Thực hiện Luật bảo vệ môi trường với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

Thứ Hai 10:10 12-09-2011

THỰC HIỆN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI THỰC TIỄN SẢN XUẤT – KINH DOANH CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN – KHOÁNG SẢN VIỆT NAM (VINACOMIN)

(Tham luận tại Hội thảo “Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Bảo vệ môi trường

Hà Nội, ngày 07/9/2011

Trần Miên – Trưởng ban Môi trường

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam

226, Lê Duẩn, Hà Nội

ĐT: (033) 3822640 – Fax: (033) 3827741

Email: mient@vinacomin.vn

I. Đặt vấn đề:

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực thi hành từ 01/7/2006 cho đến nay đã được 05 năm và đã thực sự trở thành một công cụ pháp luật hữu hiệu cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với môi trường. Về cơ bản, các doanh nghiệp đã tuân thủ các văn bản qui định của pháp luật về BVMT và ngược lại, hệ thống văn bản qui định pháp luật về BVMT đã giúp cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình ngày càng dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập và cùng với thời gian, các văn bản qui phạm pháp luật cũng không tránh khỏi tình trạng không còn phù hợp với thực tiễn, do vậy đã có những biểu hiện bật cập của các văn bản qui phạm pháp luật trong quá trình áp dụng. Trong tham luận này, xuất phát từ góc độ quản lý môi trường trong doanh nghiệp, chúng tôi xin điểm qua những đóng góp tích cực của Luật BVMT và các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời trình bày một số vấn đề nảy sinh từ thực tiễn sản xuất – kinh doanh của một Tập đoàn kinh tế nhà nước dẫn đến đòi hỏi cần phải có những thay đổi, điều chỉnh Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với thực tiễn hoặc có hướng dẫn thực hiện cho phù hợp đối với các doanh nghiệp.

II. Nhận xét tổng quan về Luật BVMT năm 2005:

1. Những mặt tích cực :

So với Luật BVMT năm 1993, Luật BVMT năm 2005 đã có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và sát thực với thực tiễn hơn. Các điều khoản qui định của Luật và các văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đối với các doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã có những cập nhật, điều chỉnh một số vấn đề nảy sinh từ thực tiễn thi hành Luật BVMT tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ( Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 và các Thông tư đi kèm). Các điều chỉnh này đã giúp cho các doanh nghiệp xử lý cụ thể được nhiều vấn đề như đổ thải xuống biển, phân cấp thẩm định và phê duyệt ĐTM, tiêu chí phân loại các dự án chế biến khoáng sản phải lập ĐTM, qui định nguồn kinh phí lập ĐMC, ĐTM và CKBVMT... Một số điều chỉnh theo xu thế có lợi hơn và phù hợp thực tế hơn đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện lập ĐTM, CKBVMT như mở rộng thời hạn lập ĐTM, CKBVMT điều chỉnh, giảm bớt chỉ tiêu kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải (BOD)...

2. Những tồn tại và hạn chế:

- Việc liên tục bổ sung, điều chỉnh các văn bản dưới Luật như các Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 và các Thông tư đi kèm, một mặt thể hiện sự bám sát thực tiễn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng mặt khác cũng thể hiện tính phức tạp của thực tiễn và khả năng bao quát chưa cao khi soạn thảo (ví dụ: Điều 17 của Nghị định 80 phải bổ sung thêm 03 khoản, Điều 21 phải bổ sung thêm nhiều ý để hướng dẫn thực hiện) và đặc biệt là thiếu sự phối hợp, tham khảo giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản qui phạm pháp luật, ví dụ: không tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp trước khi soạn thảo và ban hành Nghị định, Thông tư hướng về thu phí BVMT đối với chất thải rắn.

- Các văn bản điều chỉnh nhiều nhưng không phủ nhận lẫn nhau nên nhiều văn bản đồng thời tồn tại, do vậy việc vận dụng của các doanh nghiệp gặp nhiều phức tạp do đồng thời phải vận dụng nhiều văn bản viện dẫn, ví dụ: các Nghị định số 80, 21, 29 và các Thông tư đi kèm.

II. Một số vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động sản xuất- kinh doanh của VINACOMIN có liên quan đến các văn bản qui định về BVMT:

1 . Giới thiệu tóm tắt về h ệ thống bảo vệ môi trường của VINACOMIN :

Bộ máy bảo vệ môi trường của VINACOMIN được xây dựng theo một hệ thống chuyên ngành từ Công ty mẹ - VINACOMIN đến các đơn vị trực thuộc, các công ty con. Tại Công ty mẹ, Ban Môi trường được thành lập từ ngày 16/9/2007 trên cơ sở tách Ban Tài nguyên và Môi trường thành hai Ban: Ban Tài nguyên và Ban Môi trường.

Ban Môi trường của Tập đoàn là đầu mối giúp Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc trong quan hệ với các cơ quan trung ương và địa phương trong quản lý và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường; chủ trì và hướng dẫn thực hiện các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn; chủ trì nghiên cứu, đề xuất lựa chọn các phương án, giải pháp công nghệ môi trường phù hợp cho từng điều kiện cụ thể; thẩm định các dự án môi trường; quản lý tổng hợp công tác bảo vệ môi trường toàn Tập đoàn; đầu mối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững, sản xuất sạch hơn, biến đổi khí hậu và phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Biên chế hiện tại của Ban là 05 người.

Tại một số công ty con, Phòng Môi trường đã được thành lập. Tuy nhiên, việc thành lập các phòng Môi trường tại các công ty con chưa đều khắp. Tại nhiều đơn vị, bộ phận quản lý môi trường vẫn ghép chung với các phòng kỹ thuật. Ban Môi trường của VINCOMIN đóng vai trò của cơ quan chuyên môn đầu ngành, chỉ đạo và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, đồng thời đưa công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn đi vào nề nếp.

Hoạt động của Ban Môi trường VINACOMIN mang hai đặc tính rõ rệt: vừa làm công tác chuyên môn kỹ thuật vừa thực hiện chức năng quản lý trong một tập đoàn kinh tế.

2. Những vấn đề liên quan đến qui định pháp luật về BVMT nảy sinh từ thực tiến sản xuất – kinh doanh của VINACOMIN:

2.1. Về vai trò và vị trí quản lý môi trường của bộ phận quản lý môi trường chuyên trách của một Tập đoàn kinh tế trong hệ thống quản lý môi trường:

Tại Điều 21 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 có qui định về việc gửi các quyết định phê duyệt ĐTM, theo đó chủ dự án là người được tiếp nhận các Quyết định phê duyệt. Trong thực tế, các quyết định phê duyệt ĐTM, dự án CT, PHMT không được gửi cho cơ quan chủ quản của chủ dự án trong mô hình tập đoàn kinh tế (Công ty mẹ). Đề nghị xem xét sửa đổi lại qui định trên để giúp cho Công ty mẹ thuận tiện trong việc quản lý và kiểm soát tốt hơn việc thực hiện qui định pháp luật của các đơn vị thành viên. Trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thông báo cho Công ty mẹ về kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tạo mối quan hệ chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp cho Công ty mẹ kiểm soát tốt hơn, quản lý chặt hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp thành viên.

2.2. Về qui định thành lập lực lương môi trường chuyên trách trong các doanh nghiệp:

Với chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện các qui định về bảo vệ môi trường trong mô hình tập đoàn kinh tế, bộ phận quản lý môi trường của một tập đoàn thực sự có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn đồng thời thực hiện các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm hoạt động của VINACOMIN cho thấy rằng, nếu không có bộ phận quản lý môi trường chuyên trách thì việc thực hiện các qui định pháp luật vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ rất hạn chế vì phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu đơn vị và sự tự giác của doanh nghiệp. Trong Tổ hợp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có nhiều loại hình doanh nghiệp: 100% vốn nhà nước, cổ phần, liên kết, liên doanh. Tại Nghị định 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ có qui định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường nhưng chỉ trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Đề nghị nên sửa đổi qui định này theo hướng qui định chung cho doanh nghiệp, không phân biệt loại hình.

2.3. Vấn đề thu gom, vận chuyển CTNH trong phạm vi hàng rào ranh giới mỏ, nhà máy:

Theo qui định hiện hành, việc thu gom và vận chuyển CTNH phải do các cơ sở chuyên ngành được cấp phép thực hiện. Đề nghị xem xét điều chỉnh lại qui định này theo hướng cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép thu gom và vận chuyển CTNH trong phạm vi hàng rào nhà máy, mỏ... để tập trung CTNH, tránh tình trạng nhiều kho nhỏ lẻ, phân tán như hiện nay, đồng thời đề nghị xem xét cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tự xử lý một số CTNH đơn giản với khối lượng nhỏ, không yêu cầu công nghệ xử lý cao như giẻ lau nhiễm dầu mỡ, các loại thùng đựng hóa chất bằng các-tông, các chai lọ đựng hóa chất... trong điều kiện môi trường nhất định như tiêu hủy xa khu dân cư, có các thiết bị tiêu hủy đạt tiêu chuẩn.

2.4. Vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường trong điều kiện mỏ tập trung:

Tại vùng than Quảng Ninh, do điều kiện các mỏ tập trung, xin thuê đất làm bãi thải ngày càng khó khăn nên tại một khu vực đổ thải có thể có một vài đơn vị cùng đổ thải. Ranh giới phân chia không gian cho từng đơn vị cũng chỉ có tính chất tương đối. Việc đổ thải của các mỏ sẽ kết thúc không cùng một thời gian, khối lượng đổ thải của các mỏ không đồng đều nhau. Do vậy, đã nảy sinh vấn đề liên quan đến trách nhiệm lập và thực hiện dự án CT, PHMT và ký quỹ CT, PHMT sau khai thác, theo đó, nếu tất cả các đơn vị có tham gia đổ thải cùng lập dự án và ký quỹ CT, PHMT thì rất tốn kém và mất nhiều thời gian, đọng vốn kinh doanh. Đề nghị xem xét sửa đổi lại các qui định về trách nhiệm lập dự án kỹ quỹ và thực hiện dự án CT, PHMT theo hướng: mỏ đổ thải cuối cùng có trách nhiệm lập dự án, ký quỹ và thực hiện dự án CT, PHMT sau khai thác cho toàn bộ bãi thải có đổ thải chung.

2.5. Vấn đề cấp phép xả thải trong điều kiện xử lý nước thải chuyên ngành:

Nhằm tăng tốc độ xử lý nước thải mỏ, VINACOMIN giao cho một đơn vị môi trường chuyên trách là Công ty Môi trường làm chủ đầu tư và quản lý vận hành các dự án xử lý nước thải mỏ hầm lò. Theo qui định của các văn bản qui phạm pháp luật, công ty khai thác mỏ có trách nhiệm xử lý nước thải và xin cấp phép xả thải vào nguồn. Đề nghị xem xét chỉnh sửa lại các qui định về: i/ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xử lý nước thải mỏ cho các chủ mỏ mặc dù không trực tiếp xây dựng và vận hành công trình xử lý nước thải hoàn thành; ii/ cấp giấy phép xả thải vào nguồn cho đơn vị xử lý nước thải chuyên ngành được giao làm chủ đầu tư và vận hành trạm xử lý nước thải mỏ thay cho chủ mỏ. Vấn đề này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận và hiện đang thực hiện tại vùng than Quảng Ninh.

2.6. Vấn đề phí BVMT đối với chất thải rắn đối với đất đá thải mỏ:

Đất đá thải mỏ là loại vật liệu phủ bên ngoài lớp khoáng vật (than, khoáng sản) cần phải được bóc đi để lấy khoáng vật. Loại vật liệu này không tham gia vào quá trình chế biến, không phải là vật liệu thải bỏ của một quá trình tuyển, luyện. Như vậy, đất đá thải mỏ có được coi là chất thải hay không? Có nên coi là đối tượng phải thu phí BVMT đối với chất thải rắn hay không?

2.7. Vấn đề ngưỡng tải lượng của môi trường nước nền trong thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải:

Hiện nay, phí BVMT được thu trên cơ sở lượng nước thải thải ra và tải lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải. Tải lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải được xác định trên cơ sở số liệu quan trắc, phân tích nước thải. Trong thực tế đối với ngành công nghiệp khai khoáng, nước sử dụng cho các khâu công nghệ là nước mặt (nước sông, suối, hồ...) vốn có sẵn một lượng nhất định tải lượng chất gây ô nhiễm (SS, Fe, Mn hoặc kim loại nặng) nhưng không được phân tích và đánh giá chất lượng trước khi tham gia vào quá trình công nghệ. Với cách tính thu phí BVMT đối với nước thải hiện nay, doanh nghiệp phải trả phí cho cả lượng chất gây ô nhiễm có sẵn trong nước mặt. Đề nghị xem xét và điều chỉnh lại cách tính.

2.8. Vấn đề sử dụng đơn giá chuyên ngành trong lập dự toán dự án CT, PHMT sau khai thác:

Theo qui định hiện hành, đơn giá được sử dụng để tính dự toán các dự án CT, PHMT được hướng dẫn lấy theo đơn giá tại địa phương nơi dự án được thực hiện. Trong thực tế ngành khai thác than, khoáng sản, các công đoạn lấp moong khai thác (hoàn thổ), vận chuyển đất đá bóc lên bãi thải, san cắt tầng bãi thải là các khâu trong dây chuyền sản xuất mỏ và được VINACOMIN thanh toán cho các đơn vị thành viên theo đơn giá khoán nội bộ. Việc thực hiện các khâu công đoạn này chính là thực hiện một phần dự án CT, PHMT ngay trong quá trình sản xuất. Đề nghị xem xét chấp thuận áp dụng đơn giá chuyên ngành trong tính toán chi phí CT, PHMT và loại bỏ chi phí ký quỹ CT, PHMT đối với công đoạn lấp moong khai thác, san cắt tầng bãi thải trong các dự án CT, PHMT nếu doanh nghiệp chứng minh được phần việc này sẽ được thực hiện ngay trong quá trình sản xuất và hoàn thành đồng thời với việc kết thúc khai thác để giảm nhẹ việc đọng vốn lưu động trong khoản tiền ký quỹ.

2.9. Vấn đề phân định rõ ràng, cụ thể, dứt khoát giữa trách nhiệm của doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc sử dụng các phí BVMT để giải quyết các vấn đề môi trường có liên quan:

Hầu hết các loại phí BVMT đều được để lại cho địa phương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây ra đối với môi trường nằm ngoài ranh giới mỏ nhưng thực tế việc sử dụng phí BVMT cho mục đích này tại địa phương vẫn chưa được rạch ròi, các doanh nghiệp vẫn phải tham gia thêm các khoản đóng góp khác nằm dưới hình thức phí cộng quản, phí vệ sinh môi trường hoặc đóng góp sửa chữa các công trình hạ tầng công (đường dân sinh, chỉnh trang đô thị, nạo vét suối...). Đề nghị cần xem xét qui định thật rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp với vai trò của người nộp thuế và sự tham gia tự nguyện vào đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Đề nghị này không vận dụng cho các doanh nghiệp coi việc đóng phí là hoàn thành nghĩa vụ để trốn tránh trách nhiệm khắc phục và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2.10. Sử dụng một cách tổng hợp, hợp lý nguồn chất thải từ hoạt động khai thác khoáng sản:

Hàng năm, hoạt động khai thác khoáng sản thải ra môi trường hàng trăm triệu tấn đất đá. Loại vật liệu này có thể dùng trong san lấp mặt bằng, làm vật liệu xây dựng. Cần xem xét đưa vào văn bản luật việc khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng đất đá bóc từ hoạt động khai thác khoáng sản thay thế cho nguồn vật liệu san lấp nền được sử dụng từ đất đồi tự nhiên để giảm lượng đất đá thải đưa ra môi trường và giảm chiếm dụng đất làm bãi thải.

III. Kết luận và kiến nghị:

Luật BVMT đã đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp BVMT, nhất là trong hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Những bất cập, bất hợp lý, không phù hợp với thực tế của Luật và các văn bản dưới Luật nảy sinh trong quá trình thực hiện là đương nhiên, do vậy đòi hỏi phải thường xuyên có sự rà soát, điều chỉnh.

Để việc rà soát, điều chỉnh các văn bản qui định pháp luật phản ánh đúng và sát thực yêu cầu của thực tiễn,việc tổ chức các hội thảo, trao đổi, góp ý kiến đối với các doanh nghiệp là rất cần thiết, cần được các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương quan tâm thực hiện. Những vấn đề nảy sinh trong thực tế hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đối với công tác BVMT được trình bày tại Hội thảo hôm nay cũng phản ánh đúng thực trạng đó. Chúng tôi rất hy vọng góp được một phần tiếng nói của mình trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ đối với sự nghiệp BVMT thông qua Hội thảo này.

Xin trân trọng cám ơn sự chú ý lắng nghe của quí vị!

Các văn bản liên quan