Thạc sĩ Diệp Thành Nguyên – Phó trưởng Khoa Luật – Đại học Cần Thơ

Thứ Sáu 16:27 28-07-2006


GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ


Thạc sĩ Luật học Diệp Thành Nguyên
Phó trưởng Khoa Luật – Đại học Cần Thơ
 
            Luật Đầu tư cùng với Luật Doanh nghiệp là hai luật rất quan trọng tạo môi trường pháp lý để thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế nhiều thành phần đã được Hiến pháp quy định.

Trước những đòi hỏi khách quan của việc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế cần có những quy định pháp lý, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi về  đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế yên tâm, tin tưởng, hăng hái huy động và sử dụng mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế nên ngày 29 tháng 11 năm 2005 Quốc hội khóa 11 đã thông qua Luật đầu tưLuật này có liệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 (Luật này thay thế Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài năm 2000 và Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998).

Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan và chủ quan mà cho đến nay (cuối tháng 7 năm 2006, tức là gần 1 tháng sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực) Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư vẫn còn trên dự thảo. Xung quanh dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của nhiều giới, với tư cách là một công dân và người nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật, tôi xin có một số ý kiến về Dự thảo 16 Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư như sau:
 
Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo Nghị định có nêu lên 2 loại doanh nghiệp là “Doanh nghiệp thực hiện đầu tư 100% vốn nước ngoài” và “doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài”, nếu đây là 2 loại doanh nghiệp khác nhau thì cần phải có thêm quy định tiêu chí để phân biệt hai loại doanh nghiệp này, còn nếu đây chỉ là một thì phải dùng cho thống nhất một khái niệm, nếu không thì khoản này sẽ bị tối nghĩa.
 
Thứ hai, tại khoản 3 của cùng Điều 7 dự thảo nêu lên một loại hình doanh nghiệp là “Doanh nghiệp thực hiện đầu tư 100% vốn nước ngoài có tư cách pháp nhân  theo pháp luật Việt Nam”, theo tôi khái niệm này không chính xác bởi vì theo Luật Doanh nghiệp thì loại hình doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân.
 
             Thứ ba, tại khoản 2 Điều 11 của dự thảo Nghị định có quy đinh “Nhà đầu tư nước ngoài không được góp vốn, mua cổ phần vượt quá các cam kết về tỷ lệ mua, hình thức đầu tư và lộ trình quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Như chúng ta biết, tính đến nay nước ta đã ký hơn 40 điều ước quốc tế về đầu tư. Do đó, việc các nhà đầu tư buộc phải biết hết nội dung các điều ước này cũng là điều khó khăn. Vì thế dự thảo Nghị định nên có quy định hướng dẫn chi tiết hơn nhằm tránh những rắc rối cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý sau này.
 
 Thứ tư, tại khoản 2 Điều 44 của dự thảo Nghị định có quy đinh “Nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng dự án đầu tư”, quy định như trên phải hiểu là nhà đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư bằng văn bản việc tạm dừng đầu tư trong mọi trường hợp; trong khi đó Luật Đầu tư chỉ quy định thủ tục này khi nhà đầu tư cần miễn, giảm tiền thuê đất (khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư quy định “Nhà đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được xác nhận làm cơ sở cho việc xem xét miễn, giảm tiền thuê đất trong thời hạn tạm ngừng dự án”). Như thế, sự thuận lợi, thông thoáng cho nhà đầu tư trong dự thảo Nghị định bị bó hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.
 
Thứ năm, tại khoản 1 Điều 59 dự thảo Nghị định có quy đinh “Các dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới mười lăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư”.  Trong khi đó, chúng ta không tìm thấy trong dự thảo Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư trong nước, mà chỉ có Phụ lục D Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài. Nên chăng bổ sung thêm Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dung cho nhà đầu tư trong nước, vì có như thế thì quy định tại khoản 1 Điều 59 dự thảo mới có thể thực hiện được.
 
Thứ sáu, tại Phụ lục C “Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư” của dự thảo liệt kê chung chung, không hợp lý lắm, chẳng hạn như: sản xuất các loại pháo (kể cả pháo hoa?), sản xuất các đồ chơi nguy hiểm (cần phải cụ thể hơn?), buôn bán phụ nữ, trẻ em (buôn bán nam giới? Nên quy định chung buôn bán người là đủ).
 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan