là tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Nhưng trong khi đó Điểm b của Khoản 1 lại ghi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, làm một cách cố ý thì bị xử phạt hành chính theo luật này. Tức là theo Điều 211 như vậy Khoản 3 loại trừ Điểm b của Khoản 1, tóm lại tôi thấy Điều 211 xây dựng như thế này là không chấp nhận được. Đề nghị Ban Soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu sửa lại điều này cho hợp lý. Đồng thời đề nghị theo hướng nên có một pháp lệnh quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các văn bản liên quan