Nhiều nội dung trong NĐ cần chi tiết hoá

Thứ Ba 09:25 23-05-2006
Nội dung của Nghị định là hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về chống bán phá giá nhằm chi tiết hoá các qui định này, đảm bảo khả năng áp dụng trên thực tế Pháp lệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Dự thảo Nghị định hiện tại còn một số điểm chưa đáp ứng yêu cầu này và do đó cần được cân nhắc chỉnh sửa thêm. Cụ thể:
- Qui định về tham vấn (Điều 18 Dự thảo):
Tham vấn là hoạt động quan trọng trong quá trình tố tụng chống bán phá giá. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mới đối với nước ta, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Qui định hiện tại trong Pháp lệnh và Dự thảo Nghị định chưa làm rõ được nội dung, qui trình cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong thủ tục này. Vì vậy, có lẽ cần qui định rõ trong Điều 18:
+ Định nghĩa thế nào là "tham vấn" (là "consultation" hay "hearings"?)? Bao gồm những thủ tục chi tiết nào? (Ngoài ra những vấn đề như Ai điều hành? Tiến hành vào thời điểm nào? Kéo dài bao lâu? cần được làm rõ, ví dụ trong qui chế làm việc của cơ quan điều tra);
+ Các bên liên quan có quyền và nghĩa vụ gì trong thủ tục tham vấn này?
+ Các hệ quả liên quan?
- Qui định về Cam kết:
Điều 26 Dự thảo: Cần xác định, ít nhất là về nguyên tắc, khi nào và với điều kiện gì một cam kết được xem là "có thể thực hiện được";
Điều 28 Dự thảo: Tương tự như nhận xét trên, nghĩa vụ cung cấp thông tin định kỳ về việc thực hiện cam kết của các bên liên quan cụ thể là như thế nào (cung cấp những thông tin cụ thể gì? Định kỳ bao lâu? Hệ quả của việc không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc nghĩa vụ này?);
- Qui định về hoạt động của Hội đồng xử lý vụ việc (Điều 30 Dự thảo):
Quyết định của Hội đồng có quan hệ như thế nào với các kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra (nếu quyết định của Hội đồng không giống với các kết luận của cơ quan điều tra thì sao )? Các bên liên quan có thể có ý kiến gì đối với các quyết định của Hội đồng này không?
Qui định tại Điều 5 Pháp lệnh (biện pháp chống bán phá giá không được gây thiệt hại đối với lợi ích kinh tế-xã hội trong nước) có được xem xét ở giai đoạn này không?
- Qui định về áp dụng thuế chống bán phá giá (Điều 32 Dự thảo):
+ Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể quyết định không áp dụng thuế chống bán phá giá nếu các quyết định của Hội đồng xử lý khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể không? Từ "căn cứ" ở đây phải được hiểu như thế nào (câu hỏi tương tự với Điều 31.1)?
+ Bộ trưởng có phải xem xét lại việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Điều 5.4 Pháp lệnh không?
- Qui định về thông báo áp dụng thuế (Điều 33):
Khoản 5 có lẽ đã bao hàm khoản 6. Do đó, hai khoản này chỉ cần qui định gọn lại là "các căn cứ chính của việc áp dụng thuế chống bán phá giá".
- Cần có qui định cụ thể hướng dẫn thi hành Điều 23, 24 Pháp lệnh về việc rà soát lại (Ai có quyền yêu cầu? Việc rà soát lại tiến hành với chủ thể nào? Căn cứ rà soát ?...)
- Điều 18, 19 Dự thảo:
Trong các trường hợp này, trách nhiệm (tiến hành tham vấn, bảo mật thông tin) thuộc về cơ quan điều tra chứ không phải là Bộ Thương mại nói chung. Do đó, cần sửa lại cho đúng.
Rất mong các nhà soạn thảo có những bổ sung thích hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của các qui định chống bán phá giá của Việt Nam, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trước hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Các văn bản liên quan