Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Việt Dũng – TP Hồ Chí Minh về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:50 05-06-2009

Một số đại biểu phát biểu trước đã nêu các vấn đề tôi cũng định nêu. Tuy nhiên để thể hiện chính kiến của mình tôi xin phát biểu thêm một số ý để làm rõ.

Thứ nhất, về bản quyền quyền tác giả trong lĩnh vực các chương trình máy tính, phần mềm thì trong thực tế sản phẩm phần mềm có nhiều đặc thù, đặc trưng của nó khác hẳn với một tác phẩm viết. Tôi nêu ví dụ sản phẩm phần mềm thông thường có rất nhiều người tham gia vào việc phát triển nó để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Và những người này thậm chí không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia và thậm chí có những người không rõ nhân thân. Tôi xin ví dụ một phần mềm hiện nay người ta có thể thuê viết ở trên mạng internet cho nên người nào ở một nước khác hoàn toàn có thể họ phát triển dùng trong một doanh nghiệp nào đó một phần mềm và lĩnh thù lao thông qua các tài khoản của ngân hàng mà giữa người viết và doanh nghiệp cũng không hề biết nhau. Một đặc điểm khác là tham gia và phát triển phần mềm cũng có thể có nhiều pháp nhân khác nhau đóng vai trò là bên thứ ba để tham gia đóng góp một phần phát triển vào phần mềm đó. Một đặc thù tiếp theo là vòng đời của sản phẩm phần mềm, một phiên bản của nó có thể rất ngắn ví dụ như 6 tháng, 1 năm hoặc 18 tháng. Cho nên việc thay đổi, thường xuyên thay đổi và phát triển thêm các tính năng của phần mềm là việc xảy ra liên tục trong quá trình phát triển phần mềm đó. Vì vậy, theo quy định của Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ thì quy định sản phẩm phần mềm, ký tự máy tính như là một tác phẩm văn học, tôi cho rằng điều này sẽ không khả thi trong thực tiễn. Cho nên đồng ý với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, tôi đề nghị là Ban Soạn thảo nên nghiên cứu để bổ sung công nhận quyền được đăng ký sở hữu bản quyền phần mềm là một pháp nhân, không riêng là một cá nhân.

Vấn đề thứ hai, lĩnh vực sở hữu trí tuệ chúng ta được biết là một lĩnh vực mới đối với đất nước chúng ta. Nhưng nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong quá trình hội nhập. Việc thực thi nghiêm túc sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo, phát triển và thông qua đó sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước. Nhưng ngược lại chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề một sự thực thi máy móc, cứng nhắc, thiếu sự am hiểu cần thiết thì có thể sẽ là sự kìm hãm, làm chậm sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với những đất nước còn nghèo như chúng ta hiện nay. Mặt khác chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn còn đang tiếp tục phát triển. Đây là một lĩnh vực rộng lớn, bao hàm nhiều ngành nghề khác nhau. Ví dụ hiện nay chúng ta có quyền tác giả trong đấy có phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật thương mại giống cây trồng, các công thức chế thuốc trong y học. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông và internet. Đây là một lĩnh vực trong vài thập niên vừa qua là một nơi mà nó phát sinh ra nhiều tranh chấp và vi phạm bản quyền. Đặc biệt là những hình thức vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này nó xuất hiện dưới nhiều cách thức đa dạng và rất tinh vi. Ví dụ như khi phát triển một sản phẩm phần mềm máy tính thì những hình thức vi phạm có thể thể hiện từ trong ý tưởng khi chuẩn bị phát triển phần mềm đó hay trong một đoạn mã của một chương trình, hay trong thương mại điện tử, trong công nghiệp nội dung số tranh chấp trong tên miền internet v.v...Nói điều này để tôi muốn chứng minh rằng việc tổ chức thực thi sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả nó đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có tính chuyên gia cao trong lĩnh vực liên quan và thường xuyên được cập nhật thông tin cũng như kiến thức và phải am hiểu trong lĩnh vực đó. Cho nên việc hai hay ba bộ cũng khó có thể đảm đương hết được việc thực thi sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả. Cụ thể hiện nay một số doanh nghiệp phần mềm phản ánh việc thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, báo chí, xuất bản hay phát thanh truyền hình v.v...chưa rõ ràng, thời gian vừa qua có một số doanh nghiệp có một lúc cả hai Bộ thông tin và truyền thông và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng đến thanh tra về vấn đề phần mềm. Hiện nay theo quy định của Chính phủ, việc quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình là thuộc thẩm quyền của Bộ thông tin và truyền thông nhưng về sở hữu trí tuệ nếu theo dự thảo của luật này thì lĩnh vực về quản lý sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nêu trên lại thuộc về thẩm quyền của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch. Chúng ta cũng biết việc sở hữu trí tuệ đối với lĩnh vực này hết sức rộng lớn và có nhiều phức tạp, đòi hỏi tính chuyên gia sâu, tôi cho rằng nếu trong dự thảo luật này không làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước này thì sẽ dẫn đến:

Một, tính chuyên gia trong lĩnh vực không cao để đảm bảo cho việc thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nói trên.

Hai là lãng phí về nguồn lực Nhà nước.

Thứ ba là sự chồng chéo trong quản lý và gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Thứ tư, chúng ta cũng biết là phát triển thông tin truyền thông có liên quan rất mật thiết đến vấn đề sở hữu trí tuệ, hiện nay công nghệ thông tin và truyền thông là một chiến lược mũi nhọn phát triển của đất nước và cần thiết phải giao cho một đầu mối quản lý để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước.

Các văn bản liên quan