Thiếu nhiều nội dung quan trọng

Thứ Ba 09:23 23-05-2006
Nghị định được xây dựng với mục tiêu cơ bản là cụ thể hoá và đảm bảo tính khả thi của các thủ tục điều tra chống bán phá giá trong Pháp lệnh về chống bán phá giá. Tuy vậy, với những nội dung hiện tại trong Dự thảo Nghị định, có lẽ chúng ta còn xa mới có thể thực hiện được một vụ điều tra chống bán phá giá trên thực tế.
Lý do là rất nhiều vấn đề thiết yếu trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá, kể cả những vấn đề về nguyên tắc lẫn những chi tiết kỹ thuật đã không được "hướng dẫn" trong Nghị định này. Khi thực hiện trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà sản xuất nội địa của Việt Nam cũng như những nhà xuất khẩu nước ngoài bị kiện sẽ không biết căn cứ vào đâu để áp dụng.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định chưa làm rõ được những vấn đề như:
Về giá xuất khẩu: Giá bán của hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam (giá xuất khẩu) được tính như thế nào? Nếu hàng hoá nhập vào Việt Nam theo cách trao đổi hàng hoặc theo những cách thức khác không phải là hợp đồng mua bán thì tính giá xuất khẩu như thế nào?
Về việc tính toán biên độ phá giá: So sánh giá xuất khẩu với giá thông thường như thế nào để tìm ra biên độ phá giá chính xác và công bằng? (Nếu nhà xuất khẩu nước ngoài nhập hàng vào Việt Nam nhiều lần với các mức giá xuất khẩu khác nhau? Nếu giá thông thường của hàng hoá đó tại thị trường nước ngoài cũng thay đổi theo thời gian? Nếu giá xuất khẩu là giá bán buôn hàng hoá trong khi giá thông thường lại là giá bán lẻ? Nếu giá xuất khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến Việt Nam trong khi giá thông thường không bao gồm chi phí này do hàng được bán ngay tại thị trường nước xuất khẩu đó?....)
Về việc xác định mức thuế chống bán phá giá: Mức thuế chống bán phá giá (xác định căn cứ vào biên độ phá giá) được tính riêng cho từng nhà xuất khẩu nước ngoài hay tính chung cho tất cả các nhà xuất khẩu từ một nước? Nếu một nhà xuất khẩu nước ngoài không xuất khẩu mặt hàng bị điều tra vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra mà là vào thời điểm sau đó thì tính mức thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá của họ như thế nào?..
Về việc xác định thiệt hại: Cơ quan điều tra sẽ kết luận như thế nào trong trường hợp thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa của Việt Nam phải chịu phát sinh từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ là do hàng nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá?
Về một số qui định khác có tính kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo quá trình điều tra thống nhất, công bằng và nhanh chóng, ví dụ: Trước khi ra quyết định bắt đầu điều tra chống bán phá giá thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét những vấn đề gì? Nếu có nhiều loại sản phẩm gần giống với sản phẩm bị kiện chống bán phá giá thì cơ quan có thẩm quyền phải xác định phạm vi loại sản phẩm sẽ điều tra như thế nào? Nếu có quá nhiều nhà xuất khẩu nước ngoài cùng xuất mặt hàng liên quan vào Việt Nam mà điều kiện vật chất của ta không cho phép điều tra hết tất cả thì phải làm như thế nào? Nếu sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, nhà xuất khẩu nước ngoài tìm cách lách thuế này bằng việc tháo rời các sản phẩm của mình thành các bộ phận riêng lẻ rồi sau khi nhập vào Việt Nam mới lắp ráp thì ta cần có cách gì để ngăn chặn?..
Quan điểm của các nhà soạn thảo cho rằng pháp luật về chống bán phá giá không nên quá chi tiết nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi có thể áp dụng linh hoạt các qui định theo những hoàn cảnh thực tế cụ thể là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, những qui định như đề cập ở trên là những nội dung rất quan trọng (trong đó có những qui định mang tính bắt buộc trong Hiệp định về chống bán phá giá của WTO) cần phải có sự thống nhất và tuân thủ chính xác trong quá trình áp dụng. Vì vậy, rất mong các nhà soạn thảo quan tâm bổ sung thêm các nội dung này vào Dự thảo Nghị định, tránh tình trạng sau khi Nghị định ban hành phải chờ tiếp rất nhiều văn bản khác để "hướng dẫn thi hành" Nghị định này.

Các văn bản liên quan