Thương nhân nước ngoài hoạt động TM tại VN

Thứ Sáu 15:51 26-05-2006
Góp ý Dự thảo Luật Thương Mại (Sửa đổi)

Phạm Sỹ Chung, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư - Bộ TM
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam


Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Thương Mại (sửa đổi) xin có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau về "Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam” (từ điều 17 đến 26):

So với Luật Thương Mại hiện hành, Dự thảo lần này đã quy định khá chi tiết quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại ở Việt Nam, tuy nhiên còn có một số vấn đề sau cần bổ sung sửa đổi:

- Quyền của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Điều 22- Mục 1 quy định: "Thương nhân được thực hiện các hoạt động thương mại quy định trong giấy phép", trong khi Luật Thương Mại (sửa đổi) không quy định về nội dung giấy phép thành lập chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong đó thể hiện rõ nội dung, phạm vi hoạt động được phép của Chi nhánh thương nhân nuớc ngoài như thế nào.

Theo chúng tôi cần quy định cụ thể về danh mục hàng hoá, dịch vụ Chi nhánh thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh tại Việt Nam. Có như vậy mới cụ thể hoá được phạm vi hoạt động của Chi nhánh.

- Về doanh nghiệp Liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và các hình thức khác:

+ Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ có Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định về loại hình doanh nghiệp Liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nay nếu đưa thêm các đối tượng này vào Luật Thương Mại (sửa đổi) cũng cần quy định rõ về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động hoặc quy định rõ là loại hình doanh nghiệp này sẽ được quy định trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi)

+ Về khái niệm thương nhân nước ngoài: khái niệm "thương nhân nước ngoài" chỉ áp dụng cho Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là hoàn toàn chính xác; nhưng khái niệm này không thể áp dụng cho doanh nghiệp Liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập theo quy định của Pháp luật Việt Nam (như hiện tại là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) vì các doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân Việt Nam và là một trong các thành phần kinh tế của Việt Nam

- Về thẩm quyền quản lý đối với thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam;

Việc tách thẩm quyền quản lý đối với thương nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như quy định tại Điều 25; thương nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch đầu tư quản lý việc cấp phép còn doanh nghiêp Liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam chuyên thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá do Bộ Thương Mại quản lý cấp phép (gọi tắt là chuyên hoạt động thương mại) là không khả thi bởi lẽ:

+ Nếu thương nhân nước ngoài chuyên hoạt động thương mại thuần tuý tại Việt Nam thì thực chất không phải là hoạt động đầu tư (không cần có đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị), do đó đương nhiên đối tượng này không thuộc phạm vi quản lý của của Bộ Kế hoạch đầu tư (theo quy định tại Điều 25.2).

+ Nếu thương nhân nước ngoài xin đăng ký thành lập doanh nghiệp Liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để hoạt động chuyên trong lĩnh vực thương mại thì như phân tích ở trên loại hình doanh nghiệp này không thể coi là thương nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thương Mại được mà thực chất doanh nghiệp đã là pháp nhân Việt Nam. Hơn nữa trong thực tế thu hút đầu tư nước ngoài của các nước trên thế giới, các nước thường chú trọng thu hút các thương nhân vào đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ và trong hoạt động của doanh nghiệp có thêm chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối trong nước. Như vậy mới đạt được mục tiêu chính yếu của chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nếu cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp Liên doanh chuyên hoạt động thương mại thuần tuý tại Việt Nam sẽ phần nào đi ngược với định hướng phát triển hiện nay: thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Như vậy, theo ý kiến của chúng tôi, chỉ nên đưa hình thức Văn phòng đại diện và Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam vào đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật Thương Mại (sửa đổi), còn các hình thức doanh nghiệp Liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên hoạt động thương mại thì nên đưa vào quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Các văn bản liên quan