Luật sở hữu trí tuệ thiếu tính khả thi

Thứ Sáu 15:50 26-05-2006
Luật sở hữu trí tuệ thiếu tính khả thi

VNExpress, ngày 30/5/2005

Chiều 30/3, dự án Luật sở hữu trí tuệ lần đầu tiên đã ra mắt Quốc hội. Theo nhiều đại biểu, dự luật thiết kế quá "Tây", chưa phù hợp với thực tế trong nước. Một số quy định như: bảo hộ giống cây trồng, dịch vụ kinh doanh karaoke phải trả phí bài hát còn thiếu tính khả thi.

Đại biểu Vũ Tuyên Hoàng (Chủ tịch Hội liên hiệp KHKT Việt Nam) cho rằng, các tác phẩm âm nhạc, văn học rất dễ phát hiện khi bị copy, còn với giống cây trồng thì không như vậy. Do yêu cầu sản xuất, giống được trồng ở nhiều địa phương rất khó kiểm soát, ngay tên gọi cũng có nhiều "dị bản". Các quy định về quyền bảo hộ giống cây trong như dự luật là không thực tế.

"Là chuyên gia về cây trồng, tôi rất cảm ơn ban soạn thảo đã dành 6 trang cho vấn đề này. Theo tôi nên rút ngắn lại 2 trang thì tốt hơn, bởi tính khả thi của luật không cao. Hiện nay, nông dân vẫn lấy giống hoa, trái cây nước ngoài trồng vô tư, họ có kiện ta đâu", ông Hoàng nói.

Theo điều 23 của dự luật, các trường hợp sử dụng bài hát, bản nhạc để phát thanh, truyền hình, biểu diễn tại nhà hàng, khách sạn hoặc kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đại biểu Huỳnh Thu Phước (Ninh Thuận) băn khoăn, tổ chức nào sẽ giám sát việc trả thù lao tại các nhà hàng, khách sạn, điểm karaoke? Những cơ sở kinh doanh karaoke nhỏ ở các vùng quê liệu có kiểm soát được không.

Trao đổi với VnExpress, đại biểu Đỗ Hồng Quân, Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, cũng cho rằng, quy định thu phí bài hát từ dịch vụ karaoke không nhiều tính khả thi. Lý do là ý thức tự giác người dân chưa cao và Việt Nam cũng chưa có cơ quan quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, trong tương lai, quy định này sẽ kích thích tác giả trong việc sáng tạo.

Theo ông Quân, vấn đề xâm phạm quyền tác giả hiện rất trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Cách đây 3 năm, trung tâm bảo vệ quyền tác giả ra đời, nhưng mới chỉ bảo vệ được quyền lợi cho một số tác giả nổi tiếng như Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Luật sở hữu trí tuệ sẽ không thể đi vào cuộc sống nếu không xây dựng được ý thức tự giác của người dân và các chế tài mạnh.

Tán đồng với quan điểm này, đại biểu Trần Thu Hà (Hà Nội) cho rằng, tình trạng vi phạm quyền tác giả đang ở mức báo động, phổ biến, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn. Thế nhưng, dự luật chưa quy định rõ hành vi nào xử lý dân sự, hành vi nào phải truy cứu hình sự. Theo bà Hà, Bộ Văn hóa Thông tin, Hội nhạc sỹ VN đấu tranh bảo vệ quyền tác giả 6-7 năm qua, nhưng do chưa có chế tài rõ ràng nên chỉ bảo hộ được 5% tác phẩm âm nhạc.

Việt Anh

Các văn bản liên quan