Ths. NguyễnTừ Minh Toàn – Giảng viên Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014

Thứ Năm 11:47 21-08-2014

QUYỀN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC TIẾP CẬN VÀ GÓP ÝDỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Ths. NguyễnTừ Minh Toàn - Giảng viên Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương

Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Đối với cộng đồng doanh nghiệp,đây cũng là một quyền cơ bản trong hoạt động kinh doanh cần được đảm bảo.Một trong các thông tin quan trọng mà các doanh nghiệp cần được tiếp cận đó là dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản có nội dung liên quan trực tiếphoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh.Bên cạnh đó, việc góp ý kiến hoàn thiện dự thảo văn bản cũng là một quyền quan trọng cần được quan tâm đúng mức.

Trong phạm vi bài tham luận này, tác giả chỉ đề cập đến vấn đề tiếp cận và góp ý dự thảo Luật và Pháp lệnh của doanh nghiệp.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sau đây viết tắt là Luật 2008) tại các Điều 35, khoản 3 Điều 58, Điều 62, khoản 2 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 2 Điều 69, khoản 2 Điều 70… có các quy định về việc phải lấy ý kiến đối với dự thảo các loại văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành chính thức.

Thực hiện quy định của Luật 2008, Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng VBQPPL.

Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành khi soạn thảo các VBQPPL về kinh doanh nhất thiết phải có ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thực hiện các quy định này, VCCI xây dựng trang web Vibonline để góp phần công khai hóa các thông tin về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các bạn đọc khác vào việc đóng góp xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước để tăng tính hiệu quả trong thực hiện của văn bản khi đã được ban hành.

Trang web đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và tạo công cụ để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia pháp luật, kinh tế, các bạn đọc thực hiện quyền đóng góp, xây dựng pháp luật. Các doanh nghiệp có thể đọc, download các dự thảo, tham khảo các thông tin liên quan, góp ý và trao đổi về các dự thảo VBQPPL.

Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) – gọi tắt là “Dựthảo”, đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, tại Điều 5 có quy định “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và thi hành văn bản quy phạm pháp luật.”(khoản 1) và “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp” (khoản 3). Quy định này là một bước tiến mới trong tư duy lập pháp,  thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 như trên còn chung chung, cần được cụ thể hóa theo hướng đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo hoặc chủ trì soạn thào VBQPPL trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau: “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo”.

Đối với các dự thảo Luật, khoản 1 Điều 28 của Dự thảo quy định:  “Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm:

b) Lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về các chính sách và giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cần thiết thì tổ chức họp báo thông tin về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

c) Tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo tiếp thu, giải trình trên Cổng thông tin điện tử quy định tại Điều này.

Đây là quy định khá chi tiết, rõ ràng, đảm bảo mức độ cao nhất quyền được tiếp cận và góp ý kiến đối với các dự thảo VBQPPL có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” thương mại toàn cầu.

Thực tiễn cho thấy, ngoài website vibonline.com.vn, cộng đồng doanh nghiệp còn có thể xem và góp ý dự thảo VBQPPL trên địa chỉ web duthaoonline.quochoi.gov.vn. Những năm gần đây, các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh của các doanh nghiệp được quan tâm hơn, các buổi hội thảo, hội nghị do VCCI tổ chức được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cho thấy sự ảnh hưởng của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc xây dựng văn bản QPPL nói chung, luật và pháp lệnh nói riêng.

Trên đây là một vài ý kiến của tác giả đối với vấn đề tiếp cận và góp ý đối với dự thảo VBQPPL của cộng đồng doanh nghiệp./.

Các văn bản liên quan