“Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…”
“Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…”
Theo Tạp chí nghiên cứu lập pháp ngày 29/09/2005
Tham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân thành với phóng viên số chủ đề Hiến kế Lập pháp về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Theo ông, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bên cạnh những biện pháp trừng trị, vấn đề cơ bản là phải phòng ngừa bằng cách thay đổi cơ chế, mà trước hết là xem xét lại chế độ tiền lương. Chúng tôi xin đăng bản lược ghi các ý kiến trên của GS. Đầu đề là của HKLP.
Trừng trị là biện pháp cần nhưng chưa đủ
Tôi cho rằng, tham nhũng là một khối u nhức nhối vô cùng. Nếu chúng ta không cắt được khối u ấy, không cách nào làm cho xã hội phát triển mạnh được. Tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Do vậy, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay. Nhưng theo tôi, trong xã hội ta từ lâu, tuy mọi người đều lên án mạnh mẽ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tuyên chiến quyết liệt với quốc nạn này.
Cho đến nay, tôi thấy các biện pháp mà Dự luật phòng, chống tham nhũng đưa ra vẫn chỉ là những phương pháp cổ điển mà chúng ta đã sử dụng hàng ba chục năm nay, bây giờ nói mạnh hơn chứ chưa thấy có phương pháp gì mới. Vậy làm sao hy vọng công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả mang tính đột phá được?
Trong vòng vài mươi năm lại đây, ai có chút liêm sỉ đều coi tham nhũng là quốc nạn và nhiều vụ tham nhũng lớn cũng đã bị phanh phui và trừng trị, ấy thế mà mỗi năm, số vụ tham nhũng vẫn cứ tăng, không hề giảm mà các thủ đoạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Mấy thập kỷ rồi, tất cả các biện pháp đó đều đã được sử dụng mà tình trạng vẫn chưa thay đổi bao nhiêu, lại có vẻ trầm trọng hơn, thì tại sao chúng ta không xét xem có biện pháp nào khác hữu hiệu hơn không ? Muốn thế cần tìm hiểu căn nguyên tại sao tham nhũng ở ta tràn lan, từ dưới lên trên cấp nào cũng có, nơi nào cũng có, chỉ khác nặng với nhẹ ?
Trừng trị là cần thiết, nhưng ta chỉ có thể trừng trị nặng những tội tham nhũng lớn, còn đối với tình trạng tham nhũng tràn lan như ở ta hiện nay thì làm sao trừng trị cho hết được. Mà chừng nào tham nhũng còn tràn lan thì đó chính là vỏ bọc che chắn cho bọn tội phạm tham nhũng lớn. Cho nên cần đi sâu hơn vào nguyên nhân sinh ra tham nhũng tràn lan, tìm ra biện pháp khắc phục nó thì mới đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng. Các biện pháp trừng trị là cốt để răn đe, ngăn ngừa nhưng trừng trị chỉ có hiệu quả khi nào đại đa số cán bộ, công chức không cần và không muốn tham nhũng.
Thời kháng chiến chống Pháp, Trần Dụ Châu khi đó là cán bộ cao cấp bị tử hình vì tội tham nhũng. Đó là một vụ án làm rúng động cả nước và sau đó thì hầu như không còn tham nhũng nữa. Nhưng tình hình hồi đó khác bây giờ. Hồi đó, trong kháng chiến, cán bộ công chức nói chung đều đủ sống, tuy mức sống rất thấp nhưng là mức chung trong xã hội, ai cũng cảm thấy công bằng. Cho nên tham nhũng có xuất hiện cũng chỉ lẻ tẻ ở cấp cao, ở bên trên thôi. Nghĩa là tình hình lúc ấy khá giống như ở các nước tiên tiến bây giờ, chỉ những quan chức có quyền lực nhiều mới tham nhũng được, do đó số vụ tham nhũng không nhiều, tác hại hạn chế, họ lại có cơ chế quản lý tốt nên dễ phát hiện và có thể xử lý tham nhũng đến nơi đến chốn.
Còn với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi có thể hình dung thế này: lương tôi thấp không đủ sống, tôi nhìn ra bên cạnh thấy mọi người đều sống tốt cả, mà đâu phải năng suất lao động của tôi quá tồi so với xã hội, nên tôi suy ra là tôi bị thiệt, tôi bị trả lương thấp hơn mức tôi đáng được hưởng, nên tôi phải tìm cách xoay xở để có được mức thu nhập xứng đáng hơn. Ban đầu chỉ suy nghĩ như vậy, về sau nhìn xung quanh thấy ai cũng thế cả, ai cũng xoay xở để tồn tại, để bù vào sự thiếu hụt của tiền lương phi lý, nên dù có phải phạm pháp chút ít lương tâm vẫn cho là bình thường. Cứ thế dần dần những vụ phạm pháp, tham nhũng ban dầu chỉ lặt vặt, có thể “thông cảm” được, ngày càng trở nên phổ biến, nhiều nơi nhiều lúc phát triển vượt quá giới hạn bình thường. Không chỉ cấp cao, có nhiều quyền lực mới tham nhũng, mà tham nhũng tràn lan, phổ biến, từ dưới phát triển lên cao dần, càng lên cao càng trầm trọng và càng khó phát hiện vì được bảo vệ bởi cái vỏ bọc kiên cố từ dưới. Vì vậy, bây giờ nếu chỉ tập trung phát hiện và trừng trị đích đáng một số vụ tham nhũng lớn,…tôi e rằng vẫn chưa đủ, tuy rất cần thiết. Chống tham nhũng với các biện pháp lâu nay đã dùng rồi thì chỉ chống được ở phần ngọn. Còn nếu thật sự muốn chống tham nhũng có hiệu quả, muốn chống triệt để thì phải phòng, chống từ gốc, tức là phải sửa ngay từ cơ chế quản lý. Bởi vì chính cơ chế này là nguyên nhân sinh ra tham nhũng !
Cơ chế sinh ra tham nhũng
Muốn chữa bệnh có hiệu quả phải hiểu cơ chế phát sinh ra bệnh. Tham nhũng ở nước ta hiện nay như vết thương từ bên trong cơ thể, từ trong máu, nhưng chúng ta chỉ chăm chú chữa trị những lở loét bên ngoài, bôi hết thuốc này đến thuốc khác, cứ chỗ này vừa khỏi thì bung ra chỗ khác, dịu đi một chút rồi bùng phát trở lại, có khi còn dữ dội hơn trước và ngày càng khó chữa trị. Cần phải hiểu tham nhũng ở ta là căn bệnh từ cơ chế. Nhưng rất tiếc trong các biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng không thấy đề cập tới biện pháp nào về cơ chế. Mà trong cơ chế thì phi lý và tiêu cực nhất, cần và có thể sửa ngay nếu có quyết tâm, là cơ chế tiền lương và thu nhập của công chức, cán bộ. Thứ đến là cơ chế chi tiêu thanh toán phổ biến dùng tiền mặt, khiến cho việc ăn cắp công quỹ khá dễ, và sau nữa, nhưng quan trọng không kém là cơ chế đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.
Vấn đề đã nêu ra ngót 30 năm nay
Thật ra vấn đề chẳng có gì mới. Gần đây nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo. Trong một dịp được tiếp xúc với cấp lãnh đạo cao nhất năm 1978, tôi cũng đã từng nêu ra ý kiến như trên để trả lời câu hỏi làm sao chống tiêu cực có hiệu quả (hồi đó chỉ mới nói chống “tiêu cực” chứ chưa nói chống “tham nhũng”). Muốn hiểu tại sao cơ chế quản lý lại có thể là thủ phạm sản sinh ra tham nhũng và bảo vệ tham nhũng chỉ cần suy nghĩ về điều mấu chốt này: tiền lương cơ bản hiện nay của đại đa số công chức, cán bộ chỉ đủ sống được khoảng mươi ngày. Thế nhưng thực tế phần đông vẫn sống đàng hoàng, nhờ thu nhập “phụ” thường cao hơn mức lương chính 3-4 lần, thậm chí có khi cả chục, cả trăm lần. Vậy nguồn thu nhập “phụ” đó ở đâu ra? Có phải là từ công quỹ Nhà nước, từ đóng góp của dân, hay có nguồn nào từ trên trời rơi xuống? Lấy ví dụ ngành giáo dục là một ngành tương đối ít tai tiếng tham nhũng: khi tôi tìm hiểu chế độ lương, phụ cấp các loại trong ngành này thì nhận được một tập dày cộp không biết bao nhiêu thông tư, chỉ thị, chỉ đọc cho hết cũng phải vài ngày. Tôi nghĩ: phức tạp như thế, tránh sao khỏi sơ hở dễ bị lợi dụng, tham nhũng! Mà thực tế đâu có gì khó hiểu: đồng lương cơ bản quá thấp thì phải bịa ra nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao, nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, làm ngơ cho họ dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô, luyện thi tràn lan, chưa kể nhiều loại hoạt động có bồi dưỡng, có phong bì (hội họp, kỷ niệm, viết báo cáo, tham luận…). Rốt cục, hầu hết mọi người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập tương đối. Vậy có nghĩa là ngân sách, cộng với phần đóng góp của dân, hoàn toàn không thiếu để trả lương đường hoàng, nếu phân phối công bằng và hợp lý. Chẳng qua ta chỉ dùng một phần nhỏ để trả lương cơ bản, còn lại thì phân phối tuỳ tiện, bất công, không hiệu quả, lại tạo nhiều sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng và đục khoét. Đó là thực tế trong ngành giáo dục. Tình hình ở các ngành khác cũng tương tự, có khi còn tệ hơn. Như trong khoa học thì cơ chế lương này đẻ ra một chế độ cấp phát kinh phí cho các nghiên cứu khoa học rất đặc biệt Việt Nam. ở các nước, tiền lương của nhà khoa học đảm bảo cho họ không phải lo chuyện mưu sinh, còn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu chỉ được phép dùng để trang trải các chi phí về phương tiện nghiên cứu (như trang thiết bị), chứ không được trích ra để bổ sung thu nhập cá nhân. Như vậy, người ta xin cấp kinh phí nghiên cứu là để có phương tịên nghiên cứu chứ không phải để tăng thu nhập. ở ta thì trái lại, do tiền lương quá thấp, cho nên kinh phí cấp cho một đề tài nghiên cứu được phép trích ra một tỉ lệ đáng kể (trung bình khoảng 30-50%) để “trả công” cho các nhà khoa học tham gia đề tài. Có nghĩa là anh “chạy” được một đề tài với kinh phí càng lớn thì thu nhập của anh càng cao, có thể gấp nhiều lần tiền lương. Đã thế mà việc xét duyệt và nghiệm thu đều thiếu nghiêm túc, đề tài gì cũng là công trình khoa học, và khi đã được dụyệt thì phần lớn đều được nghiệm thu “xuất sắc”. Chẳng hạn, một cuốn sách về lịch sử chính phủ bằng hình ảnh cũng là một công trình khoa học cấp Nhà Nước dưới sự chỉ đạo của một PTT! Nhiều người muốn biết: sau khi trừ đi kinh phí cho những đề tài cấp Nhà Nước như vậy thì các đề tài khoa học chuyên nghiệp còn được bao nhiều kinh phí để nghiên cứu? Tin này cũng làm nhớ lại cách đây vài tháng dư luận đã từng sôi nổi về chuyện một cơ quan nọ khi làm kế hoạch đón nhận huân chương đã dự chi phong bì đủ cỡ nặng nhẹ cho các quan khách tới dự, từ Bộ trưởng trở xuống. Thảo nào mấy năm nay nước ta được mùa bội thu huân chương các loại ! Đúng là tham nhũng có thiên hình vạn trạng nấp dưới một cơ chế hợp pháp. Giá còn Bác Hồ, không hiểu Bác sẽ nghĩ gì khi cảnh tượng đó diễn ra trên đất nước đã độc lập thống nhất 30 năm rồi.
Nhiều người bảo ngay ở một số nước tiên tiến tham nhũng cũng đầy rẫy. Đúng thế, nhưng ở các nước ấy tham nhũng dù sao cũng chỉ hạn chế ở một số nhân vật cấp cao của chính quyền nên người dân ít bị nhũng nhiễu. Còn ở ta thì tham nhũng hoành hành khắp ngõ ngách, từ anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ đến những cán bộ, nhân viên làm việc ở xã, phường vòi tiền “bồi dưỡng” của người dân để làm một số việc trong trách nhiệm thường ngày của họ. Tuy nhiên cần thấy rõ: nếu suy xét công bằng thì trong các hành vi phạm pháp đó chỉ 1/10000 là phạm tội. Còn lại, người ta phạm pháp chẳng qua vì cơ chế đẩy họ tới chỗ không làm thế không sống được!
Cảnh sát giao thông, cán bộ cấp xã phường… lương có khi chỉ đủ ăn trưa, như các vị lãnh đạo đã thừa nhận. Vì vậy, nếu có kẻ trong số họ tìm cách xoay xở để kiếm đủ sống thì về mặt đạo đức khó có thể lên án hành vi ấy. Cũng như việc giáo viên phải dạy thêm giờ để kiếm sống. Tuy tôi phản đối dạy thêm tràn lan vì việc đó có hại, nhưng xét về mặt đạo đức, lương không đủ sống mà cấm người ta dạy thêm là vô trách nhiệm.
Đấu tranh nội bộ là không khả thi
Điều nguy hiểm chính là ở chỗ ấy: cán bộ cấp dưới nếu có phạm pháp ít nhiều để sống thì cấp trên phải thông cảm, phải làm ngơ. Song tâm lý con người là rất ít ai chịu dừng ở mức đủ sống, mà đi xa hơn, ngày càng xa, dẫn đến phạm tội. Còn cấp trên thì sao? Lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở, và vì đám này nhiều quyền lực nên phạm vi, quy mô tham nhũng lớn, không phải chỉ kiếm thêm vài triệu/tháng như cấp dưới, mà phải 5-7 triệu, hàng chục, hàng trăm triệu. Hành vi tham nhũng của họ, công chức dưới quyền dù có biết cũng ít dám đấu tranh vì bản thân cấp dưới cũng tự biết chính mình đâu có trong sạch được 100%, giá thử có muốn đấu tranh thì chưa biết chừng kẻ bị trừng trị trước hết là chính mình chứ không phải sếp. Cho nên cấp dưới trở thành vỏ bọc che chắn cho cấp trên, rồi cấp trên lại che chắn cho cấp trên cao nữa, cứ thế tham nhũng đi dần từ dưới lên, từ cơ sở lên đến trung ương, càng lên cao tham nhũng càng tinh vi. Đến mức là trong nhiều cơ quan, ai đứng ngoài hệ thống tham nhũng sớm muộn đều bị đánh bật ra khỏi cơ quan.
Và chính vì thế mà biện pháp đấu tranh nội bộ nêu ra trong dự thảo Luật phòng chống tham nhũng chỉ là lý thuyết, chứ không thực tế. Khi tham nhũng đã tràn lan, có tính tập thể, đi từ dưới lên trên, rộng khắp, có vỏ bọc bảo vệ chắc chắn như trên đã phân tích, thì đấu tranh nội bộ không thể bảo đảm an toàn. Đó là lý do giải thích tại sao phần lớn các vụ tham nhũng đều do quần chúng, công luận đấu tranh phát hiện, chứ it khi bị tố cáo từ trong nội bộ cơ quan.
Phải cải cách chế độ tiền lương
Thành thử, nếu chúng ta còn duy trì chế độ lương phi lý như hiện nay thì không có cách nào chống tham nhũng có hiệu quả. Chúng ta đều thấy, với chế độ tiền lương hiện nay, khi không một ai có thể sống bằng lương được cả, thì tham nhũng tràn lan, khó huy động toàn xã hội chống tham nhũng được. Trung ương có lẽ đã thấy điều đó, nên đã có nghị quyết phải giải quyết vấn đề tiền lương một cách cơ bản. Vậy mà sau năm năm nghiên cứu và tiêu tốn không ít tiền của, công sức, các Bộ Tài chính và Nội vụ mới đưa ra được một đề án cải cách tiền lương tốt đến mức ... mới bắt đầu thực hiện đã phá sản hoàn toàn. Và cho đến nay, sau các kiểu điều chỉnh lương, phụ cấp linh tinh, vẫn chưa ai được tăng một đồng lương thực tế nào cả. Tiền lương cơ bản, theo giá trị mới của đồng tiền, không hề thay đổi. Cái cơ chế trả lương từng đẩy nhiều người đến hành vi sai trái mới có thể sống được vẫn giữ gần nguyên. Thế mà gọi là cải cách tiền lương một cách cơ bản, lại do một Bộ phụ trách cải cách hành chính đưa ra, thì thật khó hiểu.
Nếu mục tiêu cải cách tiền lương chỉ là tăng lương cơ bản cho đủ sống (chứ không động gì đến cơ chế phân phối lương và thu nhập phụ ngoài lương), như các Bộ phụ trách đã quan niệm, thì bất cứ ai cũng thừa hiểu đó là mục tiêu phi thực tế, đâu cần các vị phải mất công giải thích rằng chỉ tăng 10 nghìn đồng/tháng thôi cho mỗi công chức, cán bộ cũng đã vượt quá khả năng của ngân sách !
Điều lạ lùng là nếu nhiệm vụ cải cách tiền lương một cách cơ bản được hiểu như các vị thì có nghĩa là Trung ương đã giao cho các vị một nhiệm vụ bất khả thi. Sao các vị không có can đảm nói lên điều đó từ trước để khỏi tốn công tốn sức nghiên cứu đề án, mà đợi đến khi bị chất vấn mới đổ lỗi là nhiệm vụ bất khả thi ?
Từ bao lâu nay, nói đến tiền lương còn ai lạ gì cái nghịch lý sờ sờ : người nào cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đàng hoàng ! Vậy mấu chốt là phải xoá bỏ cái nghịch lý ấy chứ, tức là phải sửa cơ chế trả lương để sao cho ngoài lương chính thức ra, đại đa số công chức cán bộ không còn có thêm khoản thù lao, phụ cấp, nào khác từ ngân sách và tiền đóng góp của dân hay tiền dự án vay quốc tế. Các khoản này đều phải chỉnh đốn lại và tính gộp hết vào tiền lương chính thức cho công bằng, để các hoạt động trước đây được thù lao dưới hình thức tuỳ tiện nay đều được tính trong nhiệm vụ của người hưởng lương. Nếu làm như vậy thì với khả năng ngân sách hiện tại, theo tính toán cụ thể trong một ngành như giáo dục, lương vẫn có thể đảm bảo mức sống phù hợp năng suất lao động từng người, giúp cho mỗi người không phải lo toan xoay xở chật vật, nhiều khi phạm pháp, để mưu sinh, mà có điều kiện dồn tâm trí vào nhiệm vụ chính của mình và dành thì giờ chăm sóc gia đình, con cái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Muốn phòng, chống tham nhũng một cách triệt để thì phải cải cách tiền lương, tạo lập sự công bằng. Khi đó, nếu ai còn tìm cách xoáy thêm tiền nhà nước, móc thêm túi người dân thì không còn lý do gì bào chữa, cả về đạo đức cũng như pháp lý. Bọn quan chức tham nhũng sẽ mất đi cái vỏ bọc lâu nay vẫn che chắn chúng, cấp dưới, người dân sẽ không còn bị khống chế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đó sẽ dễ dàng hơn.
Nhìn ra thế giới, những nước nào mà công chức phải xoay xở thêm mới đủ sống đều có tình trạng tham nhũng nặng nề. Rất tiếc là Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng chưa chú ý đầy đủ kinh nghiệm đó. Đương nhiên không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn thì tham nhũng sẽ hết. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng còn gay go.
Năm 1978, trong một dịp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi ý kiến một số nhà khoa học về vấn đề chống tiêu cực, tôi đã có phát biểu đại ý như trên. Năm 1995, tôi cũng đã xin nhắc lại ý kiến đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và theo lời khuyên của cố Thủ tướng tôi cũng đã trình bày trực tiếp ý kiến đó với Thủ Tướng Phan Văn Khải, Chủ Tịch Trần Đức Lương, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, và sau này với nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Đến bây giờ, sau ba thập kỷ chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, tôi vẫn tin rằng nếu không triệt được mầm mống tham nhũng từ trong cơ chế thì chưa có cách nào kiểm soát được cái quốc nạn này.
GS Hoàng Tụy
Theo Tạp chí nghiên cứu lập pháp ngày 29/09/2005
Tham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân thành với phóng viên số chủ đề Hiến kế Lập pháp về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Theo ông, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, bên cạnh những biện pháp trừng trị, vấn đề cơ bản là phải phòng ngừa bằng cách thay đổi cơ chế, mà trước hết là xem xét lại chế độ tiền lương. Chúng tôi xin đăng bản lược ghi các ý kiến trên của GS. Đầu đề là của HKLP.
Trừng trị là biện pháp cần nhưng chưa đủ
Tôi cho rằng, tham nhũng là một khối u nhức nhối vô cùng. Nếu chúng ta không cắt được khối u ấy, không cách nào làm cho xã hội phát triển mạnh được. Tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Do vậy, chống tham nhũng là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay. Nhưng theo tôi, trong xã hội ta từ lâu, tuy mọi người đều lên án mạnh mẽ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tuyên chiến quyết liệt với quốc nạn này.
Cho đến nay, tôi thấy các biện pháp mà Dự luật phòng, chống tham nhũng đưa ra vẫn chỉ là những phương pháp cổ điển mà chúng ta đã sử dụng hàng ba chục năm nay, bây giờ nói mạnh hơn chứ chưa thấy có phương pháp gì mới. Vậy làm sao hy vọng công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả mang tính đột phá được?
Trong vòng vài mươi năm lại đây, ai có chút liêm sỉ đều coi tham nhũng là quốc nạn và nhiều vụ tham nhũng lớn cũng đã bị phanh phui và trừng trị, ấy thế mà mỗi năm, số vụ tham nhũng vẫn cứ tăng, không hề giảm mà các thủ đoạn tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Mấy thập kỷ rồi, tất cả các biện pháp đó đều đã được sử dụng mà tình trạng vẫn chưa thay đổi bao nhiêu, lại có vẻ trầm trọng hơn, thì tại sao chúng ta không xét xem có biện pháp nào khác hữu hiệu hơn không ? Muốn thế cần tìm hiểu căn nguyên tại sao tham nhũng ở ta tràn lan, từ dưới lên trên cấp nào cũng có, nơi nào cũng có, chỉ khác nặng với nhẹ ?
Trừng trị là cần thiết, nhưng ta chỉ có thể trừng trị nặng những tội tham nhũng lớn, còn đối với tình trạng tham nhũng tràn lan như ở ta hiện nay thì làm sao trừng trị cho hết được. Mà chừng nào tham nhũng còn tràn lan thì đó chính là vỏ bọc che chắn cho bọn tội phạm tham nhũng lớn. Cho nên cần đi sâu hơn vào nguyên nhân sinh ra tham nhũng tràn lan, tìm ra biện pháp khắc phục nó thì mới đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng. Các biện pháp trừng trị là cốt để răn đe, ngăn ngừa nhưng trừng trị chỉ có hiệu quả khi nào đại đa số cán bộ, công chức không cần và không muốn tham nhũng.
Thời kháng chiến chống Pháp, Trần Dụ Châu khi đó là cán bộ cao cấp bị tử hình vì tội tham nhũng. Đó là một vụ án làm rúng động cả nước và sau đó thì hầu như không còn tham nhũng nữa. Nhưng tình hình hồi đó khác bây giờ. Hồi đó, trong kháng chiến, cán bộ công chức nói chung đều đủ sống, tuy mức sống rất thấp nhưng là mức chung trong xã hội, ai cũng cảm thấy công bằng. Cho nên tham nhũng có xuất hiện cũng chỉ lẻ tẻ ở cấp cao, ở bên trên thôi. Nghĩa là tình hình lúc ấy khá giống như ở các nước tiên tiến bây giờ, chỉ những quan chức có quyền lực nhiều mới tham nhũng được, do đó số vụ tham nhũng không nhiều, tác hại hạn chế, họ lại có cơ chế quản lý tốt nên dễ phát hiện và có thể xử lý tham nhũng đến nơi đến chốn.
Còn với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, tôi có thể hình dung thế này: lương tôi thấp không đủ sống, tôi nhìn ra bên cạnh thấy mọi người đều sống tốt cả, mà đâu phải năng suất lao động của tôi quá tồi so với xã hội, nên tôi suy ra là tôi bị thiệt, tôi bị trả lương thấp hơn mức tôi đáng được hưởng, nên tôi phải tìm cách xoay xở để có được mức thu nhập xứng đáng hơn. Ban đầu chỉ suy nghĩ như vậy, về sau nhìn xung quanh thấy ai cũng thế cả, ai cũng xoay xở để tồn tại, để bù vào sự thiếu hụt của tiền lương phi lý, nên dù có phải phạm pháp chút ít lương tâm vẫn cho là bình thường. Cứ thế dần dần những vụ phạm pháp, tham nhũng ban dầu chỉ lặt vặt, có thể “thông cảm” được, ngày càng trở nên phổ biến, nhiều nơi nhiều lúc phát triển vượt quá giới hạn bình thường. Không chỉ cấp cao, có nhiều quyền lực mới tham nhũng, mà tham nhũng tràn lan, phổ biến, từ dưới phát triển lên cao dần, càng lên cao càng trầm trọng và càng khó phát hiện vì được bảo vệ bởi cái vỏ bọc kiên cố từ dưới. Vì vậy, bây giờ nếu chỉ tập trung phát hiện và trừng trị đích đáng một số vụ tham nhũng lớn,…tôi e rằng vẫn chưa đủ, tuy rất cần thiết. Chống tham nhũng với các biện pháp lâu nay đã dùng rồi thì chỉ chống được ở phần ngọn. Còn nếu thật sự muốn chống tham nhũng có hiệu quả, muốn chống triệt để thì phải phòng, chống từ gốc, tức là phải sửa ngay từ cơ chế quản lý. Bởi vì chính cơ chế này là nguyên nhân sinh ra tham nhũng !
Cơ chế sinh ra tham nhũng
Muốn chữa bệnh có hiệu quả phải hiểu cơ chế phát sinh ra bệnh. Tham nhũng ở nước ta hiện nay như vết thương từ bên trong cơ thể, từ trong máu, nhưng chúng ta chỉ chăm chú chữa trị những lở loét bên ngoài, bôi hết thuốc này đến thuốc khác, cứ chỗ này vừa khỏi thì bung ra chỗ khác, dịu đi một chút rồi bùng phát trở lại, có khi còn dữ dội hơn trước và ngày càng khó chữa trị. Cần phải hiểu tham nhũng ở ta là căn bệnh từ cơ chế. Nhưng rất tiếc trong các biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng không thấy đề cập tới biện pháp nào về cơ chế. Mà trong cơ chế thì phi lý và tiêu cực nhất, cần và có thể sửa ngay nếu có quyết tâm, là cơ chế tiền lương và thu nhập của công chức, cán bộ. Thứ đến là cơ chế chi tiêu thanh toán phổ biến dùng tiền mặt, khiến cho việc ăn cắp công quỹ khá dễ, và sau nữa, nhưng quan trọng không kém là cơ chế đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức.
Vấn đề đã nêu ra ngót 30 năm nay
Thật ra vấn đề chẳng có gì mới. Gần đây nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo. Trong một dịp được tiếp xúc với cấp lãnh đạo cao nhất năm 1978, tôi cũng đã từng nêu ra ý kiến như trên để trả lời câu hỏi làm sao chống tiêu cực có hiệu quả (hồi đó chỉ mới nói chống “tiêu cực” chứ chưa nói chống “tham nhũng”). Muốn hiểu tại sao cơ chế quản lý lại có thể là thủ phạm sản sinh ra tham nhũng và bảo vệ tham nhũng chỉ cần suy nghĩ về điều mấu chốt này: tiền lương cơ bản hiện nay của đại đa số công chức, cán bộ chỉ đủ sống được khoảng mươi ngày. Thế nhưng thực tế phần đông vẫn sống đàng hoàng, nhờ thu nhập “phụ” thường cao hơn mức lương chính 3-4 lần, thậm chí có khi cả chục, cả trăm lần. Vậy nguồn thu nhập “phụ” đó ở đâu ra? Có phải là từ công quỹ Nhà nước, từ đóng góp của dân, hay có nguồn nào từ trên trời rơi xuống? Lấy ví dụ ngành giáo dục là một ngành tương đối ít tai tiếng tham nhũng: khi tôi tìm hiểu chế độ lương, phụ cấp các loại trong ngành này thì nhận được một tập dày cộp không biết bao nhiêu thông tư, chỉ thị, chỉ đọc cho hết cũng phải vài ngày. Tôi nghĩ: phức tạp như thế, tránh sao khỏi sơ hở dễ bị lợi dụng, tham nhũng! Mà thực tế đâu có gì khó hiểu: đồng lương cơ bản quá thấp thì phải bịa ra nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao, nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, làm ngơ cho họ dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô, luyện thi tràn lan, chưa kể nhiều loại hoạt động có bồi dưỡng, có phong bì (hội họp, kỷ niệm, viết báo cáo, tham luận…). Rốt cục, hầu hết mọi người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập tương đối. Vậy có nghĩa là ngân sách, cộng với phần đóng góp của dân, hoàn toàn không thiếu để trả lương đường hoàng, nếu phân phối công bằng và hợp lý. Chẳng qua ta chỉ dùng một phần nhỏ để trả lương cơ bản, còn lại thì phân phối tuỳ tiện, bất công, không hiệu quả, lại tạo nhiều sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng và đục khoét. Đó là thực tế trong ngành giáo dục. Tình hình ở các ngành khác cũng tương tự, có khi còn tệ hơn. Như trong khoa học thì cơ chế lương này đẻ ra một chế độ cấp phát kinh phí cho các nghiên cứu khoa học rất đặc biệt Việt Nam. ở các nước, tiền lương của nhà khoa học đảm bảo cho họ không phải lo chuyện mưu sinh, còn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu chỉ được phép dùng để trang trải các chi phí về phương tiện nghiên cứu (như trang thiết bị), chứ không được trích ra để bổ sung thu nhập cá nhân. Như vậy, người ta xin cấp kinh phí nghiên cứu là để có phương tịên nghiên cứu chứ không phải để tăng thu nhập. ở ta thì trái lại, do tiền lương quá thấp, cho nên kinh phí cấp cho một đề tài nghiên cứu được phép trích ra một tỉ lệ đáng kể (trung bình khoảng 30-50%) để “trả công” cho các nhà khoa học tham gia đề tài. Có nghĩa là anh “chạy” được một đề tài với kinh phí càng lớn thì thu nhập của anh càng cao, có thể gấp nhiều lần tiền lương. Đã thế mà việc xét duyệt và nghiệm thu đều thiếu nghiêm túc, đề tài gì cũng là công trình khoa học, và khi đã được dụyệt thì phần lớn đều được nghiệm thu “xuất sắc”. Chẳng hạn, một cuốn sách về lịch sử chính phủ bằng hình ảnh cũng là một công trình khoa học cấp Nhà Nước dưới sự chỉ đạo của một PTT! Nhiều người muốn biết: sau khi trừ đi kinh phí cho những đề tài cấp Nhà Nước như vậy thì các đề tài khoa học chuyên nghiệp còn được bao nhiều kinh phí để nghiên cứu? Tin này cũng làm nhớ lại cách đây vài tháng dư luận đã từng sôi nổi về chuyện một cơ quan nọ khi làm kế hoạch đón nhận huân chương đã dự chi phong bì đủ cỡ nặng nhẹ cho các quan khách tới dự, từ Bộ trưởng trở xuống. Thảo nào mấy năm nay nước ta được mùa bội thu huân chương các loại ! Đúng là tham nhũng có thiên hình vạn trạng nấp dưới một cơ chế hợp pháp. Giá còn Bác Hồ, không hiểu Bác sẽ nghĩ gì khi cảnh tượng đó diễn ra trên đất nước đã độc lập thống nhất 30 năm rồi.
Nhiều người bảo ngay ở một số nước tiên tiến tham nhũng cũng đầy rẫy. Đúng thế, nhưng ở các nước ấy tham nhũng dù sao cũng chỉ hạn chế ở một số nhân vật cấp cao của chính quyền nên người dân ít bị nhũng nhiễu. Còn ở ta thì tham nhũng hoành hành khắp ngõ ngách, từ anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ đến những cán bộ, nhân viên làm việc ở xã, phường vòi tiền “bồi dưỡng” của người dân để làm một số việc trong trách nhiệm thường ngày của họ. Tuy nhiên cần thấy rõ: nếu suy xét công bằng thì trong các hành vi phạm pháp đó chỉ 1/10000 là phạm tội. Còn lại, người ta phạm pháp chẳng qua vì cơ chế đẩy họ tới chỗ không làm thế không sống được!
Cảnh sát giao thông, cán bộ cấp xã phường… lương có khi chỉ đủ ăn trưa, như các vị lãnh đạo đã thừa nhận. Vì vậy, nếu có kẻ trong số họ tìm cách xoay xở để kiếm đủ sống thì về mặt đạo đức khó có thể lên án hành vi ấy. Cũng như việc giáo viên phải dạy thêm giờ để kiếm sống. Tuy tôi phản đối dạy thêm tràn lan vì việc đó có hại, nhưng xét về mặt đạo đức, lương không đủ sống mà cấm người ta dạy thêm là vô trách nhiệm.
Đấu tranh nội bộ là không khả thi
Điều nguy hiểm chính là ở chỗ ấy: cán bộ cấp dưới nếu có phạm pháp ít nhiều để sống thì cấp trên phải thông cảm, phải làm ngơ. Song tâm lý con người là rất ít ai chịu dừng ở mức đủ sống, mà đi xa hơn, ngày càng xa, dẫn đến phạm tội. Còn cấp trên thì sao? Lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở, và vì đám này nhiều quyền lực nên phạm vi, quy mô tham nhũng lớn, không phải chỉ kiếm thêm vài triệu/tháng như cấp dưới, mà phải 5-7 triệu, hàng chục, hàng trăm triệu. Hành vi tham nhũng của họ, công chức dưới quyền dù có biết cũng ít dám đấu tranh vì bản thân cấp dưới cũng tự biết chính mình đâu có trong sạch được 100%, giá thử có muốn đấu tranh thì chưa biết chừng kẻ bị trừng trị trước hết là chính mình chứ không phải sếp. Cho nên cấp dưới trở thành vỏ bọc che chắn cho cấp trên, rồi cấp trên lại che chắn cho cấp trên cao nữa, cứ thế tham nhũng đi dần từ dưới lên, từ cơ sở lên đến trung ương, càng lên cao tham nhũng càng tinh vi. Đến mức là trong nhiều cơ quan, ai đứng ngoài hệ thống tham nhũng sớm muộn đều bị đánh bật ra khỏi cơ quan.
Và chính vì thế mà biện pháp đấu tranh nội bộ nêu ra trong dự thảo Luật phòng chống tham nhũng chỉ là lý thuyết, chứ không thực tế. Khi tham nhũng đã tràn lan, có tính tập thể, đi từ dưới lên trên, rộng khắp, có vỏ bọc bảo vệ chắc chắn như trên đã phân tích, thì đấu tranh nội bộ không thể bảo đảm an toàn. Đó là lý do giải thích tại sao phần lớn các vụ tham nhũng đều do quần chúng, công luận đấu tranh phát hiện, chứ it khi bị tố cáo từ trong nội bộ cơ quan.
Phải cải cách chế độ tiền lương
Thành thử, nếu chúng ta còn duy trì chế độ lương phi lý như hiện nay thì không có cách nào chống tham nhũng có hiệu quả. Chúng ta đều thấy, với chế độ tiền lương hiện nay, khi không một ai có thể sống bằng lương được cả, thì tham nhũng tràn lan, khó huy động toàn xã hội chống tham nhũng được. Trung ương có lẽ đã thấy điều đó, nên đã có nghị quyết phải giải quyết vấn đề tiền lương một cách cơ bản. Vậy mà sau năm năm nghiên cứu và tiêu tốn không ít tiền của, công sức, các Bộ Tài chính và Nội vụ mới đưa ra được một đề án cải cách tiền lương tốt đến mức ... mới bắt đầu thực hiện đã phá sản hoàn toàn. Và cho đến nay, sau các kiểu điều chỉnh lương, phụ cấp linh tinh, vẫn chưa ai được tăng một đồng lương thực tế nào cả. Tiền lương cơ bản, theo giá trị mới của đồng tiền, không hề thay đổi. Cái cơ chế trả lương từng đẩy nhiều người đến hành vi sai trái mới có thể sống được vẫn giữ gần nguyên. Thế mà gọi là cải cách tiền lương một cách cơ bản, lại do một Bộ phụ trách cải cách hành chính đưa ra, thì thật khó hiểu.
Nếu mục tiêu cải cách tiền lương chỉ là tăng lương cơ bản cho đủ sống (chứ không động gì đến cơ chế phân phối lương và thu nhập phụ ngoài lương), như các Bộ phụ trách đã quan niệm, thì bất cứ ai cũng thừa hiểu đó là mục tiêu phi thực tế, đâu cần các vị phải mất công giải thích rằng chỉ tăng 10 nghìn đồng/tháng thôi cho mỗi công chức, cán bộ cũng đã vượt quá khả năng của ngân sách !
Điều lạ lùng là nếu nhiệm vụ cải cách tiền lương một cách cơ bản được hiểu như các vị thì có nghĩa là Trung ương đã giao cho các vị một nhiệm vụ bất khả thi. Sao các vị không có can đảm nói lên điều đó từ trước để khỏi tốn công tốn sức nghiên cứu đề án, mà đợi đến khi bị chất vấn mới đổ lỗi là nhiệm vụ bất khả thi ?
Từ bao lâu nay, nói đến tiền lương còn ai lạ gì cái nghịch lý sờ sờ : người nào cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đàng hoàng ! Vậy mấu chốt là phải xoá bỏ cái nghịch lý ấy chứ, tức là phải sửa cơ chế trả lương để sao cho ngoài lương chính thức ra, đại đa số công chức cán bộ không còn có thêm khoản thù lao, phụ cấp, nào khác từ ngân sách và tiền đóng góp của dân hay tiền dự án vay quốc tế. Các khoản này đều phải chỉnh đốn lại và tính gộp hết vào tiền lương chính thức cho công bằng, để các hoạt động trước đây được thù lao dưới hình thức tuỳ tiện nay đều được tính trong nhiệm vụ của người hưởng lương. Nếu làm như vậy thì với khả năng ngân sách hiện tại, theo tính toán cụ thể trong một ngành như giáo dục, lương vẫn có thể đảm bảo mức sống phù hợp năng suất lao động từng người, giúp cho mỗi người không phải lo toan xoay xở chật vật, nhiều khi phạm pháp, để mưu sinh, mà có điều kiện dồn tâm trí vào nhiệm vụ chính của mình và dành thì giờ chăm sóc gia đình, con cái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Muốn phòng, chống tham nhũng một cách triệt để thì phải cải cách tiền lương, tạo lập sự công bằng. Khi đó, nếu ai còn tìm cách xoáy thêm tiền nhà nước, móc thêm túi người dân thì không còn lý do gì bào chữa, cả về đạo đức cũng như pháp lý. Bọn quan chức tham nhũng sẽ mất đi cái vỏ bọc lâu nay vẫn che chắn chúng, cấp dưới, người dân sẽ không còn bị khống chế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đó sẽ dễ dàng hơn.
Nhìn ra thế giới, những nước nào mà công chức phải xoay xở thêm mới đủ sống đều có tình trạng tham nhũng nặng nề. Rất tiếc là Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng chưa chú ý đầy đủ kinh nghiệm đó. Đương nhiên không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn thì tham nhũng sẽ hết. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng còn gay go.
Năm 1978, trong một dịp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi ý kiến một số nhà khoa học về vấn đề chống tiêu cực, tôi đã có phát biểu đại ý như trên. Năm 1995, tôi cũng đã xin nhắc lại ý kiến đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và theo lời khuyên của cố Thủ tướng tôi cũng đã trình bày trực tiếp ý kiến đó với Thủ Tướng Phan Văn Khải, Chủ Tịch Trần Đức Lương, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, và sau này với nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Đến bây giờ, sau ba thập kỷ chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả, tôi vẫn tin rằng nếu không triệt được mầm mống tham nhũng từ trong cơ chế thì chưa có cách nào kiểm soát được cái quốc nạn này.
GS Hoàng Tụy