Thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước – Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ PLDS, KT, Bộ Tư Pháp

Thứ Ba 13:48 17-06-2008


THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC
  Ths. Nguyễn Thanh Tịnh
Phó Vụ trưởng
Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế

Luật Bồi thường nhà nước (BTNN) quy định về trách nhiệm BTNN và cơ chế thực hiện trách nhiệm BTNN. Với mục tiêu pháp lý đó, Luật BTNN sẽ quy định cả 02 vấn đề: (1) Nội dung trách nhiệm BTNN và (2) Thủ tục giải quyết BTNN. Bài viết này xin giới thiệu những vấn đề cơ bản về thủ tục giải quyết BTNN.    

I. Thực trạng thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước

1. Quy định của pháp luật hiện hành

Hiến pháp 1992 quy định:

“Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.”[1]

“Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.”[2]

Vấn đề này đã được đề cập tại các điều 619 và 620 Bộ luật Dân sự 2005 (trước đó, đã được quy định tại các điều 623 và 624 Bộ luật Dân sự 1995). Theo đó, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng của mình gây ra trong khi thi hành công vụ; thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, các quy định này cũng chỉ rõ: cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người đã gây thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, nếu người đó có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.

Để hướng dẫn thi hành các quy định này, ngày 3/5/1997, Chính phủ đã có Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Nghị định có quy định về thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước thông qua thương lượng giữa người bị thiệt hại với cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức gây ra thiệt hại. Trường hợp không thương lượng được thì bên bị hại có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan (Điều 29) và bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra (Điều 30).

Ngày 17 tháng 3 năm 2003 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Nghị quyết này có quy định cụ thể việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường và thủ tục giải quyết bồi thường.

Ngoài ra, trong hoạt động hành chính nhà nước, bồi thường nhà nước còn được quy định rải rác trong Luật Khiếu nại, tố cáo; Pháp lệnh xử lí vi phạm pháp luật hành chính; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và trong các đạo luật chuyên ngành khác. Theo đó, pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật hành chính khi đương sự yêu cầu. 

2. Đánh giá pháp luật về thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước 

          Từ thực trạng nêu trên cho thấy, pháp luật về bồi thường nhà nước được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Thủ tục giải quyết bồi thường được áp dụng không thống nhất đối với việc giải quyết bồi thường nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của hoạt động nhà nước: 

2.1. Bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Theo các quy định pháp luật hiện hành, có tới 03 con đường để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường:
Một là, sử dụng cơ chế bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự, có bao gồm giai đoạn thương lượng với cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc áp dụng Nghị định 47/CP;

Hai là, yêu cầu bồi thường gắn với thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định của Luật kiếu nại, tố cáo;
Ba là,  yêu cầu bồi thường gắn với thủ tục giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính.

Mặc dù có tới ba con đường để yêu cầu bồi thường nhưng các quy định pháp luật còn quá sơ sài, có nhiều điểm chưa hợp lý, tính khả thi thấp do thiếu sự thống nhất, thiếu đầy đủ và chưa toàn diện. Cụ thể, Luật khiếu nại tố cáo chỉ tập trung quy định về việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật mà không quy định trực tiếp, cụ thể về vấn đề bồi thường như: yêu cầu bồi thường, thẩm quyền, thủ tục giải quyết và nguyên tắc xác định bồi thường, việc bồi hoàn.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có quy định việc giải quyết theo thủ tục tố tụng được toà án áp dụng trên cơ sở vụ việc đã được giải quyết tại cơ quan hành chính. Toà án phán quyết về tính đúng đắn (hợp pháp) của quyết định hành chính, hành vi hành chính và đồng thời xem xét cả vấn đề bồi thường nếu đương sự có yêu cầu (bản chất là việc dân sự trong vụ việc hành chính). Trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường mà Toà án cho rằng không thể giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì việc giải quyết bồi thường sẽ được thực hiện bằng một vụ án riêng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Nghị định 47/CP đã quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, cơ quan hành chính gây ra. Tuy nhiên, thủ tục này không được áp dụng đối với việc giải quyết bồi thường được quy định trong pháp luật về giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính và giải quyết vụ án hành chính tại toà án nhân dân.

Nhìn chung cơ chế bồi thường thiệt hại của cơ quan nhà nước trong hoạt động hành chính quy định thiếu thống nhất, chưa cụ thể, không rõ ràng gây khó khăn cho người dân. Nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, không thực tế, do đó, người dân khó có khả năng thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đã bị gây ra, ví dụ như:

- Pháp luật quy định không rõ, quy định thiếu thống nhất về cơ quan bồi thường nhà nước dẫn tới khó khăn cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện yêu cầu bồi thường; về phía cơ quan nhà nước còn có tình trạng né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường; chưa có cơ chế hỗ trợ người bị thiệt hại trong trường hợp họ không xác định được cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

- Thủ tục giải quyết bồi thường theo Nghị định 47 thiếu tính khả thi vì: (1) thủ tục giải quyết thông qua cơ chế Hội đồng rườm rà, phức tạp, không thực tế; không đề cao vai trò của người đứng đầu; chưa tạo thuận lợi cho bên bị thiệt hại thực hiện quyền tự định đoạt của mình theo nguyên tắc của pháp luật dân sự; (2) chưa bảo đảm quyền yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường thiệt hại trên thực tế;

- Thủ tục giải quyết bồi thường theo thủ tục giải quyết khiếu nại cũng thiếu tính khả thi vì: giải quyết khiều nại là thủ tục hành chính, do đó, nguyên tắc bình đằng, thoả thuận, tự định đoạt trong quan hệ giải quyết bồi thường thiệt hại khó được áp dụng (trên thực tế, thực chất giải quyết bồi thường trong thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính là việc các cơ quan có thẩm quyền áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính-kinh tế bằng tiền hoặc hiện vật để bù đắp một phần thiệt hại mà chưa được thực hiện theo nguyên tắc dân sự);  thẩm quyền giải quyết bồi thường gắn với thủ tục khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thiếu thống nhất, không đề cao vai trò và trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

- Pháp luật chưa quy định cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bồi thường nhà nước nói chung và trong lĩnh vực hành chính nói riêng, do đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế phục vụ công tác bồi thường nhà nước để bảo đảm quyền công dân chưa đáp ứng được yêu cầu;

- Chưa chủ động trong việc bố trí ngân sách nhà nước phục vụ việc bồi thường; 

2.2. Bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng

Pháp luật hiện hành chia làm hai nhóm đối tượng áp dụng:

- Đối với bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính và các trường hợp bị sai trong tố tụng hình sự thì việc áp dụng pháp luật để giải quyết về cơ bản tương tự như trong hoạt động quan lý hành chính nhà nước (xem mục 2.1. nêu trên);

- Đối với các thiệt hại do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thì áp dụng cơ chế giải quyết riêng quy định tại Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ quốc hội để giải quyết, cụ thể:

Về cơ quan giải quyết bồi thường, Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo nguyên tắc “cơ quan gây ra oan sau cùng” có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Về thủ tục giải quyết, Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 quy định thủ tục thương lượng bắt buộc giữa người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Thời hạn thương lượng là 30 ngày. Quá thời hạn này mà chưa được giải quyết hoặc thương lượng không thành thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án cấp huyện. Thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nghị quyết này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết bồi thường cho các trường hợp oan trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết bồi thường này còn gặp phải một số khó khăn, bất cập: 

- Còn khó khăn trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường vì trong nhiều trường hợp do có sự liên đới trách nhiệm hoặc sự nối tiếp trách nhiệm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự nên không xác định được rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính, trách nhiệm cuối cùng gây ra oan để xác định trách nhiệm giải quyết bồi thường. Bất cập này làm cho việc giải quyết bồi thường không được kịp thời, gây khó khăn cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình;

- Quy định cơ quan gây ra thiệt hại có trách nhiệm giải quyết bồi thường có nhược điểm là không tạo ra được cơ chế khách quan trong việc giải quyết bồi thường khi mà chính cơ quan quản lý cán bộ, công chức gây ra thiệt hại tiến hành giải quyết bồi thường, nhất là trong trường hợp người có lỗi là cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo;

- Việc nhiều cơ quan khác nhau có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc giải quyết bồi thường mà không có cơ quan chuyên trách làm đầu mối dẫn tới hệ quả, một mặt, gây khó khăn cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu nhà nước bồi thường, mặt khác, không bảo đảm tính chính xác, công bằng trong việc giải quyết bồi thường. Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của các cơ quan này còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính của các cơ quan tiến hành tố tụng;

- Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại là Toà án cấp huyện, do đó có tình trạng Toà án cấp dưới xét xử Toà án cấp trên hoặc xét xử chính Toà án mình. Cơ chế này dễ dẫn đến việc không được khách quan trong việc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng và gây áp lực cho Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ việc;

- Cơ chế cấp phát kinh phí bồi thường còn bất cập, thủ tục qua nhiều tầng nấc.

II. Đổi mới thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước theo quy định của dự thảo Luật BTNN 

1. Nguyên tắc giải quyết bồi thường nhà nước 

Về bản chất, trách nhiệm bồi thường nhà nước là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Mục đích của việc quy định trách nhiệm pháp lý này là thiết lập cơ chế hữu hiệu để bù đắp, khôi phục thiệt hại gây ra do hành vi trái pháp luật và có lỗi của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Theo cơ chế này, thay vì cá nhân cán bộ, công chức có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường, Nhà nước sẽ đảm trách nghĩa vụ bồi thường đối với thiệt hại đó. Trong mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước với cán bộ, công chức có lỗi gây ra thiệt hại thì cán bộ, công chức đó có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại. 

Như vậy, cơ chế trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã "dân sự hóa" quan hệ giữa Nhà nước và người bị thiệt hại do cán bộ, công chức có lỗi gây ra. Do đó, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do lỗi của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ thì thủ tục giải quyết bồi thường cần phải được thiết kế trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc chung của pháp luật tố tụng dân sự. 

Từ phân tích nêu trên cho thấy, thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước là thủ tục đặc biệt nhưng tuân thủ các nguyên tắc chung theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Việc giải quyết bồi thường cần phải tuân theo các nguyên tắc chủ yếu sau đây:

- Kịp thời, công khai và đúng pháp luật;

- Tạo điều kiện thuận lợi để người bị thiệt hại, thân nhân của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước;

- Bồi thường được thực hiện bằng tiền, được chi trả một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác; 

- Thiệt hại về vật chất thực tế được bồi thường toàn bộ; thiệt hại về tinh thần được bồi thường theo mức quy định tại Dự thảo Luật;

- Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước với người bị thiệt hại, thân nhân của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị thiệt hại, thân nhân của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. 

2. Cơ quan đại diện nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước   

Luật bồi thường nhà nước xác lập trách nhiệm bồi thường nhà nước, do vậy, để cơ chế trách nhiệm bồi thường này có hiệu quả và khả thi thì vấn đề mấu chốt là phải lựa chọn mô hình tổ chức và xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có chức năng đại diện nhà nước giải quyết bồi thường (Cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước).    

Việc xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra, qua đó tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, góp phần tạo tiền đề cho việc nâng cao trật tự, kỷ cương trong thực thi công vụ và bảo vệ quyền công dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước sẽ có chức năng cơ bản sau đây:

- Tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu bồi thường nhà nước của người bị thiệt hại thuộc trách nhiệm giải quyết của mình;

- Hướng dẫn bên bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

- Thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo thủ tục quy định tại Điều 24 của Dự thảo Luật;

- Ban hành quyết định giải quyết bồi thường nhà nước;

- Cử đại diện tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là bị đơn trong trường hợp bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường;

- Yêu cầu người thi hành công vụ có lỗi hoàn trả cho Nhà nước một phần hoặc toàn bộ kinh phí đã bồi thường thiệt hại;

- Phối hợp với cơ quan quản lý bồi thường nhà nước trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về giải quyết bồi thường.
 
Về mô hình tổ chức, dự thảo Luật quy định cơ quan trực tiếp quản lý và sử dụng người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại là cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước. Việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước theo mô hình này có ưu điểm là: (1) Nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng người thi hành công vụ; (2) Tạo thuận lợi trong việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; (3) Tạo thuận lợi trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, mô hình này có một số nhược điểm như chưa thật sự tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường (so với mô hình tổ chức một cơ quan duy nhất có trách nhiệm giải quyết BTNN), nhất là trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ của các cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm liên đới gây ra thiệt hại.
 
Để khắc phục nhược điểm này, dự thảo Luật quy định việc tổ chức cơ quan quản lý bồi thường nhà nước. Cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ sau đây: 

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc giải quyết bồi thường nhà nước ở trung ương và các địa phương;

- Xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan này (hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình);

- Có ý kiến về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước (hỗ trợ cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước vì theo mô hình tổ chức quy định tại dự thảo Luật, bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có thể trở thành cơ quan giải quyết BTNN, trong khi đó, một số cơ quan chưa có kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng-nghiệp vụ giải quyết bồi thường);

- Hướng dẫn thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước cho người bị thiệt hại.    
 
Việc quy định cụ thể về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý và cơ quan giải quyết BTNN là điều kiện quan trọng để bảo đảm tính khả thi của cơ chế giải quyết BTNN, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. 

3. Phương thức và thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước 

Dự thảo Luật quy định 02 phương thức giải quyết BTNN: (1) Yêu cầu BTNN theo thủ tục chung về giải quyết BTNN được quy định cụ thể trên cơ sở các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự nhưng có đặc điểm riêng của chế định trách nhiệm BTNN; (2) Yêu cầu BTNN trong thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết vụ án hành chính. Việc quy định các phương thức này sẽ bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã có quy định về quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết vụ án hành chính). Đồng thời, tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có thể linh hoạt lựa chọn phương thức thực hiện quyền yêu cầu giải quyết bồi thường phù hợp cho mình. 
  
Trên cơ sở đơn yêu cầu BTNN của người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 23 của dự thảo Luật, việc giải quyết bồi thường được thực hiện theo thủ tục có các đặc điểm sau đây:[3]     

          a) Theo quy định tại Điều 24 của Dự thảo Luật, trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước (cơ quan quản lý, sử dụng người thi hành công vụ gây ra thiệt hại) thừa nhận có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và thương lượng thành thì cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước ra quyết định giải quyết bồi thường, thực hiện thủ tục chi trả và ban hành quyết định hoàn trả; 

          b) Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước thừa nhận có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ nhưng thương lượng không thành hoặc quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 24 mà không được giải quyết thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; 

          c) Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước không thừa nhận có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì người bị thiệt hại có quyền khiếu nại cơ quan hành chính có thẩm quyền hoặc Toà án xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về khiếu nại và pháp luật về thủ tục giải quyết vụ án hành chính; 

          d) Trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu giải quyết BTNN trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc vụ án hành chính thì, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Toà án áp dụng Luật bồi thường nhà nước để giải quyết bồi thường đồng thời với thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc vụ án hành chính. Quyết định về giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Toà án là căn cứ để thực hiệc việc chi trả kinh phí bồi thường và để cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước ban hành quyết định hoàn trả; 

          đ) Trong trường hợp đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà việc bồi thường thiệt hại không được giải quyết thì trong thời hạn 45 ngày, kể từ khi quyết định, bản án đó có hiệu lực pháp luật, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 24 của dự thảo Luật hoặc yêu cầu Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; 

          e) Trường hợp người bị thiệt hại thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính, sau đó mới có yêu cầu bồi thường nhà nước thì thủ tục được thực hiện như quy định tại các điểm d và đ trên đây. 

          4. Quy định thủ tục riêng về giải quyết bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự[4] 

          Luật BTNN quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thi hành án và tố tụng hình sự. Trong phạm vi điều chỉnh đó, trách nhiệm bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự có những đặc thù, cụ thể: trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, thi hành án được phát sinh khi hội đủ 06 yếu tố quy định tại Điều 5, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự được quy định chặt chẽ hơn (phải có bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng xác định trường hợp bị oan hoặc phải có bản án, quyết định xác định người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự). Do đó, thủ tục giải quyết bồi thường trong tố tụng hình sự được rút gọn hơn và có một số đặc thù sau đây: 

          - Thủ tục giải quyết bồi thường không bao gồm giai đoạn "xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ" - Điều 37; 

          - Thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường trong tố tụng hình sự được xác định là 02 năm kể từ ngày bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng xác định trường hợp bị oan hoặc người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự có hiệu lực pháp luật - Khoản 1 Điều 36 (Thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án được xác định là 02 năm kể từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết thiệt hại xẩy ra - Khoản 1 Điều 23); 

          - Trường hợp có nhiều người thuộc các cơ quan khác nhau liên đới gây ra thiệt hại thì việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường được thực hiện như sau: cơ quan giải quyết oan sau cùng hoặc cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật sau cùng là cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước (Khoản 1 Điều 33); 

          - Không quy định thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại về quyết định và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong tố tụng hình sự./.  


[1] Điều 12, Hiến pháp 1992

[2] Điều 74, Hiến pháp 1992

 

Các văn bản liên quan