Góp ý vấn đề đấu thầu

Thứ Tư 15:18 08-04-2009
 Để quản lý các hoạt động xây dựng, Nhà nước đã ban hành các Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những vấn đề thực tế cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu, xem xét và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

A. Những vấn đề tồn tại, vướng mắc cần được xem xét.

1/ Các văn bản hiện hành có những nội dung chưa thống nhất dẫn đến khó khăn khi thực hiện (Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu). Cần rà soát, tổng hợp nội dung các văn bản sửa đổi, bổ sung thành một văn bản chính thức ban hành áp dụng thống nhất.

2/ Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/05/2008 quy định cấp thẩm quyền quyết định chỉ định thầu là Thủ tướng Chính phủ, vì vậy có những hạng mục công trình không lớn và có đặc điểm riêng, đòi hỏi giải quyết nhanh, kịp thời nhưng vẫn phải thực hiện đủ các thủ tục chỉ định thầu đã quy định nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

3/ Quy định về chính sách đền bù khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa đầy đủ và đáp ứng được việc xử lý các vấn đề vướng mắc về gía bồi thường đất, nguồn vốn tạo lập khu tái định cư cho người bị thu hồi đất. Cần làm rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định những vấn đề thực tế nảy sinh khi tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm sớm giải tỏa bàn giao mặt bằng xây dựng.

4/ Các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn có những nội dung bất cập, không phù hợp và không giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tế, vì vậy công tác GPMB luôn là trở ngại đối với các dự án xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, khi rà soát các văn bản có nội dung liên quan đến công tác GPMB thì cần quy định rõ về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trong việc quyết định các chính sách khi có thực tế phát sinh trong giải phóng mặt bằng tại địa phương.

B. Những đề xuất và kiến nghị.

1/ Đối với các gói thầu được phép chỉ định thầu cần tăng thêm gía trị gói thầu để phù hợp với quy mô theo nhóm dự án và khả năng trượt gía trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

2/ Cho phép thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với các công tác phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

3/ Đối với thẩm quyền quyết định chỉ định thầu nên thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng (Các trường hợp đặc biệt khác được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép) – Điều 101 của Luật Xây dựng.

4/ Để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu (quy định tại Điều 11 của Luật Đấu thầu) cần điều chỉnh quy định Tư vấn lập dự án đầu tư không được tham gia đấu thầu Tư vấn khảo sát thiết kế; Tư vấn khảo sát thiết kế không được tham gia đấu thầu các bước tiếp theo vì điểm này không phù hợp với thực tế hiện nay.

5/ Điều chỉnh quy định về hình thức tự thực hiện (tại Điều 23 của Luật Đấu thầu) để thống nhất với Luật Xây dựng và áp dụng được các quy định tại điểm a khoản 1 – Điều 41, 50, 57, 75, 89 và điểm b khoản 2 Điều 45 của Luật Xây dựng.

6/ Để đảm bảo thời gian xem xét, đánh gía hồ sơ dự thầu với gói thầu có số lượng lớn nhà thầu tham gia dự thầu (đấu thầu rộng rãi) và gói thầu có phát sinh tình huống phức tạp cần xem xét, điều chỉnh Điều 31 của Luật Đấu thầu (quy định thời gian đánh gía HSDT và gia hạn hiệu lực của HSDT cần phù hợp với từng trường hợp cụ thể).

7/ Điều chỉnh gía hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng xây dựng : cần quy định thống nhất thực hiện Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phù hợp với Luật xây dựng và Luật Đấu thầu.

8/ Về xây dựng tái định cư: cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, TP trong việc chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà TĐC dự trữ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án trên địa bàn.

9/ Bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí chênh lệch đối với các hộ dân được bồi thường nơi ở cũ nhưng không đủ chi phí mua đất, nhà TĐC.

10/ Cần đề suất Nhà nước cho áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với việc lực chọn nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng khu tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

11/ Kiến nghị sửa khoản 8 – Điều 40 của Nghị định 58/2008/NĐ-CP về thẩm quyền chỉ định thầu theo hướng phân cấp mạnh hơn là Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng quyết định việc chỉ định thầu đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Việc phân cấp và quy định thẩm quyền là rất cần thiết khi có những hạng mục công trình phát sinh hoặc bổ sung trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

12/ Về chính sách đền bù đối với đất ở, đất nông nghiệp tại các khu vực giáp ranh với khu dân cư, đô thị đề nghị Chính phủ quy định các nguyên tắc cụ thể làm cơ sở để địa phương xác định gía đền bù đối với đất nông nghiệp gần với gía đất ở hơn.

13/ Cần quy định chính sách hỗ trợ, đền bù phù hợp đối với các hộ dân bị giải tỏa trắng, đặc biệt trong các khu dân cư, đô thị. Bổ sung quy định, chính sách điều chỉnh đối với các hộ dân được hưởng lợi ích gia tăng gía trị địa tô khi thực hiện dự án.

14/ Cần điều chỉnh khung chính sách về giải phóng mặt bằng sao cho phù hợp giữa các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, địa phương và các dự án ODA hoặc dự án đầu tư trực tiếp nhằm tránh khiếu nại, khiếu kiện do mặt bằng chính sách giải phóng mặt bằng khác nhau giữa các loại dự án nêu trên trong cùng một địa phương.

Các văn bản liên quan