Ông Nguyễn Việt Khoa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014

Thứ Năm 11:48 21-08-2014

CẢI CÁCH LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Nguyễn Việt Khoa

Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh

Qua quá trình triển khai và thực hiện, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã bộc lộ nhiều thiếu sót và bất cập. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, số lượng VBQPPL được ban hành trong thời gian qua vẫn rất lớn, với nhiều hình thức văn bản, nhiều cấp độ hiệu lực khác nhau, nên hệ thống pháp luật vẫn rất phức tạp. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại không thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa toàn diện; việc triển khai nên các văn bản vừa khó tiếp cận, khó sử dụng, vừa chứa đựng những mâu thuẫn, chồng chéo làm cho việc áp dụng, thực hiện không dễ dàng, khó thống nhất. Ngoài ra, tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy có cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Tính minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế dẫn đến các QPPL có thể được hiểu, áp dụng không thống nhất, trong khi việc giải thích pháp luật hầu như không được thực hiện. Chính hạn chế này khiến các chủ thể thực sự lúng túng khi thực hiện, áp dụng pháp luật. Ngoài ra, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang phân thành hai nhóm: văn bản của trung ương và văn bản của địa phương, tương ứng là 2 luật khác nhau. Việc tồn tại hai luật song song cùng điều chỉnh một hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ những hạn chế, bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực trong quá trình áp dụng.  Như vậy, qua 6 năm ban hành và triển khai thực hiện trên thực tế, Luật Ban hành VBQPPL đã không được áp dụng một cách hiệu quả và chất lượng như các nhà lập pháp mong đợi. Thiết nghĩ, Luật Ban hành VBQPPL nên được bãi bỏ để thay vào đó các đạo luật khác có thể được áp dụng trên thực tế và mang lại hiệu quả thật sự cho người dân.

Với những phân tích trên có thể thấy, bản thân Luật Ban hành VBQPPL không thể thực thi hiệu quả trên thực tế. Các nhà lập pháp cũng nên thay đổi tư duy và cách làm luật, để các văn bản luật có thể thực tế hóa trong cuộc sống. Về việc giải thích pháp luật hiện nay còn rất mập mờ trong vấn đề thẩm quyền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao hẳn thẩm quyền giải thích luật cho một cơ quan cụ thể để việc giải thích được thống nhất và đồng bộ trên toàn lãnh thổ đồng thời giảm tải trách nhiệm cho Ủy ban. Bởi lẽ việc giải thích luật là một công việc quan trọng và cần có sự đầu tư chất lượng. Về thẩm quyền ban hành luật, hiện nay đang có sự lồng ghép hai quy trình, đó là quy trình xây dựng chính sách với quy trình làm luật. Khi đưa các dự án luật vào chương trình, lúc đó các cơ quan soạn thảo mới nghiên cứu xây dựng chính sách. Vừa nghiên cứu chính sách vừa làm luật, tạo nên sự lúng túng trong quá trình soạn thảo. Vì vậy, các cơ quan của Chính Phủ không nên là người ban hành Luật. Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật trên thực tế; nếu vừa ban hành vừa thực thi pháp luật thì không đảm bảo tính khách quan. Đồng thời điều này cũng không làm minh bạch thẩm quyền của các cơ quan nhà nước vì lập pháp là nhiệm vụ của Quốc Hội, Chính Phủ chỉ là cơ quan thực thi pháp luật. Do đó, nên chăng cần làm rõ thẩm quyền ban hành Luật và không thể giao nhiệm vụ này cho các cơ quan hành pháp. Một vấn đề khác cần lưu tâm là trên thực tế, trong quá trình ban hành và triển khai Luật Ban hành VPQPPL thì Tòa án vẫn còn chậm nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Do đó, nên chăng các nhà lập pháp cần nghiên cứu các án lệ để bổ sung cho những điểm thiếu sót hoặc làm rõ những điểm mờ của các VBQPPL. Đây là một giải pháp hay trong việc đưa pháp luật trở thành một phần của cuộc sống và Việt Nam nên học hỏi với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên tiếp nhận một khách quan đối với những sáng kiến luật do các đại biểu trình bày. Bởi lẽ đây là những đóng góp cũng như góp ý quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với xã hội luôn vận động và phát triển như hiện nay, thì cuộc sống lại cần thứ văn bản QPPL có tính khả thi chứ không phải là văn bản QPPL chung chung. Vì vậy, các nhà lập pháp cần có sự quan sát và nhận thức rõ ràng về việc xậy dựng và ban hành các đạo luật, để chính bản thân các luật này không chỉ còn nằm trên các trang giấy mà có thể được vận dụng một cách hiệu quả trên thực tế.

Các văn bản liên quan