Ths.Ls.Phan Thông Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam – Trọng tài viên VIAC góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014

Thứ Năm 11:46 21-08-2014

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP HỘI THẢO

“VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT MỚI”

Ths.Ls.Phan Thông Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

            Việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới” theo chúng tôi đánh giá đây là một bước tiến mới trong việc cải cách luật. So với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 trước đây, thì dự thảo Luật năm 2015 đã thể hiện được tính dân chủ hơn khi nêu thêm được sự ảnh hưởng và vai trò của cá nhân, doanh nghiệp đối với việc ban hành văn bản pháp luật vì hai đối tượng này là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật nên pháp luật cần quy định thế nào để phù hợp với nguyện vọng của các đối tượng điều chỉnh này.

            Nội dung tham gia đóng góp của chúng tôi có hai phần là nội dung doanh nghiệp tham gia đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật và góp ý một số nội dung chính trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới 

PHẦN I : NỘI DUNG DOANH NGHIỆP THAM GIA ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH, SOẠN THẢO VĂN BẢN PHÁP LUẬT

1-Doanh nghiệp tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật như thế nào?

            Vai trò của của doanh nghiệp tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng với tư cách là một chủ thể bị pháp luật điều chỉnh trực tiếp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, nên họ cần phải biết các hành lang pháp lý, các quy định mà nhà nước sẽ quy định để họ tuân thủ trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh. Họ được tham gia góp ý, họ sẽ nói lên được những thực tế của các quy định, sẽ làm cho các quy định của pháp luật đi được vào thực tiễn của cuộc sống.

            Doanh nghiệp sẽ tham gia vào đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua tổ chức đại diện của mình là Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), về thông tin cần cung cấp, về thời gian cần cung cấp trước khi tổ chức lấy ý kiến,về hình thức lấy ý kiến để cho doanh nghiệp tham gia ý kiến chúng tôi sẽ trình bày chi tiết ở các nội dung dưới đây.

2-Các thông tin mà Cơ quan soạn thảo cung cấp để lấy ý kiến

            Các thông tin mà Cơ quan soạn thảo cung cấp cho đối tượng bị tác động để lấy ý kiến cho các dự án Luật, Pháp lệnh là hết sức quan trọng. Theo chúng tôi cơ quan soạn thảo cấn cung cấp để lấy ý kiến các nội dung sau :

            (i) Những nội dung còn xung đột khác nhau trong dự thảo và nên có nhiều phương án (tối thiểu và thông thường là 2 phương án) đưa ra xin ý kiến cho những nội dung còn khác nhau.

Cụ thể trong dự thảo LBHVBQPPL chỉ đưa ra có điều 3 là 2 phương án, còn tất cả các điều khác chỉ 01 phương án, theo chúng tôi cần đưa ra nhiều phương án cho người góp ý rộng đường góp ý hơn.

            (ii)  Có hướng dẫn, định hướng những nội dung chính cần xin ý kiến góp ý. Cụ thể trong dự thảo LBHVBQPPL có đưa ra nội dung cần xin ý kiến rất cụ thể giúp cho các doanh nghiệp dễ góp ý.

            (iii) Mở rộng những vấn đề khác để người góp ý có thể góp ý những nội dung khác ngoài nội dung ban soạn thảo cần lấy ý kiến.

Cụ thể trong dự thảo LBHVBQPPL có gợi mở những vấn đề khác tạo điều kiện cho các doanh nghiệpgóp ý thêm các vấn đề khác mà người góp ý quan tâm.

            Những thông tin này cần được cung cấp trước cho người góp ý một khoản thời gian nhất định tối thiều là 10 ngày để người góp ý chuẩn bị ý kiến góp ý.

Cụ thể trong dự thảo LBHVBQPPL có thời gian gửi trước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian đầu tư cho việc góp ý.

3-Thời hạn mà Cơ quan soạn thảo lấy ý kiến

Thời gian cơ quan soạn thảo lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chúng tôi thống nhất với dự thảo tại điều 45 là :

" 1. Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 của Luật này và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến."

Vì đây là khoản thời gian tối thiểu cần thiết cho các đối tượng chịu sự tác động có thể đóng góp ý kiến đối với dự án Luật và Pháp lệnh.

4-Các Hình thức lấy ý kiến đối với văn bản pháp luật

            Theo chúng tôi về Hình thức lấy ý kiến đối với văn bản pháp luật bao gồm : đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử; gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, và tổ chức hội thảo được Quy định tại dự thảo điều 45 khoản 2. "Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều này, việc lấy ý kiến có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng."là ổn.

            Nhưng nội dung tổ chức lấy ý kiến là chưa đầy đủ cần quy định số lần tối thiểu và thời gian tối thiểu phải tổ chức lấy ý kiến vì hiện nay không phải tất cả các dự án Luật, Pháp lệnh đều được tổ chức lấy ý kiến các đối tượng bị tác động và việc lấy ý kiến hiện nay còn rất hình thức (nội dung thì không chuần bị cho các đối tượng góp ý, không chuần bị câu hỏi góp ý;) thời gian tổ chức lấy ý kiến chỉ một buổi sáng khoản 04 giờ trong Ban tổ chức hội thảo trình bày tài liệu hết 01 giờ, thời gian góp ý kiến chỉ khoản 03 giờ cho một dự án Luật. 

5-Trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo khi tiếp nhận ý kiến góp ý của doanh nghiệp

            Quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo khi tiếp nhận ý kiến góp ý của doanh nghiệp tại dự thảo điều 45 khoản 3 :"Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải đầy đủ nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến trên Trang thông tin điện tử về xây dựng pháp luật của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình để Nhân dân biết"nhưng trên thực tế cơ quan soạn thảo chưa thực hiện điều này, chúng tôi chỉ nhận thấy cơ quan tổ chức hội thảo (VCCI) đăng tải lại các ý kiến của các đại biểu đóng góp tại các cuộc hội thảo.Do đó trong thời gian tới cần tổ chức tiếp thu một cách nghiêm túc để các đối tượng bị tác động bởi các dự án Luật, Pháp lệnh họ có thể thấy được hiệu quả của việc góp ý thì mới phát huy được hiệu quả góp ý, còn cách làm như hiện nay việc góp ý giống như "ném một hòn đá xuống một cái hồ" người ném đá chỉ có thể nghe được cái âm thanh của hòn đá khi chạm mặt nước đầu tiên và chỉ có thế nên họ không thể nhận biết được hiệu quả của việc ném hòn đá vào cái hồ.

6-Vai trò của doanh nghiệp địa phương trong quy trình xây dựng văn bản ở địa phương (Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân)

            Vai trò của doanh nghiệp địa phương trong quy trình xây dựng văn bản ở địa phương cũng hết sức quan trọng như đối với việc xây dựng các văn bản Luật, Pháp lệnh vì đây là các văn bản quy định trực tiếp của các địa bàn doanh nghiệp trú đóng hoạt động nhưng điều đáng tiếc trong thời gian qua là Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương chưa thấy được tầm quan trọng này nên khi xây dựng ban hành các văn bản địa phương đã bỏ qua vai trò của các doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương hay các Hiệp hội doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn không mời hoặc không gửi văn bản lấy ý kiến.

            Theo chúng tôi trong thời gian tới Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương nên cấu tạo các Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh Thành phố trực thuộc trung ương hay các Hiệp hội doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn tham gia vào Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của địa phươngphải gửi văn bản xin ý kiến của các tổ chức đại diện này có như thế các cơ quan nhà nước địa phương mới có thể nghe được tiếng nói, mới tiếp nhận được tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp thông qua tổ chức đại diện của họ.

PHẦN II : GÓP Ý MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH TRONG DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT 2014. 

Điều đầu tiên chúng tôi, chúng tôi xin bày tỏ sự đồng tình của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật này đã hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vì chúng tôi cho rằng đây là sự cần thiết cho sự thống nhất của các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương.

Đối với dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chúng tôi xin đóng góp các ý kiến như sau :

Điều 3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Phương án 1: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 23 của Luật này.

         Phương án 2: không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của huyện, xã.

Chúng tôi xin chọn Phương án 2 vì không thể chấp nhận Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện là Văn bản quy phạm pháp luật do trình độ năng lực của bộ máy cấp Huyện giới hạn không thể đảm bảo ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng.

Điều 41. Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

            Dự thảo tại khoản 1 điều 41 đã giới hạn thẩm quyền của Ủy ban thường vụ quốc hội trong việc đìều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như sau :

1. Theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các trường hợp sau đây: a) Đưa ra khỏi chương trình các dự án luật, pháp lệnh không còn cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội; b) Bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, tài sản, tính mạng của nhân dân, tính cấp thiết của việc điều tiết nền kinh tế, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội;  c) Bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi theo các văn bản mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc để thực hiện các cam kết quốc tế; d) Điều chỉnh thời điểm trình do chậm tiến độ soạn thảo hoặc chất lượng dự án luật, pháp lệnh không bảo đảm.

            Dự thảo chỉ nêu ra 4 trường hợp để Ủy ban thường vụ quốc hội được điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh và ngoài 4 trường hợp nêu trên thì mọi trường hợp điều chỉnh khác điều là trái luật. Chúng tôi cho rằng đây là điều khoản đã làm hạn chế thẩm quyền của Ủy ban thường vụ quốc hội khác với quy định tại Điều 29 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 trước đây

“Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thực hiện theo quy định tại các điều 23, 24 và 25 của Luật này”.

             Tại điều 23, 24, 25 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 lại quy định cả một quy trình đề nghị, kiến nghị, thẩm tra…Có thể nói rằng, tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 giao toàn quyền cho Ủy Ban thường vụ quốc hội.Chúng tôi cho rằng, trong thẩm quyền của Ủy ban thường vụ quốc hội nên giữ nguyên tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 sẽ phù hợp hơn.

Điều 30. Thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình

1. Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ có trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình. Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Hội đồng gồm Chủ tịch là một Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Văn phòng Chính phủ, thành viên là Lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ và một số chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ.

2. Hồ sơ để thẩm định gửi đến Bộ Tư pháp gồm các tài liệu quy định tại Điều 29 của Luật này và các tài liệu khác (nếu có).

3. Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật có trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ. Việc thẩm định tập trung vào các nội dung sau đây: a) Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; b) Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật;  c) Tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, hướng tới tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;  d) Sự phù hợp của nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc đã có kế hoạch gia nhập; đ) Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính của chính sách; e) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

4. Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng về nội dung thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này và ý kiến của Hội đồng về việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ.

5. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày kết thúc thẩm định. Cơ quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; trong trường hợp không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do và gửi Báo cáo tiếp thu, giải trình kèm theo đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được chỉnh lý đến Hội đồng tư vấn thẩm định đồng thời với việc trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Nhận xét góp ý:

            (i) Xét về nội dung quy định về tên gọi là không phù hợp vì nội dung khoản (1) và một phần khoản (3) thì quy định những vấn đề liên quan đến Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ còn nội dung quy định tại khoàn (2),(4),(5) mới quy định về nội dung thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình. Do đó chúng tôi đề nghị tách ra có một điều khoản quy định về Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ.

            (ii) Về thành phần Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ do Thủ tướng thành lập nhưng thành viên ngoài  Lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ và một số chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại nên bổ sung thêm đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện vai trò phản biện và góp ý xây dựng pháp luật của các tổ chức này.

Điều 92. Thẩm định dự thảo thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ

Khoản 1. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. " Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp hoặc có tính đa ngành, đa lĩnh vực thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học "

Nhận xét góp ý:

   (i) Về thành phần Hội đồng tư vấn thẩm định ngoài  sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học nên bổ sung thêm đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện vai trò thẩm định vẳn bản pháp luật của các tổ chức này.

            (II) Cần quy định trách nhiệm của Bộ ngành phải gửi văn bản cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xin ý kiến

Điều 98. Lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết

            (i)- Khoản (1) điều 98, điều chỉnh lại thời gian : " đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian ít nhất là 60 ngày (thay vì 30 ngày như dự thảo) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến "

(ii)- Khoản (2) điều 98, điều chỉnh lại thời gian : " Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và dành ít nhất 20 ngày làm việc (thay vì 07 ngày làm việc như dự thảo), kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản"

Điều 99. Thẩm định dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân trình

 (i) Khoản (4) điều 99, điều chỉnh lại thời gian :".............Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn chậm nhất là 20 ngày làm việc (thay vì 07 ngày làm việc), kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định"

Điều 109. Thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật cấp tỉnh). Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp và các thành viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về các vấn đề liên quan đến nội dung của nghị quyết.

Góp ý bổ sung :

            (ii) Về thành phần Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật cấp tỉnh ngoài thành viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về các vấn đề liên quan đến nội dung của nghị quyết nên bổ sung thêm đại diện của Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện vai trò phản biện và góp ý xây dựng pháp luật của các tổ chức này.

Điều 128. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

Chúng tôi thống nhất với dự thảo của khoản (2) và (3) điều 128 về khoản (1) : " 1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước"  . Quy định như khoản (1) là không ổn sẽ dẫn đến sự tùy tiện khi ban hành văn bản pháp luật vì nội hàm của trường hợp thật cần thiết không có giới hạn và không có cơ sở xác định như thế nào là thật cần thiết.

Do đó chúng tôi kiến nghị sửa đổi dự thảo khoản (1) theo nguyên tắc hồi tố có lợi cho đối tượng bị điều chỉnh như sau :" 1. Chỉ trong trường hợp có lợi cho đối tượng được điều chỉnh, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước"

Điều 145. Sử dụng văn bản giải thích

Chúng tôi thống nhất với dự thảo của điều 145 quy định : "Văn bản giải thích có giá trị chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật" và theo chúng tôi cần mở rộng phạm vi áp dụng của việc giải thích pháp luật không chỉ dừng lại áp dụng cho trường hợp cần giải thích mà được áp dụng cho các trường hợp tương tự và cần khẳng định văn bản giải thích pháp luật này là một văn bản quy phạm pháp luật.   Do đó đề nghị bổ sung thêm khoản 2 nội dung sau: "

2.Văn bản giải thích là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng cho trường hợp cần giải thích và các trường hợp tương tự"

Trên đây là một số góp ý chúng tôi xin gửi đến Ban soạn thảo và chân thành cám ơn các đại biểu đã chú ý lắng nghe phần trình bày ý kiến góp ý của chúng tôi./.     

Các văn bản liên quan