Ban chỉ đạo phòng, chống TN:Thuộc cơ quan nào?

Thứ Bảy 17:57 20-05-2006
Dự án Luật Phòng chống tham nhũng

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng: Trực thuộc cơ quan nào là tốt nhất?

Ngọc Lễ - Báo Pháp luật Việt nam ngày 28/09/2005

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ với Chương trình Phát triển Quốc tế của Thụy Điển (Sida) về hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, mới đây tại TP.HCM, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (Dự luật gồm 6 chương, 79 Điều). Nhiều ý kiến thiết thực, hữu ích đã được đưa ra thảo luận…

Mở rộng phạm vi đối tượng và cân nhắc khi kê khai tài sản


Trong hai phương án điều chỉnh đối tượng được đưa ra thảo luận, phương án: “Chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước như trong Pháp lệnh Chống tham nhũng hiện hành”, đã không được nhiều ý kiến ủng hộ. Vì lẽ, thực tế tham nhũng đã trở thành một vấn nạn, là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, không chỉ trong khu vực Nhà nước mà diễn ra mọi nơi, mọi lúc, giới mọi hình thức và ngày càng tinh vi xảo quyệt, nhất là khi Chính phủ chủ trương mở rộng hình thức kinh doanh của của các doanh nghiệp như đẩy mạnh cổ phần hóa thì các doanh nghiệp thuộc Nhà nước quản lý đã ngày càng được thu gọn lại. Do vậy, đa số các ý kiến tại hộ thảo đã ủng hộ phương án 2: “Mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ loại của những người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước”.

Kê khai tài sản, thu nhập (Điều 39 – Mục 4, Chương II: Phòng ngừa tham nhũng) là một vấn đề phức tạp mà nhiều đại biểu đều công nhận là rất khó xác định và đã được thảo luận nhiều tại cuộc hội thảo.

Giải quyết câu hỏi: Ai kê khai? Kê khai cái gì? Cùng với ai? Có trung thực không?...quả thực không đơn giản, nhất là khi việc sở hữu tài sản rất mờ ảo, được che dấu rất tinh vi, nhiều thủ đoạn, như trên cùng mảnh đất, ngôi nhà, quyền sử dụng, sở hữu thực là của một người nhưng giấy tờ đứng tên người khác…Chưa kể đến vấn đề, cả nước ta hiện có gần 2 triệu người làm công ăn lương, nếu kê khai thêm cả tài sản của vợ, con họ, của người cùng hộ khẩu…thì sẽ vô cùng phức tạp, lãng phí, nếu không cẩn thận đôi khi có thể vi phạm quyền tự do cá nhân…như ý kiến của ông Nguyễn Đắc Minh(VKSND TP.HCM). Ông Minh cho rằng, kê khai tài sản như Dự luật lại không quy định chế tài xử lý, vì thế rất dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa tài sản. Ngoài ra ở mục này (Mục 4 Chương II: Minh bạch tài sản, thu nhập) không có điều nào quy định rõ biện pháp thu hồi tài sản bất chính bị phát hiện sau khi kê khai. Cũng vấn đề này, ông Võ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. HCM bổ sung: Vì tài sản luôn thay đổi, sau một khoảng thời gian làm việc nó có thể tăng lên (hoặc giảm xuống) nhiều lần, nên cần phải tổ chức kiểm tra định kỳ…

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng phải là một cơ quan độc lập

Có lẽ, tất cả các đại biểu tham gia hội thảo điều gặp nhau khi tìm thấy một điểm chung ở đây (Điều 72, Mục 1, Chương V), là không nhất trí với hai phương án thành lập Ban Chỉ đạo phòngm chống tham nhũng mà dự thảo này đề ra. Đó là hai phương án đều cho Thủ tướng Chính phủ làm Tưởng ban. Nếu vậy, sẽ có những vấn đề đặt ra: Thủ tướng đã có quá nhiều việc, có thời gian để điều hành ban chỉ đạo này không? Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng ngân sách từ tiền thuế của dân, tài nguyên đất nước để chi tiêu, mua sắm, cấp phát ngân sách…vì vậy đây cũng là đối tượng mà Luật Phòng chống tham nhũng hướng tới. Đáng chú ý là Ban chỉ đạo lại không có chức năng tố tụng (đây là chức năng riêng của Cơ quan điều tra, VKSND, Tòa án). Nếu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng chức năng này là vi hiến; nếu không có chức năng này thì rõ ràng hoạt động của Ban chỉ đạo nói riêng và công cuộc phòng, chống tham nhũng nói chung sẽ không có hiệu quả. Do những bất lợi trên, hầu hết đều ủng hộ giải pháp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải là một cơ quan độc lập, trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội, hoặc thuộc một cơ quan tư pháp. Có như thế, cơ quan này mới đủ điều kiện thực thi nhiệm vụ và đấu tranh có hiệu quả…

Chấp nhận tố giác bằng thư nặc danh?

Còn nhiều ý kiến khác nhau đóng góp vào Dự luật này, như cần phải lược bớt những điều đã có cụ thể trong các luật, nghị định khác như: Luật Hình sự, Pháp lệnh công chức…; Cần có quy định cụ thể về mức độ và giới hạn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng…Đáng chú ý là việc không nên bỏ qua tố giác những bức thư nặc danh.

Ở Mục 4-Chương III “Tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng”, người tố cáo bằng thư nặc danh đã không được đề cập mà chỉ nêu rõ họ tên, địa chỉ, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu mà mình có…”. Ông Lương Hoài Nam (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI) và đại biểu của Ngân hàng Đầu tư – Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long đều nêu rõ ý kiến: Thực tế có những người tố cáo sự thật nhưng e sợ bị trù dập, không được bảo vệ nên phải viết thư nặc danh, hơn nữa tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, do vậy để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này nên mở rộng đối với các trường hợp: cơ quan phòng, chống tham nhũng cần tiếp nhận cả ý kiến phản ánh từ thư nặc danh để xem xét, nhìn nhận, phán đoán…

Rõ ràng, còn phải trải qua thêm nhiều cuộc thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp để bộ luật hữu ích và cấp thiết này đi vào cuộc sống và phát huy hết hiệu quả của nó đối với sự phát triển của đất nước.

Các văn bản liên quan