Tại sao khác biệt với qui định của WTO?

Thứ Ba 09:24 23-05-2006
Chống bán phá giá là vấn đề đã được pháp điển hoá trong Hiệp định về chống bán phá giá (Hiệp định) của Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO. Việt Nam đang hết sức nỗ lực sửa đổi hệ thống pháp luật thương mại của chúng ta cho phù hợp với các qui định của WTO để có thể gia nhập Tổ chức này. Vì vậy, lẽ đương nhiên là các qui định về pháp luật chống bán phá giá của chúng ta không thể không tuân thủ các qui định mang tính nguyên tắc về vấn đề này trong Hiệp định.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Chống bán phá giá lại bỏ qua không ít các qui định của Hiệp định. Xin nêu một số ví dụ:
- Các qui định về Cung cấp thông tin cho quá trình điều tra (Điều 17 Dự thảo):
+ Dự thảo Nghị định không qui định về quyền của các bên liên quan được tiếp cận các bằng chứng bằng văn bản mà các bên khác cung cấp cho cơ quan điều tra. Trong khi đó Điều 6.1.2. Hiệp định lại qui định rất rõ quyền này.
+ Dự thảo không qui định về các hình thức tìm kiếm hoặc xác minh thông tin do cơ quan điều tra tự tiến hành (Điều 6.7 Hiệp định), về giá trị của các thông tin cung cấp trực tiếp bằng miệng (Điều 6.3 Hiệp định), về nghĩa vụ của cơ quan điều tra phải thông báo trước cho các bên trong một khoảng thời gian hợp lý về các căn cứ chính sẽ được sử dụng để ra kết luận cuối cùng (Điều 6.9 Hiệp định).
- Các qui định về Bảo mật thông tin (Điều 19 Dự thảo):
Theo qui định tại Điều 6.1 Hiệp định thì cơ quan điều tra không có nghĩa vụ "bảo mật thông tin do các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình điều tra cung cấp" (như qui định tại Dự thảo) mà chỉ có nghĩa vụ bảo đảm bí mật những thông tin có tính chất "mật" hoặc những thông tin mà các bên liên quan cung cấp dưới dạng thông tin mật. Ngay cả trong hai trường hợp này, các bên liên quan cũng phải tuân thủ những điều kiện nhất định về việc công khai hoá thông tin (ví dụ cung cấp một bản tóm tắt có thể công khai về nội dung thông tin mật đó).
Việc Dự thảo qui định như vậy phần nào gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc minh bạch hoá thủ tục tố tụng đồng thời có thể dẫn đến vi phạm quyền tố tụng cơ bản của các bên liên quan (quyền được tiếp cận thông tin do các bên khác cung cấp - đã đề nghị bổ sung vào Điều 17 Dự thảo).
- Các qui định về Đình chỉ điều tra khi có cam kết (Điều 8.4 Dự thảo):
Không phải mọi trường hợp cam kết đều dẫn tới hệ quả đình chỉ điều tra. Theo qui định của WTO, cơ quan điều tra có thể, theo sáng kiến của chính mình hoặc theo yêu cầu của các bên liên quan, quyết định tiếp tục tiến hành điều tra mặc dù đã có cam kết.
Ngoài ra Hiệp định còn qui định thêm các hệ quả của việc tiếp tục điều tra sau khi đã có cam kết (ví dụ: nếu kết quả điều tra cho thấy không có việc bán phá giá hoặc việc bán phá giá không gây ra thiệt hại đáng kể thì cam kết tự động hết hiệu lực).
Trên đây là một số ví dụ về những điểm khác biệt trong Dự thảo Nghị định với qui định tại Hiệp định về chống bán phá giá của WTO. Hy vọng rằng các nhà soạn thảo lưu ý bổ sung những nội dung này vào Dự thảo.

Các văn bản liên quan