Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:53 05-06-2009

Cho phép tôi được tham gia phát biểu về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp Điều 154, bởi vì điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các luật sư chúng tôi và các luật sư đồng nghiệp của chúng tôi ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có đề nghị tôi phát biểu và tôi cũng thấy rằng tôi có trách nhiệm phải phát biểu vấn đề này tại diễn đàn này.

Về "điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp" thì có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến của Ban soạn thảo cho rằng doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có tư cách pháp lý độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo luật pháp Việt Nam thì mới có thể kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Nhưng ý kiến của cơ quan thẩm định tức là Ủy ban pháp luật của Quốc hội, thì cho rằng không cần bổ sung nội dung tư cách pháp lý độc lập, nghĩa là các chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài mặc dầu không có tư cách pháp lý độc lập vẫn được quyền làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để nộp đơn trực tiếp ở Cục sở hữu trí tuệ. Quan điểm của tôi ủng hộ ý kiến thứ nhất Tờ trình của Chính phủ vì mấy lý do sau đây.

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng ý kiến trong Tờ trình của Chính phủ là bảo vệ được quyền lợi của các luật sư trong nước, các luật sư Việt Nam. Thí dụ Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có trên 3.000 thành viên là Đoàn luật sư có số lượng luật sư đông nhất so với cả nước. Trong đó số lượng luật sư đăng ký làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khá nhiều, chưa kể số lượng luật sư rất đông đảo là làm tư vấn về sở hữu công nghiệp. Nói khác đi nhiều luật sư chúng tôi đang sống bằng làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, đó là nồi cơm của các luật sư chúng tôi. Trong tình hình khủng hoảng và suy thoái kinh tế hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp gặp khó khăn mà các văn phòng luật sư, công ty luật chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nên nếu theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật bỏ đi nội dung tư cách pháp lý độc lập, thì nhiều luật sư chúng tôi làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp coi như sẽ "treo niêu".

Lý do thứ hai, thêm điều kiện phải có tư cách pháp lý độc lập mới bảo đảm quyền lợi của tổ chức, của các tổ chức cá nhân Việt Nam và nước ngoài là chủ sở hữu các quyền về sở hữu trí tuệ, vì sở hữu trí tuệ là một loại hình dịch vụ khoa học công nghệ đặc biệt theo Điều 2, Khoản 8 Luật Khoa học công nghệ, nếu làm sai sẽ làm tổn thất tài sản vô hình rất lớn. Do đó không thể các chi nhánh, văn phòng đại diện các công ty luật nước ngoài không có tư cách pháp lý độc lập theo pháp luật Việt Nam, làm đại diện dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Lý do thứ ba, chúng ta không phải lo lắng rằng bổ sung nội dung tư cách pháp lý độc lập sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, không và không thống nhất với Luật luật sư về quyền của các chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam như ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bởi vì ngay sau khi Luật luật sư được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 71 ngày 29/11/2006 về thực hiện các cam kết đối với WTO đã xác định rõ phạm vi thực hiện dịch vụ pháp lý của các chi nhành công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể các chi nhánh công ty luật nước ngoài chỉ được phép thực hiện các dịch vụ pháp lý liên quan đến luật pháp quốc tế và luật pháp nước ngoài, không được thực hiện các dịch vụ pháp lý về pháp luật Việt Nam, dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ là một dịch vụ pháp lý về pháp luật Việt Nam nên các chi nhánh công ty luật nước ngoài tại Việt Nam không được phép làm. Về nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội thực hiện về cam kết quốc tế phải có giá trị cao hơn Luật luật sư.

Các văn bản liên quan