Trích ý kiến của đại biểu Phạm Quốc Anh – Đồng Nai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:42 05-06-2009

Tôi xin phát biểu về 3 vấn đề đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nếu còn thời gian tôi xin phát biểu thêm về những vấn đề khác.

Trước hết, nói về việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với một số loại hình tác phẩm và đối với quyền liên quan. Chúng tôi xin nói như sau: Đối với quyền liên quan, chúng tôi xin đề nghị Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Thẩm tra tra lại Hiệp định thương mại Việt Mỹ vì tôi sợ chỗ này có sự nhầm lẫn. Trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ ở Điều 4 Khoản 4 người ta chỉ quy định thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm không tính theo đời người. Bảo hộ không tính theo đời người tức là điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng là không tính theo đời người, xác định bảo hộ 75 năm chứ không nói đến quyền liên quan ở đây, tức là quyền của người biểu diễn, quyền của nhà phát sóng, quyền của nhà ghi âm, ghi hình là không tính ở đây. Cho nên chúng tôi sợ chỗ này có sự nhầm lẫn, xin các đồng chí xem lại. Về Công ước Geneva nói về quyền bảo hộ đối với bản ghi âm, ghi hình người ta cũng chỉ quy định 20 năm thôi, luật của ta quy định 50 năm như thế là nhiều rồi, theo chúng tôi không thể kéo lên được.

Vấn đề thứ hai là đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu mĩ thuật ứng dụng thì chúng tôi phải xin nói ngay để Quốc hội khỏi lầm: đây là những tác phẩm mà bảo hộ không tính theo đời người mà người ta tính một hạn nào đó. Báo cáo với các đồng chí, như một số đồng chí đã nói trước thì trong Công ước Berne người ta tính bảo hộ tác phẩm điện ảnh là 50 năm, còn nhiếp ảnh, mĩ thuật ứng dụng là 25 năm. Người ta có sự phân biệt như thế này là nó có sự khác nhau, bây giờ chúng ta đã ký với Mỹ là 75 năm và chúng ta định kéo lên là bảo hộ với tất cả các nước khác là 75 năm thì theo tôi chỗ ấy không ổn. Tôi cũng phải nói là tại sao khi chúng ta đàm phán với Mỹ để ký Hiệp định BTA mà phía Mỹ người ta cố gò bằng được để chúng ta phải chấp nhận thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật ứng dụng là 75 năm. Bởi vì công nghiệp điện ảnh của Mỹ hết sức phát triển chiếm đến 80% thị phần của thế giới, đây là một ngành công nghiệp đem lại rất nhiều lãi cho nước Mỹ, cho nên người ta cố gò ép các đối tác làm sao phải chấp nhận bảo hộ 75 năm. Nhưng bảo hộ 75 năm có nghĩa là thế nào, có nghĩa là những phim của hề Sác lô từ năm 1935, phim lúc đấy chưa lồng tiếng (phim câm), cho đến bây giờ chúng ta muốn chiếu thì chúng ta vẫn phải trả tiền bản quyền. Như thế nó hạn chế ghê gớm đến quyền tiếp cận của công chúng. Chúng tôi cũng xin đề nghị thế này, chúng ta coi đây là Hiệp ước song phương mà chúng ta ký với Mỹ thôi, không nên kéo sang thành Hiệp ước đa phương và chúng ta phải nghiên cứu Điều 4 của Hiệp định Trips có nói đến 4 ngoại lệ. Chúng tôi xin đề nghị các anh ở trong Uỷ ban Pháp luật cố gắng nghiên cứu xem vận dụng các ngoại lệ, có 4 ngoại lệ thì trong đó chúng tôi thấy ngoại lệ cuối cùng là d, điều này mình có thể tính được. Người ta quy định như thế này, câu ngoại lệ là thỏa thuận 75 năm của mình nếu mà thỏa thuận với Mỹ mà nó liên quan đến hiệp ước kí với Mỹ trước khi Hiệp định WTO có hiệu lực thì mình không nhất thiết áp dụng quy định song phương thành quy định đa phương. Thế nào là Hiệp định WTO có hiệu lực? Chỗ này chúng ta phải tính. Hiệp định WTO chắc chắn là đã có hiệu lực trên toàn thế giới trước Hiệp định BTA nhưng mà ta kí hiệp định để gia nhập WTO sau BTA, chỗ này mình có thể vận dụng được không? Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là về việc trả nhuận bút và thù lao trong trường hợp mà tổ chức phát sóng sử dụng các tác phẩm đã công bố thì liên quan đến Điều 26 và Điều 33. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội như thế này. Chính ra năm 2005 là chúng ta đã có quy định như hiện nay dự kiến sửa nhưng vì đưa ra Quốc hội thảo luận thì đồng chí Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin lúc đó không đồng ý, cho nên Quốc hội theo tinh thần ấy và nói là những trường hợp nào sử dụng không vì mục đích thương mại ở trên tổ chức phát sóng là mình không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, vì chúng tôi nói là quy định của mình trái với Hiệp định WTO và bây giờ các nước tham gia tổ chức WTO là người ta quyết định đề nghị mình phải sửa cho nên lần này không sửa là không thể được. Cho nên chúng tôi thấy như thế này, ở Ủy ban Pháp luật trong báo cáo thẩm tra có một số đồng chí nói là vận dụng Điều 11 (bis) của Công ước Berne để không phải trả tiền thì chúng tôi xin nói. Điều 14 (bis) ghi rõ, trong bất kì trường hợp nào những điều kiện đó, tức là điều kiện không phải trả tiền không được vi phạm tinh thần của tác giả cũng như quyền tác giả được nhận thù lao hợp lý. Có lẽ chúng ta hiểu sai Điều 11 (bis) của Công ước Berne này cho nên chúng tôi đề nghị xem lại. Chúng tôi cho rằng việc trả tiền cho tác giả rất văn minh, bây giờ đòi nhạc sỹ sáng tác 5, 7 bài hát nổi tiếng mà mình trả người ta 1 triệu sau đó mình cứ dùng chùa thoải mái thì người ta sống bằng gì, người ta phải đi bán cafe, người ta phải đi làm những nghề nghiệp khác, như vậy là hạn chế sáng tác của người ta và công chúng sẽ thiệt thòi. Chúng tôi cho rằng các tổ chức phát sóng phải trả tiền khi phát các tác phẩm đã được công bố là hoàn toàn đúng đắn, văn minh.

Vấn đề tiếp theo là về xử lý hành chính, có mở rộng đối tượng vi phạm không, chúng tôi hoàn toàn tán thành mở rộng đối tượng vi phạm. Bởi vì trước đây chúng ta chỉ nói là trong trường hợp hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ thì bị tịch thu. Nhưng bây giờ chúng ta mở rộng là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chúng tôi cho là đúng hơn, vì có những trường hợp không phải là giả mạo cũng cần phải tịch thu và phạt nặng. Ví dụ công bố tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả, in nối bản mà không cho tác giả biết, hoặc làm tác phẩm phái sinh mà không được tác giả cho phép thì những trường hợp đó cũng phải bị tịch thu, bởi vì hiện nay tình trạng in sách lậu, sách giả nhiều lắm.

Về mức phạt tiền thì chúng tôi thấy các đại biểu phát biểu trước có ý kiến rất khác nhau, chúng tôi thấy 500 triệu của chúng ta là rất thấp, không thể nào chúng ta bằng lòng với 500 triệu được. Chúng tôi xin nói là hiện nay phần này chúng tôi đề nghị chỗ này báo chí không đưa, tôi mua ở Nhật 150 đô la một đĩa phần mềm mà nước ta có 2 triệu máy tính bây giờ chúng ta cứ thử nhân lên xem như vậy chúng ta vi phạm bản quyền của người ta là 300 triệu đô la, bây giờ mức phạt cao nhất chỉ là 500 triệu đồng Việt Nam thì làm sao chấp nhận được, hàng hóa của chúng ta bây giờ không phải chỉ có Mỹ sản xuất phần mềm mà nước ta cũng sản xuất phần mềm. Cho nên tôi cho rằng mức phạt như vậy là đúng và nếu bây giờ chúng ta quy định mức phạt khác đi thì tôi chắc chắn là các nước đối tác của chúng ta trong WTO thế nào cũng sẽ có ý kiến với chúng ta. Chúng tôi xin có một số ý kiến như vậy mà sẽ xin đăng ký thêm nếu còn thời gian.

 

Các văn bản liên quan