Một số ý kiến về bảo vệ môi trường các làng nghề – Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch HH Làng nghề Việt Nam

Thứ Hai 10:10 12-09-2011

Một số ý kiến

về bảo vệ môi trường các làng nghề

(Phát biểu tại Hội thảo hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Bảo vệ môi trường,

do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, Hà Nội, 7-9-2011)

Vũ Quốc Tuấn

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Cả nước ta hiện có khoảng 2.790 làng nghề với khoảng 11 triệu lao động trong 1,5 triệu hộ, kinh doanh khoảng 60 ngành nghề tiểu thủ công. Giá trị to lớn của làng nghề không chỉ ở chỗ tạo ra nhiều việc làm, sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mà quan trọng hơn nữa là đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống rất quý báu của dân tộc. Tuy vậy, nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng; tình hình này đã được báo động từ nhiều năm nay, song vẫn chưa có cải thiện như mong muốn. Từ thực tiễn, xin góp một số ý kiến về việc bảo vệ môi trường làng nghề cũng như trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2005 như sau.

Thực trạng môi trường làng nghề

Tình hình ô nhiễm môi trường tại nhiều làng nghề đang rất nghiêm trọng, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã nêu lên thực trạng ô nhiễm tại nhiều làng nghề như sau.

Các dạng ô nhiễm trong làng nghề hiện nay chủ yếu là 1) ô nhiễm môi trường không khí, do sử dụng các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong công nghệ sản xuất sản phẩm làng nghề; 2) ô nhiễm môi trường nước (nước mặt và nước dưới đất) do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất; 3) ô nhiễm môi trường đất, do các chất thải rắn sinh ra. Những loại hình làng nghề đang gây ô nhiễm như sau: 1) làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm (kể cả ô nhiễm do khí thải, nước thải, chất thải rắn và ô nhiễm vi khí hậu); 2) làng nghề dệt, nhuộm, ươm tơ, thuộc da (ô nhiễm khí thải, nhất là nước thải do sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc tẩy,…); 3) làng nghề gốm sứ, sơn mài, chế tác đá, gỗ mỹ nghệ (ô nhiễm khí thải do nhiều bụi, hơi xăng, dung môi, riêng gốm sứ ô nhiễm nhiệt nghiêm trọng); 4) làng nghề tái chế, nhất là tái chế kim loại, tái chế giấy, tái chế nhựa (ô nhiễm nặng do các loại bụi hơi kim loại, tạp chất từ giấy phế liệu, các loại nhựa cao su); và 5) làng nghề khai thác đá, vật liệu xây dựng (ô nhiễm khí do nhiều loại bụi, các loại xỉ than, xỉ đá, ô nhiễm nhiệt, độ rung, tiếng ồn).

Trong các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh và triệu chứng bệnh cao nhất là về các nhóm bệnh: tai mũi họng; mắt; da liễu; bệnh về đường tiêu hóa; bệnh nhiễm độc kim loại, ung thư. Tác hại do môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong các làng nghề thật không nhỏ. Tỷ lệ người mắc bệnh trong làng nghề đang có xu hướng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân trong các làng nghề ô nhiễm ngày càng giảm đi, thấp hơn khoảng 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước.

Ảnh hưởng và tác hại của ô nhiệm môi trường làng nghề thật sự là rất đáng lo ngại. Làng nghề ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cư dân làng nghề mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của cả vùng, do các chất thải chứa nhiều tạp chất phát sinh từ hoạt động của các làng nghề gây ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, khí, đất, gây nguy hại đến sự sinh trưởng của các loại thục vật, động vật sống trong môi trường đó, làm giảm năng suất và sản lượng lương thực và các loại hoa màu, sản lượng thủy sản. Làng nghề ô nhiễm cũng đã gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển hoạt động du lịch – một tài nguyên du lịch rất phong phú của nước ta.

Trên đây là những nét khái quát về thực trạng ô nhiễm nặng nề trong các làng nghề và ảnh hưởng xấu của tình trạng này đến sự phát triển của làng nghề cũng như đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường 2005 (có hiệu lực từ 01 tháng 07 năm 2006) và nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn đã được ban hành. Năm 2008, Báo cáo về Môi trư­­­ờng Quốc gia năm 2008 với chủ đề " Môi trư­­­ờng làng nghề " do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã đánh giá khá đầy đủ hiện trạng, tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trư­­­ờng làng nghề và các giải pháp chung để khắc phục . Thế nhưng môi trường các làng nghề vẫn tiếp tục suy thoái; ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn nghiêm trọng. Đó là do còn nhiều bất cập, hạn chế chưa được giải quyết, kể cả trong văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện.

Một số nguyên tắc cần quán triệt

Từ thực tiễn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, cũng như qua theo dõi tình hình xử lý ô nhiễm tại các làng nghề, chúng tôi xin nêu một số nguyên tắc chỉ đạo việc soạn thảo các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường làng nghề như sau.

- Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề là một nhiệm vụ rất cấp bách, khẩn trương, song cần đặt vấn đề này trong tổng thể cuộc bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đang rất cấp thiết đối với nước ta, đồng thời đặt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới . Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi toàn diện, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, trong các công tác như quy hoạch, kế hoạch và các chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế - xã hội, phát triển nông thôn, gắn kết yêu cầu bảo vệ môi trường trong công tác quy hoạch khu dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Không thể giải quyết ô nhiễm làng nghề một cách riêng rẽ tách khỏi việc xử lý các vấn đề nói trên.

- Tình hình ô nhiễm trong các làng nghề là rất đáng lo ngại, song cần phân loại mức độ ô nhiễm của các làng nghề và có lộ trình giải quyết dứt điểm , không thể để kéo dài như hiện nay. Những làng ô nhiễm nặng nề cần giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt; những làng nghề ô nhiễm ở mức độ thấp hơn hoặc cần thời gian nhiều hơn, chi phí tốn kém hơn thì có thể giải quyết từng bước. Không thể kéo dài sự tồn tại của các cơ sở phá dỡ ô tô cũ đang thải ra nhiều hóa chất độc hại (như Đài Truyền hình VTV1 đã đưa tin thời gian gần đây) và cũng không thể gọi những cơ sở này là “làng nghề”.

- Về chính sách, do đặc thù của sự phát triển các làng nghề trước đây (tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở sản xuất ở ngay trong nhà dân, ô nhiễm diễn ra trong thời gian dài, một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chưa thật nhận thức sâu sắc tính cấp bách phải giải quyết, hoặc thiếu điều kiện để thực hiện các biện pháp, có phần ỷ lại vào Nhà nước, v.v…), cho nên phải rất chú trọng kết hợp giữa biện pháp giáo dục tư tưởng, nâng cao ý thức tự nguyện với biện pháp cưỡng bức, bắt buộc; kết hợp giữa biện pháp kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện với biện pháp hành chính.

- Việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề cần được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các Bộ, Ngành và cơ quan chính quyền địa phương các cấp . Sự phối hợp này không chỉ trong việc soạn thảo văn bản pháp quy (tránh chồng chéo, bỏ sót hoặc triệt tiêu lẫn nhau), mà nhất là trong việc tổ chức thực hiện, bố trí lực lượng (ngân sách, cán bộ) để có thể tập trung lực lượng, giải quyết dứt điểm từng vụ việc có hiệu quả thiết thực. Đây là một nguyên tắc quan trọng, vì trong thực tế, sự thiếu kết hợp trong tổ chức thực hiện đang diễn ra khá phổ biến, gây ra sự lãng phí không nhỏ cả về công sức, kết quả nghiên cứu, thời gian và tiền bạc.

- Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề cần có sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp . Các đoàn thể nhân dân, các hội nghề nghiệp trong các làng nghề là những tổ chức xã hội đại diện cho các làng nghề; gắn bó với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, nắm vững tình hình, tâm tư nguyện vọng của cơ sở, của các làng nghề. Các đoàn thể, tổ chức xã hội này cần được tạo điều kiện để trực tiếp tham gia việc hoạch định thể chế, chính sách liên quan về bảo vệ môi trường làng nghề cũng như trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách ấy, như một phương thức huy động sức mạnh của cộng đồng vào công việc chung của xã hội.

Một số kiến nghị về chính sách

Dự thảo Báo cáo rà soát Luật Bảo vệ môi trường 2005 do các giáo sư, tiến sĩ thực hiện trình bày trong Hội thảo hôm nay đã được thực hiện công phu, nêu ra nhiều khuyến nghị rất xác đáng.

Từ thực tiễn, xét trên giác độ những đối tượng chịu sự tác động của luật pháp về môi trường tại các làng nghề, xin nhấn mạnh thêm một số điểm như sau.

1. Các cơ sở sản xuât kinh doanh trong làng nghề . Trách nhiệm trước hết là của mỗi làng nghề, của mỗi cơ sở sản xuất trong làng nghề, họ phải nâng cao nhận thức về sự nguy hại của ô nhiễm môi trường, chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật (về quy chuẩn môi trường, về thuế, phí bảo vệ môi trường …). Thế nhưng, thực tế cho thấy bản thân các cơ sở sản xuất trong làng nghề có ô nhiễm chưa thực hiện được đầy đủ các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có phần tuy nhận thức được nguy hại của ô nhiễm môi trường, nhưng không đủ sức xử lý vì chi phí quá cao; chỉ có một số rất ít làng nghề có kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải, chất rắn để giảm ô nhiễm môi trường, hoặc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch.

Nhiều làng nghề đã có kinh nghiệm xã hội hóa việc bảo vệ môi trường tại địa phương, như huy động các cơ sớ sản xuất, các cộng đồng dân cư trong làng nghề tham gia, tức là những người được hưởng thụ lợi ích môi trường cần đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường bằng các hình thức: đóng góp sức lao động của các hộ gia đình, các cơ quan trường học … vào các hoạt động như: giữ gìn vệ sinh nơi sản xuất, nơi sinh hoạt, giữ sạch sẽ đường làng ngõ xóm; tổ chức, khai thông và định kỳ nạo vét cống nước thải; tham gia chương trình nước sạch; thu gom rác đúng nơi quy định của làng xã, không đổ bừa bãi rác thải ra nơi công cộng; tận thu chất thải sản xuất như xây dựng hầm biogas, tận dụng xơ sắn, dong riềng làm thức ăn gia súc, v.v… Nhiều làng nghề đã sử dụng một tỷ lệ nhất định ngày lao động công ích theo luật định (pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích) vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước thải, bãi chôn lấp chất thải rắn của địa phương; đồng thời có cơ chế khuyến khích các tổ chức hoặc cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho làng nghề, xây dựng các thiết bị xử lý chất thải, thành lập các hợp tác xã quản lý chất thải, hoặc tận dụng các phế thải vào sản xuất các loại phân vi sinh cho nông nghiệp, v.v… Những kinh nghiêm tốt ấy cần được quan tâm và có chính sách khuyến khích nhân rộng.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta đã có các Bộ, Ngành, một hệ thống các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường làng nghề. Đã đến lúc các cơ quan này cần hoạt động một cách thiết thực, có hiệu quả hơn nữa để giúp các làng nghề hạn chế càng nhanh càng tốt tình trạng ô nhiễm. Đây chính là việc đổi mới chức năng của Nhà nước, “chuyển mạnh tử nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu (trong bài viết đăng trên các báo ngày 1-8-2011). Đó là việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về mối trường, trong đó có môi trường làng nghề. Cần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hỗ trợ và dẫn dắt các hoạt động bảo vệ môi trường ở làng nghề. Đây là một hệ thống các giải pháp mang tính tổng hợp, từ giáo dục, nâng cao nhận thức, đến quy hoạch và các giải pháp khác về kinh tế, kỹ thuật và pháp luật. Cơ quan nhà nước nên chuyển giao một số dự án, dịch vụ công về môi trường cho các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội thực hiện.

Thời gian qua, cũng đã có một số dự án cấp nhà nước, cấp tỉnh về giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng việc thực hiện thiếu tập trung, dẫn đến hiệu quả chưa cao; ở một số nơi, các giải pháp không được triển khai tiếp sau khi dự án kết thúc. Cần rút kinh nghiệm về thực hiện các dự án thời gian trước đây (bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn nước ngoài), có kế hoạch triển khai các dự án mới một cách công khai, minh bạch, đạt hiệu quả cao, tránh các tiêu cực “xin – cho”, tham nhũng.

Về các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, chúng ta đã có Luật Môi trường 2005 và nhiều văn bản về vấn đề này, như Nghị định 67/2003/NĐ- CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Nghị định số 174/2007/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và sắp tới là nghị định về phí đối với khí thải, v.v… Cũng đã có những quy định buộc mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường (đối với các dự án đầu tư cơ sở mới) hoặc phải lập đề án bảo vệ môi trường (đối với các cơ sở đang hoạt động); v.v… Song hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, chưa được cụ thể hóa; chức nâng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các Bộ, ngành và nhất là trách nhiệm của các ủy ban nhân dân các cấp (kể cả trách nhiệm của cấp làng, xã, thôn, bản) chưa rõ ràng và còn chồng chéo; việc triển khai các công cụ quản lý còn nhiều yếu kém; nhân lực và tài chính cho bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật cần nhằm vào khắc phục những nhược điểm nói trên. Cần thiết tiến hành khảo sát, tổng kết thực tiễn về từng chuyên đề, mở các cuộc thảo luận công khai, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, ý kiến của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, để các quy định sát với thực tiễn cuộc sống. Đề nghị nghiên cứu ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo các đặc thù của mỗi loại hình sản xuất làng nghề. Cần có chính sách khuyến khích mọi tổ chức, mọi cá nhân và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề.

Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đúng là cần có những hình thức xử phạt nghiêm túc, có tính răn đe đối với những cơ sở cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, cần tính đến tính chất đặc thù của các làng nghề. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề được hình thành tự phát từ nhiều năm nay, chủ yếu là hộ gia đình, tổ chức sản xuất ngay tại gia đình, xen lẫn với khu dân cư, vốn liếng ít, nay nếu phải áp dụng ngay những quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thì hầu hết các hộ sản xuất này đều thuộc đối tượng phải bị xử phạt. Như trên đã nói, có lẽ nên phân biệt mức độ nặng nhẹ của ô nhiễm môi trường, mà có cách xử lý hợp lý, hợp tình hơn; lấy việc hướng dẫn, trợ giúp làm chính.

3. Chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp, chủ yếu là ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố và cấp huyện, xã là những cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật trên địa bàn của mình: vừa hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, vừa thực hiện các chính sách khuyến khích, vừa thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm, v.v… Những chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp cần được quy định chặt chẽ hơn nữa trong các văn bản pháp quy về môi trường. Hiện nay, những việc quan trọng cần được xúc tiến là rà soát lại các quy hoạch phát triên ngành nghề nông thôn; đồng thời tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích sản xuất sạch, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Trước hết là c ông tác quy hoạch ; cần tăng cường, vì những yếu kém lâu nay trong công tác này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng hạn chế sự phát triển của làng nghề, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay. Quy hoạch phát triển nông thôn mới, quy hoạch ngành nghề nông thôn cần gắn với quy hoạch các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, tạo nên những vùng sản xuất tập trung, bảo đảm khắc phục ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần hình thành nông thôn mới.

Quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở làng nghề gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư là một biện pháp tích cực để có thể thực hiện các giải pháp đồng bộ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong làng nghề hiện nay. Quy hoạch này cần thực hiện đồng bộ, cả mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thông thông tin, hệ thông thu gom và xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất cần tùy thuộc vào đặc thù của từng loại hình làng nghề, như gốm sứ. giấy, dệt nhuộm, chế biến lương thực thực phẩm, v.v…và phải chú ý đến môi trường của các làng hoặc cả khu vực.

Liên quan đến vấn đề cụm làng nghề, có hai chủ trương đề ra đã lâu, nay cần được quan tâm thực hiện: (1) Thực hiện quyết định về 17 ngành nghề gây ô nhiễm môi trường nặng nề cần được dứt khoát dời khỏi nội đô: từ giữa năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ thị việc này cho Ủy ban nhân dân Tp Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, để rút kinh nghiệm mở rộng thực hiện cho toàn quốc, song đến nay chưa thấy thực hiện được bao nhiêu; và (2) Thực hiện các chính sách ưu đãi đã được quy định đối với các cơ sở sản xuất phải di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch: về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí di dời. Nhiều cơ sở ô nhiễm nặng vẫn chưa di dời được, một phần chủ yếu là do các chính sách nói trên chưa được thực hiện.

Xin nêu lên một vấn đề khác. Trong thực tế, việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề không chỉ cần quan tâm đến mỗi làng nghề riêng lẻ vì những làng nghề gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong phạm vi một làng xã, mà có nhiều trường hợp còn gây ô nhiễm cho cả một khu vực, một đoạn sông hoặc cả một dòng sông dài hàng chục kilômét (như trường hợp Sông Nhuệ, sông Đồng Nai). Chính vì vậy, cần có sự đầu tư từ ngân sách kết hợp với đầu tư của các cơ sở sản xuất làng nghề.

4. Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự . Trên các địa bàn dân cư ở nước ta, đâu đâu cũng có các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, thế nhưng, lâu nay, trong việc bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm tại làng nghề, tác dụng của các đoàn thể, tổ chức còn quá mờ nhạt. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chúng tôi cũng vậy; việc đã làm được còn quá ít.

Nguyên nhân có lẽ ở cả hai phía: hoặc là các đoàn thể, tổ chức này chưa thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc xử lý môi trường trong các làng nghề, các nỗ lực chủ quan còn quá yếu; hoặc là cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chưa tạo đủ các điều kiện cần thiết để các đoàn thể, tổ chức này vào cuộc. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là trong tư duy về kinh tế thị trường, các tổ chức xã hội dân sự rồi đây càng ngày càng có vị trí xứng đáng cần có; tác dụng của họ cần được tôn trọng và phát huy.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng tăng cường trợ giúp để các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội ngành nghề có thể chủ động góp phần mình vào việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tiến hành sản xuất trong môi trường trong lành. Đó là các nhiệm vụ theo đúng chức năng của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, góp phần với cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động như: tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kinh nghiệm tốt; hướng dấn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường; thực hiện các hoạt động làm vệ sinh môi trường; giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường; giám sát việc thực hiện các dự án, v.v… Các tổ chức này cũng có thể nhận một số dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao hoặc dự án được tài trợ về môi trường.

Trên đây là một số vấn đề, chủ yếu là về chính sách mà chúng tôi nghĩ rằng cần được nghiên cứu, thể chế hóa thành các điều, khoản, để việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường làng nghề sát với thực tế, có tác dụng thiết thực trong cuộc sống. Được như vậy, làng nghề mới có thể bền vững, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội và văn hóa, đóng góp có ý nghĩa vào sự nghiệp phát triển đất nước.

-------------------------

Các văn bản liên quan