Tập trung sửa Luật Đầu tư

Thứ Tư 15:19 08-04-2009
Nhìn chung, Dự thảo đã đạt được một số thành tựu nhất định, khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Việc ban hành Luật này sẽ khớp nối những xung đột, khập khiễng giữa các luật về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Ví dụ như việc tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ban hành mẫu thống nhất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất … Sau đây, chúng tôi xin có một số góp ý nhỏ như sau:

Một số phát hiện

1. Về phạm vi điều chỉnh của Luật này

Theo Dự thảo thì phạm vi điều chỉnh của Luật này là sửa, đổi bổ sung một số điều khoản của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Câu hỏi được đặt ra là: Những điều khoản bị sửa đổi, bổ sung bởi những điều khoản của Luật này có còn giá trị áp dụng đối với những lĩnh vực khác không phải là đầu tư xây dựng cơ bản không? Vấn đề này cần được làm rõ. Ngoài ra cần phải giải thích rõ thế nào là đầu tư xây dựng cơ bản? Dự án làm sân golf có phải là dự án đầu tư xây dựng cơ bản không?

2. Về Điều 3 của Dự thảo: Sửa đổi Điều 25 Luật đầu tư

Kiến nghị không để chính phủ quy định việc đầu tư theo hình thức sáp nhập, mua lại doanh nghiệp mà nên thực hiện việc này theo quy định của Luật Doanh nghiệp vì việc này quy định rất cụ thể tại Luật Doanh nghiệp. Việc sửa đổi Điều 25 không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này vì luật này điều chỉnh việc sửa đổi các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng.

3. Về Điều 6 của Dự thảo: Sửa một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Bỏ khái niệm “doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư” vì đã tách rời hai GCNĐT và GCNĐKKD sẽ dẫn đến hệ quả là nhà đầu tư bao giờ cũng phải thành lập doanh nghiệp trước khi tiến hành hoạt động đầu tư. Do đó, dự án bao giờ cũng có sau doanh nghiệp nên không thể có việc doanh nghiệp thành lập mới từ dự án. Chỉ cần quy định doanh nghiệp có dự án đầu tư tại địa bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi đầu tư là đủ.

4. Vấn đề Khoản 2 Điều 50 Luật đấu thầu: Trách nhiệm của chủ đầu tư

“Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng, số lượng thực tế thực hiện trên cơ sở đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá được chấp nhận điều chỉnh theo quy định tại Điều 57 của Luật này”

Quy định trên đã tạo nên việc chiếm dụng của doanh nghiệp khi cơ quan nhà nước là chủ đầu tư “om” tiền. Doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng phải trả lãi, trong khi vốn để tiến hành dự án lại khó giải ngân nên doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép. Trong khi đó, chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với việc giải ngân chậm, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Cần phải quy định thêm chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu giải ngân chậm gây thiệt hại cho nhà thầu vì trong quan hệ tư, cơ quan nhà nước bình đẳng với doanh nghiệp. Quy định trong Điều 50 Luật Đấu thầu là bất bình đẳng. Nhưng vấn đề giải ngân lại nằm ở Luật Ngân sách nhà nước. Vậy có nên đưa Luật Ngân sách nhà nước vào đối tượng điều chỉnh của Luật này không?

5. Vấn đề Tách Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư.

Trước đây, Điều 20 Luật Doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư quy định rằng nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc tách này là hợp lý vì chất pháp lý của hai giấy này là khác nhau. GCNĐKKD xác lập địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh, tức là doanh nghiệp, trong khi GCNĐT chỉ xác lập tính hợp pháp của một hành vi kinh doanh của doanh nghiệp. GCNĐT gắn với một dự án, còn GCNĐKKD gắn với một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp có thể có nhiều dự án.

Dự thảo tách hai GCNĐKKD và GCNĐT bằng cách bãi bỏ Điều 20 Luật Doanh nghiệp và Điều 50 Luật Đầu tư thì dẫn đến hệ quả như sau: Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải thực hiện ĐKKD để được được cấp GCNĐKKD độc lập với việc cấp GCNĐT cho dự án đầu tư. Như vậy, GCNĐT sẽ được cấp cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập? Vì vậy, dự thảo cần phải nói rõ được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập chứ không phải cấp cho nhà để tránh tình trạng hiểu lầm.

Mặt khác, nếu GCNĐT được cấp cho doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thì là dự án đó lại là một dự án đầu tư trong nước vì doanh nghiệp được cấp GCNĐT là một doanh nghiệp Việt Nam (Khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh”). Vậy, phân biệt nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa. Mà cần phải xây dựng tư duy không phân biệt đối xử khi chúng ta đã gia nhập WTO vì bất cứ nguồn vốn đầu tư nào kể cả trong và ngoài nước đều tạo ra ba hệ quả: tạo ra sản phẩm, tạo ra thuế và tạo ra việc làm.

Việc tách biệt GCNĐKKD và GCNĐT sẽ làm rõ hai khái niệm: nhà đầu tư và chủ đầu tư. Chủ đầu tư luôn luôn là người được cấp GCNĐT và triển khai dự án, chịu trách nhiệm pháp lý về dự án. Còn nhà đầu tư nếu trực tiếp thực hiện dự án mà không thành lập doanh nghiệp mới thì là chủ đầu tư, còn nếu thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án thì không phải là chủ đầu tư. Nếu nhà đầu tư không đồng nhất với chủ đầu tư thì nhà đầu tư có thể chuyển nhượng phần vốn đã đầu tư của mình mà không phải thay đổi GCNĐT.

6. Vẫn hiện tượng “bán lúa non”.

Khoản 1 Điều 39 Luật nhà ở quy định chủ đầu tư có quyền huy động vốn ứng trước khi thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Quy định này tạo cửa cho hiện tượng chủ đầu tư “bán lúa non”, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp và người mua nhà. Cần quy định rõ các khái niệm và sửa đổi thời điểm nhà đầu tư được huy động vốn của người mua nhà.

Kiến nghị

Mục đích của việc ban hành Luật này là khớp nối sự chồng chéo, làm rõ quy trình đầu tư. Vướng mắc cơ bản của quy trình đầu tư là Luật Đầu tư. Thực tế hiện này, Luật Đầu tư điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư bao gồm điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư…, còn các Luật chuyên có liên quan cũng lại điều chỉnh điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư. Vì phạm vi điều chỉnh có sự chồng chéo nên quy trình đầu tư có sự vênh nhau giữa các Luật.

Trung tâm của mọi rắc rối về vấn đề này là Luật Đầu tư. Cho nên, thay vì “ép” các luật khác phải điều chỉnh theo Luật Đầu tư, chúng ta nên sửa Luật Đầu tư theo hướng Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh ưu đãi đầu tư và các điều kiện để hưởng ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư muốn hưởng ưu đãi theo dự án thì sẽ xin cấp GCNƯĐĐT khi đáp ứng các điều kiện ưu đãi, còn nếu không muốn hưởng ưu đãi thì được tự do đầu tư. Còn điều kiện đối với hành vi đầu tư sẽ do các luật khác điều chỉnh. Liên quan đến đất đai thì Luật Đất đai sẽ điều chỉnh, đến xây dựng thì Luật Xây dựng điều chỉnh, đến môi trường thì Luật Bảo vệ môi trường điều chỉnh… Làm như vậy vừa đơn giản thủ tục đầu tư, vừa tránh chồng chéo các điều kiện đầu tư quy định tại các luật khác nhau.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng chỉ cấp cho nhà đầu tư GCNƯĐĐT chúng ta đã có kinh nghiệm làm khi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước còn hiệu lực. Nay chúng ta chỉ mở rộng đối tượng áp dụng gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài là hoàn tất.

Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên phải lấy lợi ích của nhân dân để xây dựng các chính sách cho hợp lý.

Các văn bản liên quan