Hai bàn tay úp vào nhau

Thứ Sáu 14:01 26-05-2006
HAI BÀN TAY ÚP VÀO NHAU

L.S. Nguyễn Ngọc Bích
Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam


Đó là kỳ vọng, theo từ ngữ của luật sư Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, về sự ăn khớp giữa hai dự thảo của Luật doanh nghiệp thống nhất (LDN) và Đầu tư chung (LĐT) đang được bàn thảo tại nhiều diễn đàn. Thế nhưng khi xem hai dự thảo này thì thấy chúng chưa ăn khớp với nhau. Vậy phải làm gì và làm thế nào?

Khớp với nhau như thế nào?

LDN đưa ra các loại cơ sở kinh doanh dựa trên một nền tảng chung là trách nhiệm phải chịu với người khác xuất phát từ việc kinh doanh của mình. Xin gọi là trách nhiệm với xã hội. LĐT chung qui định việc đầu tư của người đầu tư, nó không đặt trách nhiệm với xã hội cho người ấy. Đó là sự rủi ro mà khi kinh doanh nhà đầu tư sẽ phải chịu. Vậy muốn họ bỏ tiền ra thì phải khuyến khích họ. LĐT làm việc ấy bằng cách nói đại ý rằng “anh bỏ tiền ra làm cái này, cái kia thì Chính phủ sẽ cho anh hưởng cái này cái nọ.” Nhà đầu sẽ biến tiền của mình thành dự án để thực hiện trong một loại cơ sở kinh doanh. Vậy sự ăn khớp của hai luật kia là: LDN là chính, LĐT là phụ; cái trước là công cụ thực hiện cái sau; cái sau thành hiện thực là nhờ cái trước. Một công ty có thể thực hiện nhiều dự án đầu tư, nếu nó giải thể thì dự án không còn. Tất nhiên, vào lúc đầu không có dự án thì không có công ty; nhưng luật phải điều chỉnh sự đầu tư thể hiện trên thực tế, chứ không phải dự án vốn là một ý định đầu tư. Dự thảo LĐT đã không được soạn thảo theo nhận thức này, mà coi số tiền nhà đầu tư bỏ ra dưới các hình thức khác nhau (góp vốn, mua cổ phiếu, lập liên doanh, BTO…) có thể gắn hay không gắn với các tổ chức kinh doanh (công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn…) và biến chúng thành các dự án đầu tư hoạt động độc lập, sống chết tự nó, với một mình nó! Điều này sẽ gây khó khăn khi thực hiện.

Làm sao cho ăn khớp?

Nếu ta hình dung loại hình công ty là một cái xe thì việc đầu tư là một người đi lên xe để đi đâu đó. Vậy luật điều chỉnh người đi xe thông qua cái xe; giống như muốn môn bóng tròn có “fair play” thì phải phạt cầu thủ. Về loại hình công ty thì LDN đã ấn định và không cần phải bàn nữa; vậy để cho ăn khớp ta chỉ bàn về LĐT. Người đi xe tùy theo đọan đường dài hay ngắn (tức là đầu tư với số tiền nhiều hay ít, dự án lớn hay nhỏ) họ sẽ chọn loại xe thích hợp (công ty cổ phần niêm yết, không niêm yết, công ty trách nhiệm hữu hạn…) Đường dài mà chiếc chiếc xe đi qua sẽ đặt ra cho chính quyền những vấn đề về hạ tầng cơ sở, về lợi ích xã hội… tức là những gì chính quyền muốn và không muốn. Điều này sẽ tạo nên chính sách đầu tư và để thực hiện chính quyền sẽ đặt ra các ưu đãi đầu tư cho những người bỏ tiền. Vậy LĐT luật khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền vào những dự án nhất định mà chính quyền muốn, bằng cách cho họ những ưu đãi khác nhau; còn nhà đầu tư sẽ chọn loại hình công ty. Đấy là cách sắp xếp để làm cho hai luật kia ăn khớp với nhau. Cũng chưa hết.

Ở ta, các ưu đãi đầu tư thoạt đầu được ghi vào chính luật đầu tư (luật đầu tư nứơc ngòai, luật khuyến khích đầu tư trong nước) nhưng về sau chúng được tản dần vào các luật chuyên ngành như thuế, hải quan, đất đai, ngoại hối…. nhằm tạo sân chơi bình đẳng. Vậy khi ấn định các đặc khoản đầu tư thì LĐT tư cũng phải ăn khớp với những luật này bằng cách qui chiếu về những luật liên quan chứ không tự mình nêu lên, tức là lập lại chúng như trong dự thảo; như thế là để tránh trùng lắp và trái ngược nhau.

Đề nghị

Về một số điều

Theo các cách tiếp cận đó, xin đề nghị dự thảo LĐT được sửa đổi như sau. Xin nhấn mạnh rằng những đề nghị này chỉ liên quan đến kỹ thuật soạn thảo.

- Chương 3 về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư: Nên bỏ vì nhà đầu tư là cổ đông, thành viên trong LDN, người được cấy giấy phép đầu tư. Họ còn là đối tượng bị điều chỉnh trong những luật khác.

- Chương 4 về các hình thức đầu tư: Phải qui định chúng được chuyển sang các loại hình công ty trong LDN như thế nào.

- Chương 5 về lãnh vực địa bàn đầu tư: Nên bỏ mà lấy điều 32 (ban hành danh mục các lĩnh vực và địa bàn đầu tư) vào mục 2 của chương này hiện nay (ưu đãi đầu tư).

- Trong chương 5 mục hỗ trợ đầu tư nên bỏ, thực tế cho thấy Nhà nước không làm được việc này. Để cho tư nhân họ thuê nhau làm.

- Chương 6 về dự án đầu tư và thủ tục: Vẫn giữ lại nhưng phải qui định nhà đầu tư nước ngoài làm thế nào, trong nước làm ra sao, trong mối liên quan với loại hình công ty họ đã lập.

- Chương 7 về triển khai dự án: Phải nối kết những qui định ở đây với loại hình công ty mà nhà đầu tư đã chọn để cho dự án đầu tư ăn khớp với công cụ thực hiện nó. Xin lưu ý đến các yêu cầu mà doanh nghiệp đã phải chịu theo qui định về quản lý đầu tư và xây dựng, ngọai hối, xuất nhập khẩu …. để cho chúng nối kết với nhau và trở thành một.

- Chương 8 và tiếp theo liên quan đến đầu tư từ nguồn vốn nhà nước: Đề nghị đưa về đây các điều khoản nào trong những chương trứơc liên quan đến nhà nước để cho quốc doanh và dân doanh tách biệt nhau.

Về cơ chế

1) Việc cấp giấy phép đầu tư hay chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải quy định họ lập công ty theo LDN trước rồi xin giấy phép đầu tư hay ngược lại. Việc này phải quy định rõ trong LĐT. Cách hay nhất là dành cho họ một thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư trước rồi lập thủ tục lập công ty sau, nếu họ xin ưu đãi đầu tư. Nếu không xin thì chỉ buộc họ làm giống như nhà đầu tư trong nước.

2) Đối với nhà đầu tư trong nước. Họ lập thủ tục thành lập doanh nghiệp theo LDN; nếu xin đặc khoản đầu tư thì mới phải xin giấy phép đầu tư, không thì thôi. Điều này cho thấy là trong các luật lệ chuyên ngành chính sách ưu đãi đầu tư phải được ghi trong đó. Thí dụ như luật thế thu nhập công ty hiện nay cơ sở mới thành lập được đương nhiên miễn thuế hai năm, thì đấy cũng là ưu đãi đầu tư rồi. Không nhất thiết phải ghi việc ưu đãi thuế trong LĐT như trước kia.

3) Đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ lập công ty (thường là 100% vốn nước ngoài) theo LDN thì ngoài những văn kiện phải làm như người trong nước nên có một chứng từ do họ kê khai theo luật của núơc họ cho biết tung tích của họ.

4) LĐT cần qui định nếu hai nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn liên doanh thì họ phải lập một hợp đồng cổ đông, đại khái như hợp đồng liên doanh cũ, rồi làm các thủ tục khác theo LDN đòi hỏi. Nếu dự án mà công ty của họ thực hiện nằm vào loại đầu tư nào và họ xin ưu đãi đầu tư, thì họ sẽ xin giấy phép đầu tư hay chứng nhận đăng ký đầu tư như đòi hỏi; còn không xin đặc khoản đầu tư thì chỉ nộp hợp đồng cổ đông với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo. Tuy nhiên phải đăng ký bản đó với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài được chuyển vốn và lãi về sau này, giống như thủ tục vay nợ nước ngoài hiện nay.

5) Tương tự nếu nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác kinh doanh thì cả hai lập hợp đồng hợp tác kinh doanh, nộp bản đó với cơ quan đăng ký kinh doanh để báo cho biết; rồi đăng ký hợp đồng đó với Ngân hàng nhà nước như làm với hợp đồng liên doanh.

Các văn bản liên quan